https://vnreview.vn/image/20/78/53/2078530.jpg

Thay đổi tinh tế về tên gọi của Sony và tư duy đổi mới của một hãng chuyên về phần cứng

Việc đổi cách gọi tên công ty cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong chiến lược của Sony, đặc biệt khi thế giới đang xoay vần và bất cứ ai mải mê đắm chìm trong hào quang quá khứ sẽ dễ bị đánh bật khỏi đường đua.

https://vnreview.vn/image/20/78/52/2078529.jpg?t=1590725469928

Như lời của CEO Sony, ông Kenichiro Yoshida, việc đổi tên Sony Corporation thành Sony Group đã phản ánh sự thay đổi trong chiến lược biến một nhà sản xuất phần cứng nổi tiếng thành một tập đoàn điện tử đa năng và toàn diện.

Yoshida cho biết: "Chúng tôi đang tách các bộ phận điện tử khỏi Sony và tập trung nhiều hơn vào việc quản lý tập đoàn". Ông cũng giải thích mục tiêu tái tổ chức và đổi tên sang tập đoàn Sony lần đầu tiên sau hơn 6 thập kỷ phát triển. Ông chia sẻ: "Giải trí và điện tử sẽ đứng ngang hàng và chúng tôi sẽ xem xét tất cả các bộ phận để phân phối tài nguyên như nguồn nhân sự tài năng và vốn".

Mặc dù sự thay đổi này gây hoang mang cho nhiều fan Sony nhưng qua bài học từ Walkman, CEO Yoshida thừa hiểu việc gắn bó quá lâu với mảng phần cứng không phải là ý tưởng hay để vực dậy Sony. Trên hết Yoshida muốn gửi một thông điệp rằng, Sony không còn là một công ty chuyên về thiết bị điện tử. Sony đang hướng đến trở thành một tập đoàn đa năng, có thể sống sót và vượt qua mọi cuộc khủng hoảng.

Trước đó Yoshida đóng vai trò quan trọng trong việc tái cấu trúc lại Sony từ những năm 2000. Và hiện tại Sony đã trở thành một tập đoàn với đa ngành nghề.

Dưới thời CEO Nobuyuki Idei, lãnh đạo Sony từng nhiều lần thảo luận về việc tái cấu trúc và mở rộng danh mục đầu tư. Thời điểm này Sony muốn cấu trúc tập đoàn thành nhiều công ty con riêng biệt và chia ra nhiều ngành nghề kinh doanh. Nhưng cú sốc của Sony bắt đầu xuất hiện vào tháng 3/2004 khi chỉ số Nikkei của Sony sụt giảm vì báo cáo kinh doanh thua lỗ. Kéo theo đó, vị trí của Nobuyuki Idei lung lay dữ dội và ý tưởng tái cấu trúc Sony bị gạt sang một bên.

Sau đó, Sony vẫn tiếp tục tập trung vào thiết bị điện tử và ghi nhận những khoản doanh thu lớn. Nhưng phải tới bây giờ, hãng điện tử Nhật Bản mới nhận ra sự cần thiết phải chú tâm cho các bộ phận khác. Bởi lẽ nếu Sony dần bê trễ hơn trong mảng kinh doanh đồ điện tử sẽ càng làm dấy lên mối lo ngại rằng, tập đoàn có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào.

Yoshida đã sử dụng bài học từ những sai lầm của Sony để thúc đẩy công ty tiến tới việc tái cấu trúc bộ mấy giống như cách cựu CEO Idei từng hình dung.

Hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị điện tử là điều kiện tiên quyết

Vào năm 2013, Yoshida khi đó là chủ tịch của So-net, một công ty cung cấp dịch vụ Internet và thuộc Sony Communications đã quay lại làm giám đốc chiến lược cùng thời với CEO Kazuo Hirai. Hai vị giám đốc cấp cao của Sony khi đó đã tính tới tái cấu trúc và giảm bớt sự phụ thuộc của Sony vào mảng kinh doanh thiết bị điện tử.

https://vnreview.vn/image/20/78/52/2078526.jpg?t=1590725321353

Hình ảnh CEO Keiichiro Yoshida

Thảnh quả từ kế hoạch đó của cả hai đã được đền đáp phần nào khi triển vọng thu nhập của Sony trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn rất sáng sủa. Sony dự báo lợi nhuận hoạt động của tập đoàn sẽ giảm khoảng 30%, tương đương 5,48 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 4/2021, thậm chí ngay cả khi mảng kinh doanh đồ điện tử có thể bị giảm doanh số từ 50% -70%.

