Ngày 29/5: Việt Nam 43 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng; kích cầu du lịch nội địa
Đến cuối ngày 29/5, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, 43 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Nhiều địa phương triển khai kích cầu du lịch nội địa để tái khởi động dịch vụ du lịch.
by XCTheo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 29/5, có thêm BN315 (39 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh.
Bệnh nhân từ Campuchia trở về Việt Nam vào ngày 2/5/2020, ngày 3/5/2020 bệnh nhân được đi cách tại khu cách ly tập trung của tỉnh Tây Ninh. Ngày 5/5/2020, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng đến ngày 15/5/2020, kết quả xét nghiệm lại dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân được nhập viện vào ngày 16/5/2020, trong quá trình điều trị, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 27/5/2020 và lần 2 vào ngày 28/5/2020.
Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 17 ca.
Ngày 29/5, tại buổi hội chẩn của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trường hợp bệnh nhân số 91 là nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) được Hội đồng chuyên môn đánh giá là đã có những dấu hiệu khá lên như: Phổi của bệnh nhân đã phục hồi được 40%, bệnh nhân đã tỉnh sau khi dừng thuốc an thần, dãn cơ, đã có phản xạ ho mạnh hơn, cử động được ngón tay… Tuy nhiên, bệnh nhân tiên lượng còn nặng vì lưu lượng ECMO còn cao dù đang giảm dần các thông số.
Theo đó, việc điều trị bệnh nhân 91 còn nhiều thách thức, vì bệnh nhân bị nhiễm trùng phổi với chủng vi khuẩn rất khó điều trị. Quan điểm của Bộ Y tế là hết lòng điều trị, phục vụ cho người bệnh, không phân biệt bệnh nhân trong nước hay nước ngoài.
Các chuyên gia cũng cho biết, với tình hình như hiện nay, chiến lược điều trị tiếp theo sẽ là tập trung điều trị tình trạng nhiễm trùng phổi và từng bước cai ECMO cho bệnh nhân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy tập trung điều trị tình trạng nhiễm trùng phổi, thay thế thuốc điều trị chống nấm cho bệnh nhân 91. Bệnh nhân cần được quan tâm điều trị chức năng gan, thận… và tăng cường dinh dưỡng để cải thiện cơ hoành và tình trạng liệt cơ. Đồng thời, tiếp tục theo dõi để tìm kiếm nguồn phổi hiến phù hợp.
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Nghị quyết nhằm mục tiêu duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội đề ra. Trong đó, Chính phủ đưa ra 3 nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ đề nghị tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cụ thể, Chính phủ quyết định giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không được miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh còn dư nợ đến ngày 31/12/2019; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.
Đưa hơn 340 công dân Việt Nam từ Đài Loan (Trung Quốc) về nước
Ngày 29/5/2020, các cơ quan chức năng Việt Nam, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam và các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) đã phối hợp thực hiện chuyến bay chở hơn 340 công dân Việt Nam từ Đài Loan (Trung Quốc) về nước.
Công dân trên chuyến bay là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị mắc kẹt do đại dịch COVID-19 như: học sinh dưới 18 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người bị bệnh hiểm nghèo, có tiểu sử bệnh lý nền, lao động hết hạn hợp đồng, người thăm thân, du lịch hét hạn visa... Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã tích cực, chủ động hỗ trợ hướng dẫn công dân hoàn thành các thủ tục và cử cán bộ trực tiếp phối hợp với Hãng Hàng không hỗ trợ công dân tại sân bay.
Chuyến bay được đảm bảo chặt chẽ về an ninh, an toàn, các quy định về phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh dịch tễ. Sau khi hạ cánh tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng, những người tham gia chuyến bay đều đã được kiểm tra y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 36% trong tháng 5/2020 nhờ kiểm soát tốt COVID-19.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 29/5, do Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt dịch COVID-19, nên số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2020 tăng hơn 36%, tương đương 10.700 doanh nghiệp.
Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, các bộ, ngành, số doanh nghiệp “hồi sinh” trở lại đã có dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể: Chỉ tính riêng tháng 5/2020, Việt Nam đã có 10.728 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 112,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 91,5 nghìn lao động, tăng 36,1% về số doanh nghiệp, tăng 20,1% về vốn đăng ký, tăng 27% về số lao động so với tháng trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới tháng 4/2020 chỉ đạt gần 7.900 doanh nghiệp.
Tháng 5/2020, Việt Nam còn đón 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7% so với tháng trước và tăng 105,4% so với cùng kỳ năm ngoái; 3.342 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 18,9% và tăng 43,7%; 3.083 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 42,3% và tăng 47,6%; 962 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,8% và giảm 9,8%; 3.473 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 21,3% và tăng 44,5% so với tháng 4/2020.
“Những con số trên cho thấy, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại và lạc quan với tín hiệu phục hồi mới của nền kinh tế cũng như từ các thị trường sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát”, báo cáo Tổng cục Thống kê nêu.
Đề xuất sớm xây dựng cột mốc số 0 tạo điểm nhấn thu hút khách
Chiều 29/5, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức hội nghị triển khai chương trình hành động phục hồi thúc đẩy phát triển du lịch, khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm: Quận sẽ nghiên cứu, đề xuất thành phố xây dựng cột mốc số 0 của Hà Nội và cả nước tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Cột mốc này sẽ là điểm nhấn không chỉ của Thủ đô, mà của cả nước; thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Quận sẽ tổ chức hội nghị mang tầm quốc gia để thảo luận và xin ý kiến về phương án kiến trúc cột mốc số 0 này.
Ông Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy cho biết: Quận đã có đề án xây dựng cột mốc số 0 gắn với kế hoạch cải tạo không gian hồ Hoàn Kiếm để có thể khởi công và hoàn thành vào dịp 10/10. Cùng với đó, quận có ý tưởng phục hồi lại cảnh vua Lê trả kiếm cho rùa thần, gắn với sự tích mang tên hồ Hoàn Kiếm, qua đó sẽ tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn của quận trong thời gian tới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 từ đầu năm 2020, hoạt động du lịch của quận Hoàn Kiếm chịu nhiều tác động lớn. Doanh thu du lịch trong quý I giảm 39,7% và tiếp tục giảm sâu trong quý II. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến quận Hoàn Kiếm giảm 66,63% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Ước tính cả năm 2020, doanh thu từ du lịch sẽ chỉ đạt hơn 68% so với năm ngoái. Khách quốc tế lưu trú trên địa bàn giảm mạnh theo từng tháng, đến tháng 4, chỉ còn 82/675 cơ sở lưu trú còn hoạt động, công suất sử dụng phòng bình quân chỉ còn 35,5%”, ông Nguyễn Anh Quân cho biết.
Liên kết kích cầu du lịch nội địa Khánh Hòa – Hà Nội
Ngày 29/5 tại Hà Nội, tỉnh Khánh Hòa và thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình liên kết kích cầu du lịch nội địa, tạo sản phẩm mới, điểm đến mới với chất lượng dịch vụ đảm bảo.
Theo ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, từ cuối tháng 4 và tháng 5, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa, khôi phục lại hệ thống dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng sau dịch COVID-19. Theo đó, chương trình kích cầu du lịch nội địa đảm bảo tiêu chí an toàn, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch. Hà Nội là thị trường nội địa lớn của Khánh Hòa dịp hè này.
Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, chương trình kích cầu nội địa với tên gọi “Nha Trang biển gọi”, triển khai từ tháng 5 cho đến tháng 12/2020, có hơn 40 đơn vị tham gia, với phương châm giảm giá từ 20-40% tùy từng thời điểm hoặc giữ giá kèm gia tăng dịch vụ bổ sung. Chương trình kích cầu thu hút đông khách du lịch nội vùng tuyến Khánh Hòa – Ninh Thuận – Bình Thuận – Lâm Đồng. Sở Du lịch Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh quảng bá tại thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Dự tính từ tháng 6, tháng 7 khách du lịch nội địa sẽ dần phục hồi.