Thủ tướng yêu cầu:
TPHCM đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh
by A. Quân(CAO) Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 192/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM vào ngày 8/5/2020.
Thông báo kết luận nên rõ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao sự phấn đấu năng động, sáng tạo, quyết liệt và nỗ lực của lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân TPHCM.
Cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”, TPHCM phát huy vai trò của trung tâm kinh tế năng động và lớn nhất cả nước; tiên phong triển khai các mô hình mới.
Thủ tướng nhấn mạnh, dịch COVID-19 tác động sâu rộng, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, TPHCM đã cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Điển hình, những điểm sáng đáng ghi nhận như mặc dù kinh tế tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ, tổng thu ngân sách giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 25% GRDP và đóng góp khoảng 25% vào tổng thu ngân sách của cả nước; giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 4.270 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 14,42 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ.
Đến nay, TPHCM là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện các chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ người dân khó khăn do dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, TPHCM còn gặp các khó khăn và thách thức như: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp hạng 14/63, giảm 4 bậc so với năm 2018.
Xu hướng đô thị hóa nhanh và dịch chuyển dân cư cơ học khiến thành phố phải đối mặt với nhiều thách thức, áp lực lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, ô nhiễm, tình hình an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp…
Trong thời điểm khó khăn, Thủ tướng yêu cầu TPHCM phấn đấu đi đầu thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, với những nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất; điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; nhìn nhận thẳng thắn sự thật, những hạn chế, yếu kém để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm và làm tốt hơn.
Trong đó, Thủ tướng nêu rõ, TPHCM đồng hành cùng đất nước, quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2020; giữ vững vị thể cực tăng trưởng, đầu tàu kinh tế của cả nước.
Thành phố sớm triển khai nhiệm vụ, phấn đấu đạt hoặc vượt mức tăng trưởng 5% đề ra năm 2020; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm từ nay đến hết năm 2020.
Thủ tướng nêu rõ, TPHCM phát huy cao độ, phát huy phương châm thần tốc, táo bạo, quyết thắng của những ngày tháng Tư lịch sử 45 năm trước; dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà thành phố vinh dự mang tên.
Thủ tướng nêu rõ, TPHCM định hướng, phát triển trở thành “đô thị hiện đại điển hình của khu vực và thế giới”; giữ vững vị thế là nơi có môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút mạnh mẽ đầu tư phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tạo mọi điều kiện thuận lợi, bình đẳng, cơ hội phát triển, cạnh tranh; phấn đấu trở thành một thành phố xanh, đáng sống.
Cùng với đó, TPHCM thực hiện các giải pháp phục hồi tăng trưởng, triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19; tạo điều kiện và khuyến khích người dân tiêu dùng trở lại; khuyến khích đầu tư tư nhân, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ thêm cho người lao động mất việc ở khu vực kinh tế hộ cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các loại hình doanh nghiệp; đồng thời, quan tâm thích đáng đời sống của người lao động, không để ai bị bỏ lại phía sau; hỗ trợ các doanh nghiệp trả lương để không sa thải người lao động.
Chính sách hỗ trợ của thành phố phải nhanh, đi vào thực chất, đến với doanh nghiệp sớm nhất nhưng phải đúng đối tượng. Cộng đồng doanh nghiệp thành phố chung sức đồng lòng, chủ động, sáng tạo, vượt khó, mỗi doanh nghiệp là một chiến sỹ.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân đầu tư công (phấn đấu đến tháng 10/2020 đạt 80% trở lên); quy hoạch phát triển không gian đô thị của thành phố phải đi trước một bước trên cơ sở tích hợp các yêu cầu phát triển bền vững theo hướng tránh tập trung quá nhiều vào lõi đô thị; phát triển nhiều đô thị vệ tinh có quy mô hợp lý, phù hợp với trình độ quản lý, khả năng huy động các nguồn lực xã hội tham gia theo phương châm "nhà nước lập quy hoạch, doanh nghiệp thực hiện, người dân tham gia và thụ hưởng".
TPHCM tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu, TP xác định hướng đi chính là công nghiệp công nghệ cao; đón bắt, tận dụng tốt cơ hội chuyển dịch sản xuất của các tập đoàn, chuỗi giá trị toàn cầu đến khu vực Đông Nam Á; tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.
Thành phố tập trung chiến lược thu hút FDI có chọn lọc phù hợp với định hướng phát triển; không thu hút bằng mọi giá, tận dụng hiệu quả những xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư mới sau dịch COVID-19.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đề nghị TPHCM đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, kinh tế số để xứng tầm thành phố thông minh, đi đầu về ứng dụng công nghệ 4.0.
TPHCM tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua mạng ở cấp độ 3, cấp độ 4; tăng số lượng thủ tục thực hiện liên thông, đặc biệt nhóm đầu tư, đất đai, xây dựng; thực hiện cơ chế một cửa liên thông, đặc biệt là liên thông điện tử; kiểm soát tốt trách nhiệm phối hợp của các đơn vị trong quy trình liên thông.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các cấp tích cực vào cuộc; phát huy vai trò, trách nhiệm, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đồng thời đo lường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các hoạt động hành chính tại các sở, ban, ngành và địa phương.
Nhấn mạnh nhiệm vụ cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố theo phương án và lộ trình đã được phê duyệt, Thủ tướng đề nghị TP quản lý, sử dụng tài sản công minh bạch, công khai, hiệu quả; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí, thất thoát tài sản công.
Trong thời gian tới, TPHCM tập trung nhanh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và văn minh, giới thiệu hình ảnh một thành phố thân thiện, hấp dẫn và an toàn; thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.