Xu hướng tách khỏi Trung Quốc gia tăng, đến lượt Anh tìm kế giảm phụ thuộc nhập khẩu
Mục đích là nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc của Anh đối với hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
by Quang HuyTrung Quốc nắm 71 mặt hàng sống còn
Theo như tờ báo The Times (Anh) đưa tin, theo sáng kiến của thủ tướng Boris Johnson, chính phủ nước này dự định xây dựng kế hoạch với tên gọi "Đề án phòng vệ".
Các thành viên của chính phủ được giao trách nhiệm xác định những điểm yếu dễ bị tổn thương của nền kinh tế đất nước trước "các chính phủ nước ngoài có khả năng thù địch, trong khuôn khổ một cách tiếp cận mới đối với lĩnh vực an ninh quốc gia". Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông Dominic Raab sẽ là người trực tiếp chỉ đạo.
Sáng kiến này bao gồm việc nghiên cứu các chuỗi cung ứng, khi những doanh nghiệp của Anh phụ thuộc vào việc nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc để phục vụ hoạt động sản xuất của mình.
Bên cạnh đó, theo thông tin của tờ báo Anh, chính phủ nước này đã thành lập 2 nhóm làm việc để triển khai nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế hậu cách ly.
"Đề án phòng vệ" cũng sẽ phải đánh giá sự bền vững của lĩnh vực sản xuất những mặt hàng thiết yếu tại Anh. Nhóm làm việc thứ 2 sẽ phải xác định hướng ưu tiên hỗ trợ của chính phủ đối với hoạt động sản xuất các mặt hàng thiết yếu, như thuốc kháng sinh.
Thêm một nguồn tin nữa của tờ báo Anh cho biết rằng công việc đang được triển khai còn liên quan tới "sự đa dạng hoá chuỗi cung ứng".
Trong tuần trước, trung tâm Henry Jackson, thuộc đại học Cambrigde, chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại của Anh, đã thông báo rằng nước này hiện đang phụ thuộc vào 289 chủng loại hàng hóa từ Trung Quốc, trong đó 71 mặt hàng là quan trọng sống còn.
Các thành phần dược phẩm cần thiết để sản xuất thuốc giảm đau và chống virus, cũng như những loại thuốc kháng sinh nằm trong số các hàng hoá mà Anh hoàn toàn phải nhập khẩu. Trung Quốc chiếm 50% tỷ trọng nhập khẩu của Anh.
Xu hướng "bài Hoa" ngày càng tăng
Cùng với đó, xu hướng chỉ trích hướng vào Bắc Kinh và cách hành xử của nước này trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 đang ngày càng gia tăng trong xã hội Anh.
Anh là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ các yêu cầu của Mỹ điều tra về nguồn gốc của virus corona. Hồi tháng 4, ông Dominic Raab đã tuyên bố rằng London không thể tiếp tục làm ăn với Trung Quốc "như bình thường". Ông cho rằng, trước tiên cộng đồng quốc tế phải tiến hành điều tra và xác định bệnh dịch virus Corona chủng mới bùng phát như thế nào, tại sao lại không thể ngăn chặn nó ngay ở giai đoạn đầu và vai trò của chính phủ Trung Quốc trong những sự kiện này là như thế nào.
Theo cuộc điều tra xã hội được thực hiện trong tháng trước, thái độ đối với Trung Quốc trong xã hội Anh ngày càng cứng rắn hơn. Trong bối cảnh đại dịch, 63% người dân Anh tuyên bố ủng hộ ý tưởng của chính phủ áp dụng chính sách cứng rắn hơn trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và an ninh đối với Trung Quốc. 62% người Anh tuyên bố ủng hộ chính phủ đưa hoạt động sản xuất thuốc men trở lại từ Trung Quốc.
Các nghiên cứu về sự phụ thuộc vào sản phẩm của Trung Quốc đã được thực hiện đối với cả Mỹ, Canada, Úc và New Zealand. Những kết quả cho thấy rằng tổng cộng 5 nước này phụ thuộc vào 5.910 chủng loại hàng hoá từ Trung Quốc, trong số đó 319 chủng loại là cần thiết đối với các lĩnh vực quan trọng của ngành công nghiệp.
Đa số các loại thuốc bán tại Anh được sản xuất thông qua chuỗi cung ứng phức tạp, mà trong đó có tới gần 70% nguyên liệu thành phần được sản xuất tại Trung Quốc.
Trước đó, ông Boris Johnson tuyên bố dự định trình Quốc hội dự thảo luật bảo vệ các công ty Anh khỏi sự thôn tính của những nhà đầu tư nước ngoài. Đó là các công ty mang ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực an ninh quốc gia, nhưng rơi vào tình hình tài chính khó khăn. Theo sáng kiến của ông Johnson, trong trường hợp này, các công ty sẽ được chính phủ Anh mua lại. Ngài thủ tướng tuyên bố về sự cần thiết phải nghiên cứu và áp dụng các biện pháp, mà "đảm bảo được rằng chúng ta sẽ bảo vệ nền tảng công nghệ của mình".
Cách tiếp cận của Anh cũng được các quốc gia châu Âu khác áp dụng. Tổng thống Pháp Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng kêu gọi tăng cường chủ quyền của EU đối với các sản phẩm y tế.
Hồi đầu tháng 4, Berlin đã thắt chặt những quy định nhằm bảo vệ các công ty Đức trước "sự nuốt chửng" của những nhà đầu từ đến từ các quốc gia ngoài EU, những quy định tương tự cũng được áp dụng sau đó tại Pháp. Trong số các nước, mà thời gian gần đây đã áp dụng những biện pháp ngăn chặn sự thôn tính hoạt động kinh doanh trong nước của các nhà đầu tư nước ngoài còn có cả Nhật Bản và Ấn Độ.
Liên minh châu Âu cũng đang đi theo hướng này. "Chúng ta cần phải lưu ý các công ty của Trung Quốc, một số dưới sự hỗ trợ của nguồn vốn nhà nước, ngày càng cố gắng mua những công ty châu Âu hiện đang có mức giá thấp hoặc gặp phải những vấn đề khó khăn về kinh tế vì khủng hoảng liên quan tới CoViD-19", ông Weber tuyên bố.