Cổ đông VPBank: Không được chia cổ tức, "lợi nhuận chúng tôi bỏ đi đâu?"

 Thắc mắc tại đại hội, một cổ đông VPBank cho biết, mua cổ phiếu không được chia cổ tức thì "lợi nhuận chúng tôi bỏ đi đâu?".
>>Tò mò đăng nhập trang web và hơn 460 triệu đồng bị “ngân hàng" giả mạo VPBank lừa đảo

Chiều nay 29/5, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.

Tại đại hội, Hội đồng quản trị VPBank trình cổ đông thông qua một số nội dung quan trọng để thảo luận và thông qua.

Về phân phối lợi nhuận, năm 2019, VPBank ghi nhận lãi sau thuế 8.260 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ thì lợi nhuận còn lại chưa phân phối là hơn 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên ngân hàng dự kiến không chia cổ tức mà trình cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2019 để phục vụ hoạt động kinh doanh.

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/05/29/vp-bank-29-1590742946286.jpg
Hội đồng quản trị VPBank trình cổ đông thông qua một số nội dung quan trọng để thảo luận và thông qua.

Trước thông tin này, một cổ đông VPBank thắc mắc, ngân hàng làm ra nhiều tiền vì sao không chia cổ tức cho cổ đông, mua cổ phiếu không được chia cổ tức thì "lợi nhuận chúng tôi bỏ đi đâu?".

Trả lời cổ đông, ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị cho hay: Mục tiêu của ngân hàng giữ lại tiền là để phát triển ngân hàng. Hội đồng quản trị cũng chia sẻ với cổ đông, nhưng ngành ngân hàng cần tăng trưởng liên tục, không thể dừng lại, cần tăng quy mô và hướng đến mục tiêu là một trong những ngân hàng tốt nhất, vì thế ngân hàng không thể đáp ứng được việc chia cổ tức bằng tiền đều đặn hàng năm.

Qua đó, hội đồng quản trị ngân hàng mong cổ đông chia sẻ với chiến lược đã đề ra. "Tuy nhiên về giá trị của khoản đầu tư, nếu như quý cổ đông đã đầu tư vào ngân hàng thời gian dài (10 năm như cổ đông nói) chắc chắn có lợi do cổ phiếu ngân hàng tăng cao và cũng đã chia cổ tức", ông Quân nói.

Về phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (ESOP), theo hội đồng quản trị, nhằm giữ chân nhân tài và ghi nhận đóng góp của các cấp cán bộ nhân viên, hội đồng quản trị trình cổ đông phương án phát hành 17 triệu cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (ESOP), không với giá bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng với mức giải tỏa tối đa 30% sau 1 năm, 35% sau 2 năm, 35% sau 3 năm.

Theo chương trình Đại hội, cổ đông VPBank bỏ phiếu để bầu ra Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2020 - 2025. Theo đó, Hội đồng quản trị của VPBank nhiệm kỳ mới gồm có 5 ứng viên, trong đó 4 ứng viên cũ là ông Ngô Chí Dũng (chủ tịch), ông Bùi Hải Quân (phó chủ tịch), ông Lô Bằng Giang (phó chủ tịch), ông Nguyễn Đức Vinh (thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc).

Ngoài ra, hội đồng quản trị VPBank còn có một ứng viên mới là ông Nguyễn Văn Phúc (ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị độc lập). Ông Phúc được bầu thay thế cho ông Nguyễn Văn Hảo, thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ hiện tại.

Theo giới thiệu của ngân hàng, ông Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1955, từng công tác tại Văn Phòng Quốc hội giai đoạn trước năm 2007. Từ 2007 đến 2011 ông là đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận và là Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XII, cùng một số chức danh khác.

Năm 2011 - 2016, ông Phúc công tác tại Ủy ban kinh tế của Quốc hội, là đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời là Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XIII. Từ 2016 tới nay ông Phúc là chuyên gia độc lập cho các dự án kinh tế của các bộ ban ngành.

Còn danh sách bầu Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới vẫn là 4 cái tên của những người đương nhiệm, gồm bà Nguyễn Thị Mai Trinh, Trịnh Thị Thanh Hằng, Kim Ly Huyền và ông Vũ Hồng Cao.

Chia sẻ tại đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết: 5 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận ngân hàng đạt khoảng 5.100 tỷ đồng, tương đương khoảng 50% kế hoạch cả năm và 6 tháng sẽ đạt trên dưới 6.000 tỷ đồng.

"Với tốc độ này và không có gì bất thường của diễn biến dịch bệnh, ngân hàng sẽ đạt kết quả cao hơn 10 - 20% so với chỉ tiêu đã trình cổ đông", ông Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh.

An Hạ