Phụ huynh Hà Tĩnh cùng con về quê trải nghiệm, trau dồi kỹ năng sống
by Thiên Vỹ(Baohatinh.vn) - Đưa con về quê hoạt động trải nghiệm, qua đó hình thành lối sống nhân văn và các kỹ năng sinh tồn là một phương pháp dạy trẻ tích cực, đang được nhiều gia đình ở Hà Tĩnh áp dụng.
Chị Bùi Quỳnh Phương (35 tuổi, ở phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ: “Dù hai vợ chồng đều là nhân viên công sở, công việc luôn bận rộn nhưng mỗi dịp cuối tuần, chúng tôi đều cố gắng thu xếp đưa các con về quê ở Hà Tĩnh. Đó là dịp các con có thời gian gần gũi ông bà nội, ngoại và khám phá quê hương”.
Chị Phương và chồng đều quê ở Lộc Hà. Cuộc sống ở thành phố khá đơn điệu khi mọi thứ đều phải theo lịch học của 2 con. Mỗi tuần chỉ có ngày thứ 7, chủ nhật cả gia đình mới có thời gian dành cho nhau. Tuy nhiên, thay vì đưa con đến những tụ điểm dịch vụ vui chơi hiện đại ở thành phố, gia đình anh chị lựa chọn cho con về quê trải nghiệm.
Tham gia các hoạt động như: ra đồng xem thu hoạch lạc, gặt lúa, đi cấy hay lên núi thăm đồi chè, câu cá…, các con chị Phương có khoảng thời gian vui vẻ, thoải mái sau một tuần học tập. Hơn thế nữa, thông qua những trải nghiệm thực tế, các con chị có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng sống.
Chị Phương cho biết: “Các con tôi hiểu rõ hơn về những mối nguy hiểm khi tắm ở hồ đập, kỹ năng tự xử lý khi bị kiến cắn, ong đốt… Các bé cũng biết yêu quý, hiếu thảo với ông bà hơn”.
Nhận thấy sự tích cực trong việc dạy con bằng phương pháp về quê trải nghiệm, chị Phương còn lập một nhóm facebook những bà mẹ cùng quan điểm với mình.
Hiện, nhóm của chị có hơn 20 bà mẹ, ông bố tham gia. Qua diễn đàn này, các bố mẹ có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc lựa chọn hình thức trải nghiệm cho con mình.
Cũng với tư tưởng hướng con về quê, anh Trần Đức Cường (43 tuổi, ở phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) đã lập kế hoạch tổ chức các hình thức trải nghiệm cho con ngay từ khi con bắt đầu có “triệu” câu hỏi vì sao.
“Tôi nghĩ, việc để các con có những trải nghiệm với cuộc sống lao động của người nông dân giúp bé biết trân quý các giá trị. Việc gần gũi ông bà khiến các con tôi cảm nhận sâu sắc hơn về tình ruột thịt” - anh Cường chia sẻ.
Nếu công việc không có gì đột xuất, mỗi tuần anh lại luân phiên đưa con mình về quê nội và quê ngoại. Vợ chồng anh cảm thấy vui vì đứa con trai dù mới 10 tuổi nhưng đã có những kỹ năng cơ bản về các công việc làm vườn, như: cuốc đất, nhổ cỏ, thu hoạch rau, củ... Bên cạnh đó, kiến thức về các loài cây, loài động vật cũng khá phong phú.
Theo anh Cường, trẻ con thành phố được bao bọc bởi cuộc sống trong môi trường khép kín. Việc đưa các con về quê trải nghiệm là cách giúp trẻ “thoát” khỏi các thiết bị công nghệ đang bủa vây trong thời đại 4.0.
Ngoài đưa con về quê trong các chuyến hoạt động thiện nguyện vùng sâu, vùng xa, anh Cường còn mang con theo để nuôi dưỡng tâm hồn nhân ái cho bé.