Sếp EVN lương trên 48 triệu đồng: Đau đầu, khó hiểu

Mặc dù mức tăng lương thấp hơn dự kiến nhưng việc EVN tăng lương trong bối cảnh Chính phủ đang yêu cầu chưa tăng lương là rất khó hiểu

by

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 28/5 cho biết, theo kế hoạch quỹ lương năm 2020 với 14 lãnh đạo, bình quân mỗi sếp EVN sẽ lĩnh 48,4 triệu đồng một tháng. Mức lương này tăng 2,67% so với năm 2019.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/30/28519/sep-evn-luongtren-48-trieu-dong-kho-hieu_30518320.jpg
Lương lãnh đạo EVN hơn 48 triệu đồng/ tháng. Ảnh: TTO

Mặc dù theo tập đoàn này, mức tăng lương trên thấp hơn mức đề xuất là tăng 37% (tương đương lương bình quân lên 64,6 triệu đồng/tháng) vào hồi tháng 3/2020, thông tin trên vẫn khiến nhiều chuyên gia băn khoăn.

TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh cả nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nguồn thu ngân sách bị thiếu hụt nhưng Chính phủ vẫn phải triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt bão Covid-19 như các giải pháp miễn giảm thế, cho vay vốn, không tăng lương.

Đặc biệt, quyết định không tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 của Chính phủ nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía dư luận, xã hội. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng không tăng lương thời điểm nay là cần thiết.

Sau đề xuất của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, ngân hàng cũng có động thái không tăng lương, để dành nguồn lực đối phó với Covid-19.

"EVN là doanh nghiệp Nhà nước cần tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, EVN lại vẫn quyết định tăng lương, mặc dù không nhiều nhưng cũng cho thấy cách làm khó hiểu của doanh nghiệp này", vị chuyên gia nói.

Hơn nữa, vị chuyên gia nhấn mạnh: EVN là doanh nghiệp Nhà nước luôn nhận được rất nhiều cơ chế, chính sách ưu ái từ Chính phủ. Lẽ ra, khi xảy ra dịch bệnh EVN phải thể hiện tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ xã hội của mình, chủ động chia sẻ khó khăn với Nhà nước và người dân.

Mặc dù EVN cũng đã tiến hành giảm giá điện và an sinh xã hội để hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19 nhưng song song với đó, EVN lại có đề xuất xin lùi thời gian sửa biểu giá điện, vấn đề được coi là nguyên nhân khiến người hóa đơn tiền điện của người dân luôn bị tăng cao. 

Cùng với nhiều vấn đề trong điều hành quản lý, tăng giảm giá điện chưa được làm rõ, khiến dư luận lăn tăn về những nỗ lực giảm giá điện của EVN.

"Chính phủ đã có chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ làm đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành kiểm tra giá điện, phương pháp tính giá, việc thu tiền điện...

Nhưng tới nay, giá điện tăng giảm thế nào, cách thức phân bổ chi phí và minh bạch hóa chi phí trong cơ cấu giá điện ra sao vẫn chưa được làm rõ".