Sao NATO từ chối đề nghị của Nga cùng dừng tập trận?
Đề nghị của Nga là một nước cờ rất hiểm của Tổng thống Putin, bởi nếu chấp nhận lời đề nghị, NATO tự làm khó mình khi tìm tiền đề tồn tại...
by Ngọc ViệtNATO từ chối dứt khoát đề nghị của Nga cùng dừng tập trận
"Đối đầu chứ không đối thoại" với Nga dường như đã trở thành phương châm hành động của NATO, khi nó gần như được thể hiện trong mọi trường hợp, ngay cả khi bắt tay với Moscow sẽ mang lại những hiệu ứng tốt hơn với Washington-Brussels.
Điều đó một lần nữa được thể hiện rõ qua việc NATO phớt lờ lời đề nghị của Nga cùng tạm dừng các cuộc tập trận trong bối cảnh cả thế giới đang chung tay đối phó với đại dịch Covid-19.
Sự việc diễn ra khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây đề nghị với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng, hai bên tạm ngưng các cuộc tập trận như một giải pháp “mang tính xây dựng” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.
Tuy nhiên, lời đề nghị của Mscow đã ngay lập tức bị Brussles từ chối lời, chứ không phải nhận được sự im lặng hay vấn đề bị lái sang một chủ đề khác như mọi khi, theo Kommersant.
Bởi theo lý giải của người phát ngôn NATO Oana Lungescu, các cuộc tập trận của NATO chỉ đơn thuần mang mục đích phòng vệ và có tính đối xứng, nên nó vẫn diễn ra, chỉ thay đổi về quy mô cho phù hợp với tình hình đại dịch Covid-19.
Thậm chí bà Lungescu còn khẳng định rằng, việc NATO gần đây đẩy mạnh các hoạt động quân sự ngày một sát biên giới Nga chỉ là phản ứng của Washington-Brussles trước việc Moscow cho tăng cường tiềm năng quân sự ở khu vực Baltic.
Trước việc Washington-Brussels vẫn "chọn đối đầu thay cho đối thoại", Moscow đã có "đáp từ", khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Rybakov gọi quyết định tiếp tục các cuộc tập trận của NATO là “đáng thất vọng”.
Bởi khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và lây lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, quân đội nhiều nước đã phải thay đổi lịch trình và cắt giảm quy mô tổ chức các cuộc tập trận, thậm chí lựa chọn hủy bỏ việc tập trận.
Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết quân đội Nga đang thực hiện việc “cắt giảm quy mô tập trận và không có kế hoạch tổ chức bất kỳ sự kiện quân sự nào gần với biên giới NATO”.
Ngược lại về phía NATO, hồi đầu tháng 3, Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã tuyên bố liên minh quân sự hùng mạnh này sẽ vẫn duy trì các cuộc tập trận quy mô lớn, huy động hàng chục nghìn binh sĩ tham gia, bất chấp lo ngại về dịch bệnh Covid-19.
Trong số đó, đáng kể nhất là cuộc tập trận mang tên Người bảo vệ châu Âu-2020, vốn được xem là cuộc chuyển quân lớn nhất của Mỹ tới châu Âu - cụ thể là Đông Âu và Baltic- trong hơn 1/4 thế kỷ qua, vẫn diễn ra chứ không bị hủy bỏ.
Kể từ đầu năm tới nay, đã có hơn 6.000 binh sĩ Mỹ và 3.000 trang thiết bị được đưa tới Đông Âu và Baltic, trong khi hơn 9.000 phương tiện cơ giới được điều tới các căn cứ huấn luyện tại Đức. Nghĩa là Mỹ-NATO đã quyết "dí súng vào mạng sườn" Nga.
Trước nay, Moscow luôn nhìn nhận việc Mỹ-NATO tăng cường các hoạt động quân sự - nhất là các cuộc tập trận - gần biên giới Nga không chỉ là mối đe dọa đối với an ninh của nước Nga, mà còn làm suy yếu sự ổn định ở châu Âu.
Tuy nhiên, Washington- Brussels lại cho rằng thực ra Moscow bị hoang tưởng, nên "thấy gà hóa cuốc". Thậm chí, giới hoạch định chiến lược của NATO còn liệt kê tới 5 nỗi lo mang tính hoang đường của Nga về mối đe doạ từ Mỹ-NATO, theo nato.int.
Để hóa giải những "nỗi lo mang tính hoang đường" của Nga, Mỹ-NATO yêu cầu sửa đổi Tài liệu Vienna 2011 - một thỏa thuận vạch ra biện pháp xây dựng lòng tin, minh bạch và cơ chế giám sát của bên thứ ba đối đối với các cuộc tập trận của hai bên.
Song theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Rybakov, nếu NATO muốn cải thiện tình hình an ninh tại châu Âu, khối quân sự này không nên chỉ biết nêu ra yêu cầu, mà cần đề xuất những phương án đảm bảo lợi ích của Nga về an ninh quốc gia.
Bởi việc sửa đổi Tài liệu Vienna 2011 không giải quyết được những căng thẳng ngày càng gia tăng trong cuộc đối trọng giữa Nga với Mỹ-NATO, đơn giản là động thái đó chỉ là “hợp pháp hóa” các cuộc tập trận - yếu tố chính trong cuộc đối trọng.
Như vậy, có thể thấy, dù đã làm mọi cách nhưng chính quyền Nga - nhất là dưới thời Tổng thống Putin - đã không thể chuyển hóa được mối đe dọa từ hướng Tây, vì Mỹ-NATO không thay đổi phương châm "chọn đối đầu thay cho đối thoại" với Nga.
