Kinh tế Hà Nội phục hồi tích cực, thu ngân sách vẫn gặp thách thức

by

(HNMO) - Thảo luận tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 của UBND thành phố Hà Nội diễn ra sáng 29-5, lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đều khẳng định kinh tế Thủ đô đang phục hồi tích cực, mặc dù khó khăn phía trước còn rất lớn.

http://hanoimoi.com.vn/Uploads/images/tuandiep/2020/05/29/son.jpg
Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Nhiều chỉ số tốt

Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng khẳng định xu hướng phục hồi của kinh tế Thủ đô ngày càng rõ. Tính chung 5 tháng đầu năm, trong khi bình quân cả nước giảm, ngành Công nghiệp thành phố vẫn tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,9%; chưa kể vốn đầu tư trong nước tại thành phố cũng tăng 10,7%...        

Theo ông Đậu Ngọc Hùng, kết quả điều tra đối với 17.500 doanh nghiệp trên địa bàn trong tháng 4-2020 cho thấy, 93,1% doanh nghiệp trả lời chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, bước sang tháng 5 với sự hỗ trợ của Chính phủ, UBND thành phố, hoạt động của doanh nghiệp đã dần phát triển trở lại.

Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cũng nhất trí khẳng định xu hướng phục hồi của kinh tế Thủ đô càng ngày càng rõ. Trong đó, chỉ số phát triển công nghiệp tháng 5 tăng 12,3% so với tháng 4, tính chung 5 tháng đầu năm 2020 tăng 2,6%.

Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn cho biết, trước tháng 5, trên cơ sở đánh giá tình hình, dự báo tổng thu ngân sách thành phố tháng 5 chỉ có thể đạt khoảng 9.500 tỷ đồng. Nhưng tính đến nay, thu ngân sách nội địa trong tháng 5 của Hà Nội đã đạt gần 11.000 tỷ đồng. “Đây là kết quả rất khả quan, cho thấy hoạt động của doanh nghiệp đang khởi sắc”, ông Mai Sơn nhìn nhận.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà khẳng định, tổng thu so với tổng chi trong 5 tháng đầu năm chênh lệch khoảng 10.000 tỷ đồng, nên cơ bản thành phố vẫn bảo đảm cân đối thu - chi.

Trong quý I-2020, giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp giảm là nguyên nhân chính kéo tăng trưởng GRDP của thành phố xuống thấp hơn mức tăng GDP cả nước. Tuy nhiên, báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp đến cuối tháng 5-2020, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, tình hình đã tích cực hơn. Ngoài năng suất lúa tiếp tục tăng so với cùng kỳ, 5 tháng đầu năm, tổng đàn trâu, bò, gia cầm và thủy sản đều tăng so với cùng thời gian năm 2019. Chỉ còn duy nhất tổng đàn lợn không tăng, chỉ bằng 96,56% so với cùng kỳ, nhưng so với tháng 2, tổng đàn đến nay đã tăng gần 100.000 con, đạt 1,28 triệu con.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế Hà Nội vẫn rất khó khăn. Cục trưởng Cục Thống kê Đậu Ngọc Hùng cho biết, các ngành dịch vụ vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhất là mảng kinh doanh nhà hàng, khách sạn.

Còn theo Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn, tình hình thu ngân sách tiếp tục gặp thách thức. Trong đó, thu ngân sách từ kinh doanh trong tháng 5 chỉ đạt 3.242 tỷ đồng, đạt 42% so với cùng kỳ. Thu của các quận, huyện, thị xã đến nay cũng chỉ đạt hơn 37% so với cùng kỳ...

Triển khai nhiều giải pháp cấp bách

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, thời gian tới sẽ triển khai hàng loạt giải pháp nhằm thúc đẩy đà phục hồi của kinh tế Hà Nội.

Đáng chú ý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, mục tiêu của ngành là đạt mức tăng trưởng 4,12% trong năm 2020; toàn thành phố tăng thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để thực hiện, Sở sẽ làm việc với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất giống để phối hợp kiến nghị thành phố hỗ trợ, trên cơ sở đó ngành phấn đấu từ nay đến cuối năm tăng tổng đàn lợn lên 1,8 triệu con...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, từ nay đến cuối năm, các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với Sở tiếp tục phòng, chống dịch, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn xảy ra ở 20 tỉnh trên cả nước; đồng thời, có biện pháp thu hoạch lúa xuân nhanh gọn; bảo đảm an toàn tuyệt đối đê điều, hồ chứa khi mùa mưa bão đang đến gần...       

Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng, thời gian tới, Sở sẽ tập trung triển khai các biện pháp khuyến khích tiêu dùng trong nước, đặc biệt là tiêu dùng hàng Việt Nam với 18 chương trình kích cầu tiêu dùng chia làm 2 đợt trọng tâm để thực hiện: Đợt 1 vào tháng 6, tháng 7; đợt 2 vào tháng 10, tháng 11-2020.

Ông Lê Hồng Thăng đề nghị các sở, ban, ngành và các địa phương tăng cường phối hợp, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh; trong đó, phấn đấu khởi công 19 cụm công nghiệp trong quý III và nhiều công trình chào mừng đại hội đảng bộ các cấp.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho biết, nhằm bù đắp hụt thu từ các lĩnh vực khác, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung tăng cường nguồn thu từ đất. Đến nay, 7 quận, huyện đã hoàn thành dự toán cả năm về khoản thu này. Ông đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung hoàn thiện hạ tầng các khu đất đấu giá để có thể đưa vào thực hiện đấu giá tăng nguồn thu trong quý III-2020.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Tô Văn Động cho biết, nhằm góp phần kích cầu dịch vụ, du lịch, từ sáng nay, 29-5, Sở đã công bố danh sách tất cả các điểm dịch vụ văn hóa nghệ thuật vào dịp cuối tuần trên địa bàn thành phố. Sở cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp du lịch để thu hút thêm lượng khách đến tham quan các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn... 

Còn theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ nay đến cuối năm, Sở sẽ tập trung rà soát, lập hồ sơ, danh sách để chi trả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sở cũng sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ tạo 156.000 việc làm mới, duy trì tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%.

Lãnh đạo các quận, huyện: Đống Đa, Ba Đình, Quốc Oai, Chương Mỹ đều khẳng định sẽ tập trung thực hiện nghiêm các giải pháp UBND thành phố chỉ đạo, quyết tâm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2020.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, đơn vị đang tập trung tăng tốc tiến độ các công trình trọng điểm, dự kiến đến ngày 10-10 sẽ hoàn thành 4 dự án. Ngoài ra, trong 6 tháng cuối năm 2020, Ban phấn đấu khởi công 35 dự án; tập trung triển khai 23 dự án khác với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án nhóm A như, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2...