Ra mắt giải pháp hội nghị truyền hình trực tuyến dựa trên mã nguồn mở

by

(HNMO) - Chiều 29-5, Bộ Thông tin và Truyền thông khai trương giải pháp Hội nghị trực tuyến do Liên minh CoMeet cung cấp. 

http://hanoimoi.com.vn/Uploads/images/phananh/2020/05/29/Comeet.JPG
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng (trái) cùng các thành viên trong Liên minh CoMeet bấm nút khai trương giải pháp Hội nghị trực tuyến CoMeet chiều 29-5.

Liên minh CoMeet gồm 6 doanh nghiệp: Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp (CMC TS), Công ty cổ phần NetNam, Công ty cổ phần Giải pháp thông tin iWay, Công ty cổ phần An toàn thông tin Cyradar, Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS, Công ty TNHH Đỉnh Quang (DQN).

Dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự đồng hành của Cục Tin học hóa trực thuộc Bộ và Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), giải pháp Hội nghị trực tuyến CoMeet chính thức được Liên minh đưa vào hoạt động, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng các công cụ làm việc online từ tác động của dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Kim Cương, thành viên của Liên minh CoMeet, tính năng đáng chú ý của giải pháp là không hạn chế số điểm tham gia họp trực tuyến, chia sẻ màn hình của tất cả thành viên theo điều phối của người quản trị, trò chuyện riêng qua tính năng chat, ghi lại nội dung cuộc họp... Đặc biệt hơn, người dùng có thể yên tâm về tính an toàn, bảo mật nhờ mã hóa dữ liệu và chế độ kiểm soát thành viên tham gia họp. Hiện nay, người dùng có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ trên tất cả các nền tảng MS Windows, MAC OS, iOS, Android.

Liên minh Comeet đã đưa dịch vụ ra thị trường bằng một mô hình hợp tác kinh doanh mới, từ thế mạnh của từng thành viên, các công ty hợp lực cung cấp giải pháp, dịch vụ hội nghị trực tuyến trên nền phần mềm nguồn mở, nhờ đó mang lại giải pháp hội nghị trực tuyến toàn diện, riêng tư, tích hợp linh hoạt cho các tổ chức, doanh nghiệp, dùng internet trong nước, bảo đảm an toàn và bảo mật.

Phát biểu tại buổi khai trương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, Bộ đưa ra 2 định hướng phát triển thị trường hội nghị truyền hình trực tuyến tại Việt Nam, đó là: Giải pháp do doanh nghiệp Việt Nam tự xây dựng, phát triển, như nền tảng hội nghị trực tuyến Zavi (của Công ty cổ phần VNG) ra mắt ngày 15-5-2020 và giải pháp phát triển sử dụng mã nguồn mở là giải pháp Hội nghị trực tuyến CoMeet ra mắt hôm nay. Bộ Thông tin và Truyền thông hoan nghênh giải pháp hội nghị trực tuyến của Liên minh CoMeet và kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu hội họp trực tuyến ưu tiên lựa chọn, sử dụng các giải pháp, dịch vụ do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.

Theo đánh giá của Cục Tin học hóa, trong thời gian tới, thị trường, dịch vụ, giải pháp hội nghị trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh do phần lớn người dùng đã hình thành thói quen học tập, làm việc trên môi trường mạng trong đợt giãn cách xã hội vừa qua. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp hội nghị trực tuyến cần liên tục hoàn thiện, làm chủ công nghệ để chiếm lĩnh thị trường.

Kể từ khi xảy ra dịch Covid-19, giải pháp hội nghị truyền hình trực tuyến do các doanh nghiệp trong nước phát triển, cung cấp đã tăng mạnh. Trong đó, Tập đoàn VNPT đạt tăng trưởng hơn 3 lần về số lượng điểm cầu và khách hàng sử dụng dịch vụ. Đáng chú ý, VNPT đã thiết lập 96 phòng họp từ Văn phòng Chính phủ tới 1.284 điểm cầu là các bộ, ngành, địa phương. Tập đoàn Viettel thiết lập hệ thống cầu truyền hình cho 23 bệnh viện lớn, 700 điểm cầu truyền hình cho Bộ Y tế họp trực tuyến cuối tháng 2-2020; thiết lập hội nghị truyền hình trực tuyến (Vroom) phục vụ sự kiện Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và ASEAN +3 về Covid-19 hồi đầu tháng 4-2020...