Điều này phần nào cho thấy, Sony đang dần chuyển đổi mô hình kinh doanh bằng cách chú trọng nhiều hơn vào doanh thu từ game và âm nhạc thay vì chỉ bán phần cứng.

Yoshida rất biết cách thống nhất "ý chí" trong nội bộ Sony

Khi lên nắm quyền CEO vào tháng 4/2018, Yoshida đã đưa ra quan điểm rất thẳng thắn rằng: "Điều quan trọng nhất là xác định lý do tồn tại của Sony". Ông cho rằng, triết lý chia sẻ sẽ giúp các bộ phận giải trí và điện tử có thể chung tay vì mục tiêu chung. Để cụ thể hóa, Yoshida đã lấy ý kiến từ các công nhân nhằm xây dựng lợi ích chung cho toàn bộ người lao động.

Quả thực sự kết hợp của các bộ phận như TV đang giúp Sony dễ dàng quản lý tập đoàn hơn. Cũng trong thời gian qua, Sony đã tách bộ phận giải pháp và sản phẩm điện tử, bao gồm mảng kinh doanh smartphone ảm đạm thành một công ty cổ phần trung gian để chia sẻ gánh nặng và giúp các bộ phận kinh doanh tự chủ hơn.

Dịch vụ tài chính cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch tăng trưởng của Sony. Tập đoàn Sony đang dự tính biến Sony Financial Holdings thành một công ty con chuyên xử lý các khoản thanh toán từ Apple và các công ty Internet khác.

Giám đốc tài chính Hiroki Totoki rất ủng hộ động thái này và ông dự kiến sẽ là người giới thiệu đơn vị tài chính Sony Bank. Totoki có kế hoạch sử dụng các dịch vụ tài chính nhằm mang lại cho tập đoàn nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng hơn và hỗ trợ cho các mảng kinh doanh khác.

Tất nhiên động thái thúc đẩy đa dạng hóa của Sony vẫn vấp phải những chỉ trích. Đáp lại Yoshida tin rằng, công ty chỉ đơn giản là đang quay lại cội nguồn. Ông chia sẻ với tờ Nikkei rằng: "Tôi nghĩ rằng việc thúc đẩy đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của chúng tôi bắt nguồn từ thời của đồng sáng lập Sony, ông Morita".

https://vnreview.vn/image/20/78/52/2078523.jpg?t=1590725275639

CEO Sony đương nhiệm Kenichiro Yoshida (bên phải) và đồng sáng lập Sony Akio Morita (bên trái)

Sony đã sử dụng tên gọi hiện nay từ năm 1958 và từ bỏ tên gọi trước đó là Tokyo Tsushin Kogyo hay Tokyo Telecommunications Engineering. Một số nhà điều hành của công ty khi đó đã đưa ra đề xuất tìm kiếm một cái tên mới nhằm xác định công ty là một nhà sản xuất điện tử. Và sau đó đồng sáng lập Sony, ông Morita khẳng định "Sony" chính là cái tên phù hợp nhất để đưa công ty ra toàn cầu.

Thiết bị điện tử có thể biến Sony trở thành một cái tên quen thuộc trên toàn cầu nhưng nó không thể là "quân bài" duy nhất giúp Sony đạt được tầm cao mới và vượt trên mức hiện tại. Hiện tại kế hoạch tái cấu trúc mới nhất của Sony hoàn toàn phù hợp với triết lý của Morita. Sony giờ đây sẽ không còn bị giới hạn trong bất kỳ lĩnh vực nào nữa.

Mai Huyền