Nụ hôn của vợ giúp cụ ông 85 tuổi sống sót diệu kỳ
by VietNamNet News, https://www.facebook.com/vietnamnet.vnVừa tỉnh lại sau cơn hôn mê, ông lão 85 tuổi nói giọng run run ‘Hãy hôn tôi’. Người vợ nước mắt đầm đìa cúi xuống và hôn chồng trìu mến.
Chuyện tình như cổ tích của chàng trai liệt 2 chân và cô gái quen qua mạngCâu chuyện tình yêu 60 năm bình dị khiến dân mạng trầm trồ, ngưỡng mộChuyện tình chàng Việt kiều Mỹ và cô hàng xóm phải nhờ bà ngoại ‘làm mai’
Bức ảnh được chụp trong phòng chăm sóc đặc biệt. Người chụp bức ảnh này là nhiếp ảnh gia Từ Anh Hỷ (năm nay 64 tuổi) ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Hai người trong bức ảnh chính là bố và mẹ của anh - ông Từ Quảng Dư và bà Từ Thanh Hoa.
Bức ảnh mang tựa đề ‘Nụ hôn’ đã giành được giải đặc biệt tại Liên hoan phim Hồng Kông. Quan trọng hơn, anh Từ Anh Hỷ nói, sau nụ hôn của mẹ, bố anh đã sống thêm một cách kỳ diệu trong hơn 1 năm.
Bố mẹ của anh Từ Anh Hỷ vốn là bạn thanh mai trúc mã. Họ kết hôn khi bà 18 tuổi, ông 19 tuổi và lần lượt sinh được 4 người con.
Ông Từ Quảng Dư là một người tận tụy. Dù công việc bận rộn nhưng trưa nào ông cũng đạp xe về đón con, đưa con đến cổng cơ quan vợ để vợ cho con bú. Sau đó, ông đưa con về rồi mới lại đi làm.
‘Làm mẹ đã vất vả rồi, để cô ấy ở lại cơ quan nghỉ ngơi, tôi là đàn ông cần giúp đỡ vợ’, ông Từ giải thích mỗi khi có người thắc mắc tại sao không để bà về nhà.
Ông Từ Quảng Dư vốn đẹp trai, cao ráo, tài năng. Xung quanh ông có rất nhiều người ngưỡng mộ, theo đuổi, nhưng ông luôn nói rằng, không có ai tốt hơn vợ ông. Suốt cuộc đời, ông chỉ yêu một người phụ nữ ấy.
‘Cứ thế, năm tháng lấy đi tuổi trẻ của bố và mẹ, nhưng không thể lấy đi tình yêu của 2 người’, anh Từ Anh Hỷ chia sẻ.
Bố mẹ anh đã sống cạnh nhau nhiều năm nhưng chưa bao giờ anh thấy bố mẹ cãi nhau, cũng không bao giờ giận nhau.
Bởi thế, 4 anh chị em nhà anh cũng theo gương bố mẹ, chỉ cần thấy ai lớn tiếng, người còn lại sẽ nói 'hãy nhìn vào bố mẹ của chúng ta'. Lúc đó, tất cả sẽ bình tĩnh trở lại.
Ở tuổi U80, ông Từ vẫn rất lãng mạn với vợ. Có lần ông mua tặng vợ một đôi dép gót cao bằng nhựa. ‘Hồi trẻ mẹ hay đi kiểu dép này. Bố luôn nhớ sở thích của mẹ’, bà Thanh Hoa kể với con cháu.
Chiều ngày 17/05/2012, trong khi chơi mạt chược với hàng xóm, ông Từ bất ngờ ngã xuống rồi bất tỉnh. Chỉ sau một đêm, mọi thứ đã thay đổi. Ông Từ bị thông báo mắc bệnh hiểm nghèo.
Suốt thời gian trị liệu cho ông, mặc dù con cháu rất hiếu thảo, nhưng bà Từ khăng khăng đòi tự chăm sóc cho chồng.
‘Mẹ lo cho bố từ bữa ăn, uống thuốc, lau mặt, lau người cho bố. Bố nằm viện bao lâu mẹ cũng ở bên, ngủ bên cạnh giường của bố’, anh Từ Anh Hỷ nói.
Một lần, thấy mẹ mệt mỏi quá, bố lại đang ngủ thiếp đi, anh Hỷ nói mẹ về nhà nghỉ ngơi, lấy lại sức.
