Hong Kong: Bước ngoặt mới trong quan hệ Trung Quốc-EU
(PL)- Việc Trung Quốc quyết định ban hành luật an ninh Hong Kong có thể làm ảnh hưởng sâu rộng đến quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) khi khối này đang trong quá trình điều chỉnh chính sách châu Á.
Hôm 28-5, Quốc hội Trung Quốc (TQ) đã chính thức thông qua nghị quyết về xây dựng luật an ninh Hong Kong với 2.878 phiếu thuận và 1 phiếu chống.
Ngoài Mỹ là quốc gia lên án kịch liệt động thái trên, Liên minh châu Âu (EU) cũng công khai phản đối việc ban hành luật an ninh mới, cho rằng Bắc Kinh đang xâm phạm quá mức quyền tự trị của đặc khu tự trị này. Bên cạnh đó, hiện nay là giai đoạn nhạy cảm trong quan hệ giữa EU và TQ vì khối này đang trong quá trình điều chỉnh chính sách châu Á sau cú sốc đại dịch COVID-19, theo hãng tin Bloomberg.
EU đứng giữa ngã ba đường
Là một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nhất do đại dịch, EU dĩ nhiên đang rất muốn nhanh chóng khôi phục lại kinh tế và ổn định lại thị trường. Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng khối này trước mắt sẽ khó giải quyết được vấn đề kinh tế nếu thiếu TQ - đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Mỹ. Ngoài ra, một loạt quốc gia châu Âu cũng đang trong quá trình đàm phán với Huawei để phát triển mạng 5G bất chấp nguy cơ an ninh quốc gia.
Bloomberg cho hay một quan chức EU giấu tên khi được phỏng vấn đã miêu tả chính sách ngoại giao của EU với TQ “rất hỗn loạn”. Trong khi một số nước với nền kinh tế khiêm tốn trong khối như Ý, Hungary tỏ ý ủng hộ lập trường hòa hiếu với TQ thì các thành viên như Pháp và Đức lại có phần dè dặt hơn.
Tuy nhiên, nếu quá chú trọng lợi ích kinh tế thì EU sẽ đối mặt với nguy cơ đánh mất hoàn toàn các giá trị mà lâu nay khối này theo đuổi là tự do cá nhân và quyền con người theo quan điểm của phương Tây. Từ lâu EU đã gạt sang một bên các vấn đề về khác biệt tư tưởng chính trị và mô hình quản trị với TQ nhằm giữ ổn định quan hệ thương mại.
Bloomberg cho rằng các diễn biến Hong Kong hiện nay cũng như cách hành xử của TQ suốt giai đoạn bùng phát COVID-19 đang đòi hỏi EU phải có động thái khẳng định lập trường của mình và chứng tỏ EU là tiếng nói có sức nặng. Nói cách khác, việc EU phản ứng với TQ như thế nào sẽ ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của khối trong mắt cộng đồng quốc tế.
Mặt khác, EU cũng đang phải chịu áp lực chính trị từ phía Mỹ. Nếu khối này để cho Washington đơn phương trừng phạt hay phản đối TQ thì quan hệ của hai bên sẽ bị ảnh hưởng, nhất là khi ông Trump nhiều lần đe dọa sẽ phát động thương chiến với EU.
“Tình thế đang thay đổi. Đại dịch COVID-19 và luật an ninh Hong Kong là những thứ khiến dư luận châu Âu chú ý nhiều hơn đến hiểm họa TQ trỗi dậy. Những người trước đây không tin giờ đã được mục sở thị” - cựu đại sứ Pháp tại TQ Jean-Maurice Ripert nhận định.
Hướng đi nào cho EU?
Theo ông Ripet, do những diễn biến Hong Kong xảy ra ngoài dự đoán của EU, khối này nhiều khả năng vẫn đang tìm đồng thuận chung giữa các thành viên nhằm đưa ra lập trường thống nhất về vấn đề. “Tình hình có vẻ khá căng thẳng và nhạy cảm nên cũng không có gì bất ngờ nếu EU cần thời gian để suy xét. Giờ không phải là lúc để đưa ra những phát ngôn hay hành động nóng vội” - chuyên gia này cho hay.
Dù vậy, trong trường hợp EU quyết định hành động, khối này hiện đang nắm trong tay một số quân bài chiến lược có thể tung ra phản đòn Bắc Kinh. Đầu tiên, EU có thể biến Hong Kong thành một nước cờ mà Bắc Kinh mà muốn đi sẽ phải trả giá đắt với nạn nhân là Huawei.
300.000 người Hong Kong sở hữu hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO) thời gian tới sẽ được nâng thời hạn ở lại Anh từ sáu tháng lên 12 tháng, hãng tin Reuters dẫn tuyên bố ngày 29-5 của Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho hay.
Hôm 28-5, tờ The Times (Anh) cho hay một nguồn tin mật trong chính phủ Anh tiết lộ London đang lên kế hoạch thiết lập một liên minh viễn thông 10 nước nhằm giảm phụ thuộc vào công nghệ 5G của Huawei. Hiện chưa rõ nước nào sẽ gia nhập liên minh mới này nhưng điều quan trọng là động thái của Anh chắc chắn sẽ có tác động đến những nước thuộc khối EU vẫn đang lưỡng lự về vấn đề này.
Đơn cử, Quốc hội Đức đến nay vẫn đang thảo luận việc có nên cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G của nước này hay không. Một nguồn tin nói với Bloomberg là quan điểm của đa số thành viên Quốc hội đang dần ngả sang quyết định cấm cửa.
Thứ hai, xét về cục diện chính trị hiện tại, TQ trên thực tế cần EU ủng hộ hơn là muốn làm phật ý khối này vì Bắc Kinh đang rất cần thêm đồng minh trong cuộc đối đầu với Mỹ. Nếu EU cảnh giác và không bị vướng vào chiến lược “chia để trị” - đàm phán riêng từng nước của TQ thì chắc chắn đây là một lợi thế mà khối này có thể để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ vụ Hong Kong. Có điều là nói dễ hơn làm, đoàn kết nội khối là vấn đề mà EU đã vướng phải kể từ khi thành lập đến nay và mỗi khi EU gặp khủng hoảng, chia rẽ luôn là thứ cản trở khối này vươn tới thành công.
Luật an ninh quốc gia Hong Kong nói gì?
Theo nội dung của dự thảo công bố ngày 22-5, luật an ninh Hong Kong mới sẽ cho phép các cơ quan an ninh đại lục đặt trụ sở và hoạt động trên lãnh thổ Hong Kong khi cần thiết. Đồng thời, trưởng đặc khu được yêu cầu phải thường xuyên báo cáo với Bắc Kinh các vấn đề an ninh quốc gia. Đây là vấn đề mà nhiều chuyên gia lo ngại sẽ phá vỡ nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” vốn cho phép Hong Kong tự quyết định và tự giải quyết các vấn đề trong nội bộ đặc khu.
Hiện đại lục đang duy trì một doanh trại hơn 10.000 lính TQ ở khu vực quận trung tâm Hong Kong nhưng lực lượng này rất hạn chế tiếp xúc với bên ngoài.