Phổi phi công người Anh mắc Covid-19 cải thiện, bệnh nhân tự xoay được đầu

 Bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 91, phi công người Anh đã có những dấu hiệu khá hơn, đã tỉnh, có phản xạ ho mạnh, cử động được ngón tay, dù tiên lượng vẫn nặng.
>>Phi công người Anh mắc loại vi khuẩn khó điều trị, lọc máu trở lại
>>Còn gần 9000 người đang cách ly, theo dõi Covid-19

Sáng 29/5, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 đã cùng Hội đồng chuyên môn hội chẩn bệnh nhân 91 hiện điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 28/5 bệnh nhân đã có những dấu hiệu khá hơn. Sau khi ngưng thuốc an thần giãn cơ, bệnh nhân đã tỉnh, có phản xạ ho mạnh hơn và cử động được ngón tay, cơ hoành và cơ khác còn liệt. Phổi bệnh nhân cải thiện thêm một phần, thông khí phổi đã tăng lên 40% (trước đó là 30%-20%-10%).

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/05/29/truc-tuyen-3-1590746950395.jpg
Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã họp trực tuyến, lên phương án tiếp tục điều trị cho người bệnh

Theo kết luận hội chẩn của Tổ chuyên môn Bộ Y tế, sức khỏe bệnh nhân đã có những tín hiệu đáng mừng và tích cực hơn. Cụ thể, kết quả men gan giảm dần đều trong 3 ngày qua, xét nghiệm CRP - xét nghiệm định lượng Protein phản ứng C trong máu giúp đánh giá mức độ viêm và theo dõi đáp ứng điều trị của các bệnh lý nhiễm trùng và PCT - xét nghiệm nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết đều giảm thêm.

Bệnh nhân có phản xạ tốt hơn, có thể tự xoay đầu khi nhận y lệnh từ bác sĩ. Bên cạnh đó, sức cơ tay chân cũng khá hơn, tình trạng cứng hàm dần cải thiện, người bệnh đã ngậm được kín miệng. Tuy nhiên, cơ thể vẫn còn cứng khớp vai và khớp cổ chân tay nên bệnh nhân đang được y bác sĩ tích cực tập vật lý trị liệu.

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/05/29/cac-dieu-duong-giao-tiep-voi-bn-91-2-1590746950082.jpg
Nam phi công người Anh đã tự xoay được đầu theo y lệnh của bác sĩ

Ngoài ra, bệnh nhân có dấu hiệu suy mòn về dinh dưỡng nên gây ảnh hưởng đến cơ hoành và 1 số cơ khác. Để nâng tổng trạng cho người bệnh, các chuyên gia dinh dưỡng của Bệnh viện Chợ Rẫy đang tích cực theo sát bệnh nhân để can thiệp phù hợp nhằm cải thiện sức cơ.

Bệnh nhân vẫn tiên lượng còn nặng vì lưu lượng ECMO còn cao (dù đang giảm dần các thông số) và nhiễm trùng phổi với chủng vi khuẩn rất khó điều trị. Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế vẫn đang chuẩn bị công tác dự phòng ghép phổi cho bệnh nhân trong trường hợp người bệnh không cai được ECMO. 

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/05/29/10057076744736308426544409112159996233121792-o-1590744854651.jpg
Các chuyên gia hội chẩn tìm hướng điều trị cho bệnh nhân 91.

Tại buổi hội chẩn, các thành viên đã chúc mừng những kết quả bước đầu trong điều trị bệnh nhân 91 của Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, việc điều trị bệnh nhân 91 vẫn còn nhiều thách thức vì vẫn còn tình trạng nhiễm trùng phổi. Song quan điểm của Tiểu ban điều trị là không phân biệt bệnh nhân trong hay ngoài nước, giàu hay nghèo thì cũng đều được ngành y tế hết lòng phục vụ. 

Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh nhân 91 là trường hợp mắc Covid-19 khó nhất từ trước đến nay. Chiến lược điều trị tiếp theo là tập trung điều trị nhiễm trùng phổi và từng bước cai ECMO. 

GS.TS Ngô Quý Châu, quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cũng đề nghị bệnh viện xem xét sử dụng loại thuốc mới trong điều trị nấm cho bệnh nhân, đồng thời thay đổi bằng thuốc tiêm cho người bệnh. Ngoài ra, cần quan tâm đặc biệt đến dinh dưỡng để cải thiện cơ hô hấp, cơ hoành…. 

Thứ trưởng Sơn đề nghị, Bệnh viện Chợ Rẫy tập trung điều trị nhiễm trùng phổi, thay thế thuốc điều trị chống nấm cho bệnh nhân, quan tâm điều trị đến chức năng gan, thận…, tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, Bệnh viện Việt Đức phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục tìm theo dõi tình trạng người bệnh, tìm kiếm nguồn cho phổi phù hợp.

Bệnh nhân 91 đã nằm viện hơn 2 tháng. Ngay từ khi nhập viện, bệnh nhân liên tục tiến triển nặng, nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính. Bệnh nhân có yếu tố béo phì với chiều cao 1,83m, nặng 100kg. Cơ thể người bệnh cũng phản ứng quá mức với virus SARS-CoV-2, tạo ra “cơn bão cytokine”, tấn công cả tế bào lành. 

Kết quả cấy đờm ra Burkholderia cenocepacia. Đây là vi khuẩn rất khó điều trị trên nền bệnh nhân có suy giảm miễn dịch. Bên cạnh việc tiếp tục sử dụng kháng sinh, dinh dưỡng, người bệnh đang được tập vật lý trị liệu để phục hồi các chức năng của cơ thể.

Nhiều tờ báo quốc tế cũng khen ngợi nỗ lực phi thường của Việt Nam tìm cách cứu phi công Anh và đến nay chưa có bệnh nhân Covid-19 nào tử vong.

Đến nay, Việt Nam ghi nhận 327 ca mắc Covid-19, có đến 187 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Đã có 278 (85%) bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hơn 300 ca mắc nhưng không ghi nhận trường hợp tử vong.

Nam Phương - Vân Sơn