Vấn đề lớn nhất đối với các điện thoại cỡ nhỏ không phải nằm ở màn hình, mà là trải nghiệm gõ phím
Những chiếc điện thoại cỡ nhỏ có thể làm tốt rất nhiều điều, nhưng đáng buồn thay, gõ phím không nằm trong số đó.
Nhiều người trong chúng ta yêu thích những chiếc điện thoại cỡ nhỏ - có thể bạn cũng nằm trong số đó. Chúng nhét vừa vặn vào túi trước của quần jean, sử dụng được bằng một tay, và dù thời lượng pin hoặc tính năng (mà rất nhiều trường hợp là cả hai) thường bị cắt gọt, chúng vẫn lưu giữ nhiều ưu thế, đặc biệt đối với người dùng có bàn tay và túi quần nhỏ.
Tuy nhiên, có một điểm mà các điện thoại cỡ nhỏ gặp bất lợi không thể tránh khỏi so với các điện thoại to hơn, dài hơn: gõ phím. Trải nghiệm gõ phím trên những chiếc điện thoại này thực sự kỳ quặc và khó chịu, trừ khi bạn sở hữu những ngón tay thực sự linh hoạt. Đó là chưa nói đến việc trong hầu hết các trường hợp, bàn phím sẽ chiếm mất một nửa (hoặc hơn) diện tích màn hình, khiến lượng nội dung trong một đoạn chat hoặc email mà bạn có thể thấy được trong khi đang gõ trả lời bị giảm đi nhiều.
Bàn phím chiếm 1/2 màn hình trên chiếc Galaxy S10e
Ngày xưa, những chiếc điện thoại cỡ nhỏ là những thứ mà mọi người đều sử dụng, bởi chúng chính là những chiếc smartphone duy nhất trên thị trường trước khi những chiếc phablet như Galaxy Note xuất hiện và làm nổ ra cuộc chiến kích cỡ màn hình. Thời đó, bàn phím smartphone không thông minh như hiện nay – các thao tác gõ bằng cách trượt hoặc vuốt còn quá mới mẻ và dễ gây ra lỗi – và thậm chí cả khi bạn có những ngón tay mỏng mảnh đi nữa, thì ngón cái tròn trĩnh kia chắc chắn sẽ khiến bạn thường xuyên gõ nhầm nếu gõ ở tốc độ thông thường.
Ngày nay, chúng ta có khá nhiều bàn phím để sử dụng (dù chỉ có một số ít thực sự tốt mà thôi). Bạn chọn bàn phím nào không quan trọng, khả năng cao chúng cũng sẽ chiếm khoảng 1/3 diện tích phần dưới của màn hình những chiếc điện thoại như Galaxy S20+ hay OnePlus 8 Pro. Còn trên các màn hình nhỏ hơn, bàn phím sẽ chiếm 50-60% diện tích như đã nói ở trên.
Vậy làm sao để giải quyết vấn đề?
Bạn có thể sử dụng các tùy chọn trong phần cài đặt bàn phím để hạ độ cao của nó – nhưng làm vậy, bạn sẽ dễ gõ nhầm hơn – hoặc thử một ứng dụng bàn phím "siêu mỏng", dù một trong những bàn phím tốt nhất trong số này là Minuum Keyboard đã không còn được cập nhật kể từ năm 2017! Một vài bàn phím mới hơn, mang tính thử nghiệm cao hơn, lại không sử dụng bố cục QWERTY kinh điển mà chuyển sang các bố cục khác gọn gàng hơn, trong khi vẫn đảm bảo độ chính xác – bạn có thể thử qua ứng dụng Typewise, nhưng đừng quá vội vàng, vì sẽ mất một chút thời gian để làm quen với cách gõ mới đấy.
Bàn phím Typewise
Trong bối cảnh các điện thoại cỡ nhỏ đang bắt đầu nhận được sự chú ý trở lại với các sản phẩm tiềm năng như iPhone SE và Pixel 4a sắp ra mắt, các nhà sản xuất hẳn sẽ phải tìm cách để tối ưu hóa trải nghiệm gõ phím trên các màn hình cỡ nhỏ, bởi xét cho cùng, đó là phương thích chính mà chúng ta giao tiếp trên điện thoại ngày nay. Quả là khó hiểu khi Google và Microsoft, các nhà phát triển của hai ứng dụng bàn phím phổ biến bậc nhất trên thị trường, vẫn chưa tối ưu trải nghiệm gõ phím trên màn hình nhỏ, nhưng lại hỗ trợ "tận răng" cho thị trường tablet Android vốn đang lặn ngụp chưa biết lúc nào mới ngoi lên được.
Người dùng rõ ràng xứng đáng có được những bàn phím tốt hơn, kể cả khi họ không bỏ tiền cho những chiếc điện thoại khổng lồ vốn chẳng nhét vừa túi!
Minh.T.T (theo AndroidCentral)