Từ chối đề nghị của Nga, Mỹ-NATO tính toán gì?
Có thể nhận diện đề nghị của Moscow về việc Nga và NATO cùng dừng các cuộc tập trận trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, thực tế đã giúp NATO "được nhiều hơn mất". Vậy tại sao Washington-Brussels lại từ chối?
Theo giới phân tích, lý do là nếu đón nhận lời đề nghị của Nga sẽ khiến hành trình đi tìm tiền đề tồn tại của NATO dài hơn, khó khăn, phức tạp hơn. Do vậy, Brussels - Washington phải từ chối, chấp nhận "mất nhiều hơn được".
Còn nhớ, ngày 3/2, Tổng thư ký NATO Stoltenberg từng tuyên bố, việc điều chuyển lượng lớn binh sĩ Mỹ và liên quân tới Đông Âu và vùng Baltic là một phần của cuộc tập trận Người bảo vệ châu Âu-2020, nhưng không nhằm chống lại Nga.
“Cuộc tập trận không nhằm chống lại bất cứ quốc gia cụ thể nào… Cuộc tập trận mang tính phòng thủ này thể hiện khả năng linh hoạt trong việc điều động binh sỹ từ Mỹ tới châu Âu nhằm bảo vệ đồng minh", truyền thông Pháp dẫn lời ông Stoltenberg.
Tổng thư ký NATO còn cho hay: "Đây đợt triển khai quân lớn nhất của Mỹ tới châu Âu trong hơn 25 năm qua. Cuộc tập trận thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với NATO cũng như với an ninh và tự do của châu Âu".
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-NATO với Nga ngày càng leo thang căng thẳng, sau khi một số hiệp ước về kiềm soát vũ khi bị hủy bỏ - trong đó có INF - và bị đe dọa huỷ bỏ, thì khẳng định của người đứng đầu Ban điều hành NATO là "hiện tượng lạ".
Với thực tế đó, thanh minh của Tổng thư ký NATO về cuộc tập trận Người bảo vệ châu Âu-2020 không đe doạ Nga thì đến "đứa trẻ con cũng không nghe được", nói gì đến Moscow. Thế nhưng ông Stoltenberg vẫn cứ thanh minh.
Giới phân tích cho rằng, dù biết là không thể lọt tai Moscow, song người đứng đầu ban điều hành NATO vẫn khẳng định cuộc tập trận Người bảo vệ châu Âu-2020 không nhằm chống lại Nga - là cố tình "rung chà xem cá nhảy".
Washington-Brussels muốn tạo ra mâu thuẫn giữa hành động - quy mô cuộc tập tận - với mục đích hành động - mục đích cuộc tập trận - để xem Moscow phản ứng ra sao, từ đó sẽ có những điều chỉnh về chiến lược và sách lược của NATO.
Trong trường hợp này, không khó nhận diện là Washington-Brussles trông chờ một phản ứng mạnh mẽ từ Moscow, trong đó không loại trừ Nga sẽ "trả miếng" NATO với một cuộc điều binh rậm rộ, tương xứng với Người bảo vệ châu Âu-2020.
Nếu Moscow phản ứng đúng như mong đợi của Washington-Brussels thì đó là cung cấp bảo bối cho NATO. Cụ thể, nếu Nga phản ứng quyết liệt với cuộc chuyển quân lớn nhất trong 1/4 thế kỷ của Mỹ đến châu Âu, sẽ giúp NATO có tiền để tồn tại.
Nhưng Moscow đã khiến Washington-Brussels thất vọng, khi Ngoại trưởng Lavrov: cho biết : "Nga không thể bỏ qua cuộc tập trận quy mô lớn này của NATO. Nga sẽ phản ứng, nhưng phản ứng theo cách không tạo ra những rủi ro không cần thiết".
Như vậy, Moscow không những không rơi vào bẫy của Washington-Brussles, mà ngược lại còn khiến đối phương rơi vào thế bị động khi phải dò tìm "phản ứng theo cách không tạo ra những rủi ro không cần thiết" của Nga.
Tưởng chừng "Mỹ-NATO rung chà" và "cá Nga đã nhảy", song thực tế hoàn toàn không phải vậy. Bởi "phản ứng theo cách không tạo ra những rủi ro không cần thiết" không chỉ là phản ứng với của Nga với cuộc tập trận Người bảo vệ châu Âu-2020.
Và nay "cách phản ứng không tạo ra những rủi ro không cần thiết" đã được Moscow nêu ra, đó là cùng dừng các cuộc tập trận để tập trung chống đại dịch Covid-19, nơi NATO đang thể hiện sự thua kém Nga, như khẳng định của Tổng thư ký NATO.
Có thể thấy, đề nghị của Moscow là một nước cờ rất hiểm của Tổng thống Putin, bởi nó khiến cho NATO, nếu chấp nhận lời đề nghị thì đồng nghĩa tự làm khó mình trong quá trình đi tìm tiền đề tồn tại, vốn đã rất nan giải.
Thế mới thấy, trong quá trình đi tìm tiền đề tồn tại, NATO mệt mỏi như thế nào khi đối mặt với một Putin đầy tuyệt chiêu, mà trong nhiều trường hợp buộc phải từ chối hiện thực hóa cơ hội có thể "được nhiều hơn mất", chấp nhận "mất nhiều hơn được".