Giữa đêm hôm ấy, ông Từ thức dậy, câu đầu tiên ông hỏi là: ‘Mẹ các con đâu, sao bố không nhìn thấy mẹ?’. Rồi ông rối rít gọi bà như một đứa trẻ kiếm mẹ khiến căn phòng trở nên ồn ào.
‘Các con an ủi thế nào cũng không được. Cuối cùng, tôi phải về đón mẹ lúc 3, 4h sáng’. Khi thấy vợ đến, ông Từ lập tức im lặng, thể hiện như đứa trẻ biết lỗi.
Suốt 5 năm ông bị ốm, bà Từ chăm chồng cẩn thận từng ly từng tý.
Có món gì ngon, bà cũng phần chồng ăn trước. Chưa bao giờ bà kêu mệt mỏi, cũng chưa bao giờ bà nói phiền phức. Để nhắc nhở bản thân phải cho chồng uống thuốc đúng giờ, bà viết ra giấy nhớ, dán khắp nhà.
Bà cũng thường xuyên đo huyết áp, kiếm tra lượng oxy trong máu cho chồng nhiều lần trong ngày.
Để chồng có thể đi lại dễ dàng, bà quyết định bán căn nhà đã gắn bó nửa đời người, mua một ngôi nhà mới với một chiếc thang máy.
Bất kể đi đâu, họ cũng đi cùng nhau. Bà nói, khi còn trẻ, ông chính là đôi mắt của bà, chính ông đã cho bà được trải nghiệm sự thịnh vượng của thế giới. Giờ, bà sẽ là đôi chân của ông.
Đi chợ mua rau, bà cũng đẩy xe đưa chồng đi cùng. Bà còn đưa ông đi dạo, gặp gỡ bạn bè, hít thở không khí trong lành, đến nhìn ngôi nhà cũ để ôn lại những kỷ niệm xưa.
Vào tháng 5/2016, ông Từ phải trở lại phòng chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ nói, hãy chuẩn bị cho việc hậu sự.
Hôm đó, ông Từ lúc mê lúc tỉnh. Trong cơn mê ông gọi tên vợ liên tục. Bà cúi thấp người xuống để lắng nghe ông nhưng ông Từ lúc này rất yếu, năng lượng gần như đã cạn kiệt.
Phải rất cố gắng, ông mới nói được với bà, ‘có vẻ, lần này sẽ là đi thật’. Bà Từ Thanh Hoa bật khóc. Các con cháu cũng khóc hết nước mắt. Lúc các cháu gái cúi xuống hôn lên trán ông nội, ông ra hiệu cho bà rồi nói bằng giọng run run ‘hôn…hôn…’.
Bà Từ Thanh Hoa cúi xuống, mắt nhắm lại nhẹ nhàng, đặt một nụ hôn lên môi của chồng.
Nhìn thấy cảnh ấy, con cháu có mặt đều rơi nước mắt. Anh Từ Anh Hỷ nhanh chóng bấm nút, chụp lại khoảnh khắc quý giá này.
Đó là một bức ảnh không quá nhiều màu sắc, nhưng lại rất cảm động.
Tháng 7/2017, ông Từ qua đời. Bà Từ Thanh Hoa nhớ, đó là buổi sáng. Tình trạng của ông Từ đã tốt hơn trước.
Ông ăn sáng bằng nửa bát mì, sau đó ông ăn 5 quả anh đào. Đến 10h, khi các con cháu đã rời đi, ông gọi bà lại và nói nhẹ nhàng: ‘Lần này, tôi thật sự phải đi rồi’. Sau câu nói đó, ông từ từ khép mi mắt lại…
‘Tháng 7 này là đến giỗ của bố tôi. Mẹ tôi vẫn nhớ nhung ông mỗi ngày. Mẹ lấp đầy căn phòng với những bức tranh của hai người từ lúc trẻ đến khi về già rồi thường xuyên xem nó. Mỗi lần như thế, nước mắt mẹ lại chảy xuống.
Bà biết rằng, mọi người đều không thể tránh được quy luật của cuộc sống, sớm muộn gì rồi cũng phải chia tay nhưng tình yêu của bố và mẹ đã kéo dài suốt 70 năm qua. Giờ ông đi rồi, làm sao bà không thấy trống vắng?', anh Từ Anh Hỷ ngậm ngùi.
Linh Giang(Theo Sina)