Vụ gia đình bị ném bom xăng: Bé trai 3 tuổi bỏng rất nặng

 Bé 3 tuổi trong vụ gia đình bị ném bom xăng bị bỏng rất nặng. Các bác sĩ đã giúp bệnh nhi vượt qua được giai đoạn sốc bỏng, sốc nhiễm trùng nhưng bé phải đối mặt với các di chứng bỏng nặng nề.
>>Một gia đình bị ném bom xăng, 2 bé trai bỏng nặng

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM ngày 29/5 cho biết, tại đây đã tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhi trong vụ cả gia đình bị tấn công bằng bom xăng xảy ra ở Bình Dương. Sau 10 ngày chăm sóc, điều trị tích cực cậu anh trai là bé N.T.Đ. (9 tuổi) bị bỏng 10% rải rác nhiều nơi trên cơ thể đã bình phục và xuất viện, tuy nhiên cậu em trai là bé N.T.C. (3 tuổi) còn khá nặng.

Cháu đang tiếp tục được điều trị tại khoa Bỏng chỉnh trực trong tình trạng bỏng 25% diện tích cơ thể trong đó vùng bỏng sâu tập trung ở mặt, 2 tay, 2 chân và vùng bụng. Các y bác sĩ đã chăm sóc vết thương, sử dụng kháng sinh nhưng bé vẫn bị nhiễm trùng gây nhiều đau đớn.

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/05/29/vu-gia-dinh-bi-nem-bom-xang-be-trai-3-tuoi-bong-rat-nang-2-1590748606858.jpeg
Các ngón của bàn tay bị tuột da khiến bé chịu nhiều đau đớn

Ngày 28/5, các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc cắt mô da hoại tử cho bệnh nhi. Nếu vết phỏng tiến triển xấu hơn, thời gian tới cháu còn phải tiếp tục cắt lọc và ghép da. Tuy nhiên, sau điều trị bệnh nhi sẽ phải đối mặt với các di chứng sẹo lồi, sẹo co rút vùng bàn tay, bàn chân ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng vận động và thẩm mỹ.

Như Dân trí đã thông tin, đêm 18/5 một gia đình ngụ tại Bình Dương đã bị nhóm thanh niên dùng mã tấu đe dọa rồi tấn công bằng bom xăng. Hậu quả của vụ việc trên khiến 3 người trong gia đình bỏng nặng, trong đó có 2 bé trai phải chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu.

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/05/29/bong-xang-1-1590745645983.jpg
Sau điều trị, bệnh nhi sẽ phải đối mặt với những di chứng sẹo lồi, sẹo co rút

Bỏng là một chấn thương đối với da và mô do nhiều nguyên nhân: nhiệt, điện, hóa chất, ma sát hay bức xạ, trong đó bỏng do nhiệt (lửa) là loại bỏng nặng. Điều trị bỏng tùy thuộc vào mức độ tổn thương bề mặt da, các bác sĩ có thể dùng thuốc giảm đau đơn thuần, chăm sóc đơn giản nhưng vết bỏng lớn đòi hỏi phải điều trị kéo dài trong các trung tâm chuyên về bỏng.

Có những trường hợp bỏng quá nặng, bệnh nhi không qua khỏi, nhiều ca bỏng nặng qua được nguy kịch nhưng phải đối mặt với di chứng suốt phần đời còn lại. Các bác sĩ kêu gọi cộng đồng cần quan tâm và hết sức đề phòng tai nạn liên quan đến bỏng để trẻ em không phải chịu nỗi đau do tai nạn này suốt đời.

Vân Sơn