Netflix chú thích Hội An của Trung Quốc:Luật hóa để ngăn chặn

Theo ông Lê Đình Cường, cần hành lang pháp lý bình đẳng giữa dịch vụ trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực nội dung số và truyền hình trả tiền.

by

Sau khi bị khán giả và cộng động mạng phát hiện hình ảnh phố cổ Hội An của Việt Nam bị chú thích thành quận Phù Lăng của Trung Quốc trong series phim Madam Secretary, Netflix đã gỡ bỏ bộ phim này khỏi nền tảng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sự việc một lần nữa lại làm dấy lên những lo ngại về việc quản lý, kiểm duyệt nội dung được đăng tải trên các dịch vụ truyền hình OTT (Over The Top - giải pháp cung cấp các nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng Internet) của các đơn vị nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Cho đến nay, đã có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới xâm nhập vào thị trường Việt Nam như Netflix, iFlix, Apple TV... Dịch vụ này được các đơn vị nước ngoài có tiềm lực kinh tế tài chính rất mạnh cung cấp bản quyền và khả năng độc quyền cao với kho nội dung khổng lồ đa thể loại về phim điện ảnh, phim truyền hình, chương trình truyền hình thực tế, các giải bóng đá hấp dẫn trên thế giới… Sự phát triển của thị trường  cũng đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/30/244532/netflix-chu-thich-hoi-an-cua-trung-quocco-nhung-nguy-co..._30529790.jpg
Netflix đã phải gỡ bỏ bộ phim Madam Secretary khỏi nền tảng tại Việt Nam sau khi nhà sản xuất bộ phim này chú thích Hội An thành địa danh của Trung Quốc

Theo ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), vụ việc chú thích địa danh của Việt Nam thành địa danh của Trung Quốc trong phim truyền hình phát sóng trên nền tảng Netflix là không thể chấp nhận được vì nó có liên quan đến chủ quyền quốc gia.

Đặc biệt, những nguy cơ từ việc không kiểm soát được nội dung đăng tải trên các dịch vụ OTT xuyên biên giới đã được VNPayTV cảnh báo từ lâu.

Ông Cường khẳng định, khi Việt Nam mở cửa hội nhập thì không thể bảo vệ các doanh nghiệp trong nước một cách cực đoan, nhưng những năm qua tồn tại sự bất bình đẳng giữa các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới với các doanh nghiệp trong nước.

Bản thân các doanh nghiệp dịch vụ truyền hình ở Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng về sự bình đẳng, bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp làm truyền hình. 

"Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới không những không hoạt động một cách công bằng mà tìm nhiều cách để lách khung pháp lý của Việt Nam. Họ vào Việt Nam hoạt động, thu tiền nhưng không nộp thuế, không chịu sự kiểm duyệt nội dung", Phó Chủ tịch VNPayTV nói.

Trường hợp của Netflix là một ví dụ. Có mặt ở thị trường Việt Nam từ năm 2016, cung cấp dịch vụ phim trả phí, chỉ sau 3 năm, Netflix đã có khoảng 300.000 thuê bao. Các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền cho rằng, cùng bán dịch vụ, nhưng doanh nghiệp Việt Nam phải nộp thuế và nhiều chi phí khác, còn Netflix thì không. Đây chính là sự bất bình đẳng khiến doanh nghiệp Việt Nam mất khách hàng và doanh thu.

Ông Cường nhắc lại nỗi bức xúc của nhiều doanh nghiệp truyền hình của Việt Nam khi họ nhập khẩu nội dung, mua bản quyền để phát sóng đều phải đóng thuế; khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng cũng nộp thuế và hàng năm phải nộp thuế doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới lại chưa thực hiện trách nhiệm về thuế, cũng như trách nhiệm tuân thủ các quy định quản lý nội dung khác.

Đáng lo hơn, sự thiếu kiểm soát nội dung của các dịch vụ OTT xuyên biên giới này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho quản lý nhà nước.

"Như vụ việc xảy ra đối với bộ phim Madam Secretary chiếu trên Netflix, chưa thể khẳng định họ chủ ý hay không chủ ý, nhưng trước hết nó đã vi phạm an ninh quốc gia và điều đó không thể chấp nhận được", Phó Chủ tịch VNPayTV khẳng định.

Trước đó, VNPay đã nhiều lần có văn bản kiến nghị gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ TT-TT, Bộ VH-TT-DL, Bộ Tư pháp đề nghị chưa thực hiện việc cấp phép các đơn vị nước ngoài khi chưa đủ các điều kiện về công tác quản lý, kiểm soát, kiểm duyệt, biên dịch, biên tập nội dung các chương trình như quy định của Luật Báo chí, nhằm đảm bảo yêu cầu an ninh, thông tin - truyền thông trên mạng Internet và tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trong nước.

Theo ông Cường, các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới như Netflix, Iflix... có khối lượng nội dung thông tin số xuyên biên giới vào Việt Nam rất lớn, được cập nhật liên tục hàng ngày sẽ là thách thức và khó khăn về quản lý, biên tập, biên dịch nội dung theo quy định của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh và các quy định pháp luật khác.

“Đây sẽ là nguy cơ tiềm ẩn để các thế lực bên ngoài lợi dụng truyền bá thông tin sai lệch, nội dung tiêu cực, xuyên tạc. Nếu không được quản lý theo quy định của pháp luật, thì nội dung chương trình của các đơn vị nước ngoài sẽ trở thành loại hình cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị cung cấp nội dung chương trình trong nước”, ông Cường cảnh báo và cho rằng Nhà nước cần phải tạo ra hành lang pháp lý bình đẳng giữa dịch vụ trong nước và ngoài nước, trong cả hai lĩnh vực nội dung số và truyền hình trả tiền.

Ở đó, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT phải  thực hiện thủ tục về đăng ký cấp phép hoạt động theo quy định. Các nội dung trước khi cung cấp phải thông qua khâu biên tập, biên dịch, kiểm duyệt theo quy định, giống như các đơn vị cung cấp dịch vụ trong nước. Nếu chưa tuân thủ quy định về thủ tục, điều kiện cấp phép thì không cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ OTT vào thị trường Việt Nam.

Cũng bởi vậy, ông Lê Đình Cường đề nghị cần phải sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình). Đây là hành lang pháp lý hoàn chỉnh, quản lý được các dịch vụ cung cấp nội dung truyền hình xuyên biên giới, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.