Người chăn tuần lộc chật vật thích ứng với mùa đông bất thường
Đã từng có thời, linh miêu, chó sói và đại bàng là mối bận tâm chính của những người chăn tuần lộc thuộc tộc người Sami ở Thụy Điển khi họ cho bầy gia súc đi kiếm ăn trong mùa đông. Nhưng hiện tại, cộng đồng này đang đau đầu tìm kiếm nguồn thức ăn cho bầy tuần lộc khi thời tiết trở nên khắc nghiệt và thất thường hơn.
by Hồng HạnhTheo báo cáo của Viện Khí tượng Thụy Điển, trong giai đoạn 1991-2019, nhiều vùng ở phía Bắc và phía Đông nước này ghi nhận mức tăng nhiệt độ trung bình gần 2 độ C so với thời kỳ 1860-1900. Đặc biệt, nhiệt độ ở miền Bắc cao hơn bình thường tới 10 độ C trong một số ngày đầu tháng 1. Trong tháng 2 vừa qua, 3 trạm quan trắc ở miền Trung ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong tháng kể từ năm 1971.
Nhiệt độ cao trái mùa khiến tuyết tan rồi lại đóng băng khi trời lạnh trở lại, khiến lớp băng trở nên dày hơn, làm cho tuần lộc không thể đào bới tìm địa y.
Những người chăn tuần lộc không còn cách nào khác là phải thay nhau đi tìm kiếm nguồn thức ăn ở những khu vực xa hơn trong suốt 2 tháng trước khi lên đường với bầy tuần lộc.
Những người chăn tuần lộc thường phải lùa bầy gia súc tránh đường cao tốc, các trang trại điện gió và công trình thủy điện. Thời tiết khó lường khiến hành trình thường bị kéo dài gấp đôi.
Biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn nhất hiện nay với tộc người Sami, cộng đồng duy nhất ở Thụy Điển được phép nuôi tuần lộc lấy thịt, da và gạc. Tộc người này hàng năm di chuyển hàng trăm km để vận chuyển đàn gia súc, trước tiên bằng xe tải, sau đó thả chúng ra, theo sau bằng xe trượt tuyết và theo dõi chúng bằng vòng cổ định vị GPS.
Với dân số khoảng 80.000 - 100.000 người, tộc người Sami đã chăn nuôi tuần lộc ở khắp miền Bắc Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Nga từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong đó nhiều người sống phía trên Vòng Bắc Cực.
Theo một nghiên cứu của trường Đại học Oulu của Phần Lan, cộng đồng này và bầy gia súc của họ trở nên đặc biệt dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, do hiện tượng Trái Đất nóng lên làm thay đổi thảm thực vật, đe dọa sự sống còn và nguồn thức ăn của loài tuần lộc.
Tập quán chăn nuôi tuần lộc là một phần quan trọng trong nền văn hóa cũng như kinh tế của người Sami. Ước tính sinh kế của khoảng 2.000 người Thụy Điển phụ thuộc gián tiếp vào việc chăn nuôi đàn tuần lộc khoảng 250.000 con ở nước này. Và người Sami ngày càng ý thức hơn về những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với tương lai của cộng đồng này.