Facebook Pay đã có mặt tại Việt Nam: Liệu có cạnh tranh được với ví điện tử và bài toán bảo mật?

by

MXH lớn nhất thế giới Facebook đã đưa tính năng Facebook Pay đến với Việt Nam. Liệu ông lớn có thành công trong cuộc cạnh tranh ví điện tử khốc liệt tại Việt Nam?

Ra mắt vào cuối năm 2019 tại Mỹ, hiện tại dịch vụ Facebook Pay đã có mặt tại Việt Nam. Facebook Pay cho phép người dùng quyên góp tiền cho các chiến dịch gây quỹ, mua sắm hàng hoá trên Marketplace, thanh toán vật phẩm game và vé sự kiện, cũng như gửi tiền cho bạn bè một cách dễ dàng và nhanh chóng. Tính năng này xuất hiện trong phần "Cài đặt" > "Cài đặt tài khoản" trên ứng dụng Facebook

https://kenh14cdn.com/thumb_w/620/2020/5/23/screenshot20200523-022007facebook-15901758087971207782913-crop-15901758601311756830220.jpg
Facebook Pay tại Việt Nam

Cách sử dụng Facebook Pay vô cùng đơn giản: người dùng chỉ cần chọn phương thức thanh toán bằng thẻ tín dụng/ghi nợ hoặc PayPal để kết nối với tài khoản Facebook. Hiện chưa có thông tin về các ngân hàng nào của Việt Nam sẽ hỗ trợ Facebook Pay. Phía công ty cho biết, dịch vụ này tách biệt với Calibra, ví tiền điện tử dành cho đồng tiền ảo Libra của Facebook. Để tăng cường tính bảo mật, người dùng có thể cài đặt mã PIN, dấu vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt để xác nhận trước khi tiến hành giao dịch.

https://kenh14cdn.com/thumb_w/620/2020/5/23/facebook-pay-1590177272795296348060.png
Tổng quan giao diện thanh toán của Facebook Pay (Nguồn: Facebook)

Người dùng có thể biết thêm thông tin tại trang chủ Facebook Pay.

So sánh Facebook Pay với PayPal và các ví điện tử tại Việt Nam

Facebook Pay và PayPal cùng sử dụng công nghệ mạng ngang hàng (peer-to-peer hay P2P) để thực hiện giao dịch thanh toán. Theo Statista, tính đến cuối năm 2019 có khoảng 305 triệu người dùng PayPal tại hơn 200 quốc gia trên thế giới. Người dùng dễ dàng mua sắm online trên nhiều website cũng như tận hưởng ưu đãi độc quyền khi dùng PayPal. Dù chưa thể phổ biến bằng PayPal, Facebook Pay lại hoàn toàn ăn điểm khi miễn phí mọi giao dịch được thực hiện qua nền tảng này. Đây là tính năng vô cùng hữu ích cho những nhóm bạn cần chia hoá đơn thanh toán (split the bill), hoặc khi cần gửi tiền nhanh chóng cho gia đình và bạn bè, với điều kiện người nhận cũng sở hữu tài khoản Facebook hỗ trợ Facebook Pay.

Tuy nhiên, Facebook Pay còn cả một chặng đường dài phía trước để cạnh tranh với các loại hình ví điện tử tại Việt Nam như Momo, Moca hay ZaloPay. Có thể thấy, Facebook Pay sẽ tập trung hoàn toàn vào các giao dịch online, và việc có lợi thế quy mô (lượng người dùng Facebook) cùng hiệu ứng mạng sẽ giúp việc thâm nhập thị trường Việt Nam dễ dàng hơn. Dù vậy, "nhập gia tuỳ tục" là điều kiện tiên quyết để Facebook Pay chiếm được miếng bánh thị phần tại thị trường "khó xơi" như Việt Nam. Các ví điện tử có sẵn đang làm rất tốt việc hỗ trợ thanh toán hoá đơn định kì, cũng như đưa ra những khuyến mãi hấp dẫn để khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ của mình. Facebook Pay sẽ cần những chiến lược mới, sáng tạo hơn để thu hút người dùng Việt.

https://kenh14cdn.com/thumb_w/620/2020/5/23/vi-dien-tu-techtimes-1-1536x863-15901804145521719276207.jpg
Kết quả khảo sát mục đích sử dụng ví điện tử của người dùng Việt (Nguồn: Cimigo)

Bảo mật: thách thức hay cơ hội cho Facebook Pay? 

Vấn đề bảo mật luôn cần được lưu tâm với các hình thức thanh toán và giao dịch online. Sau bê bối rò rỉ dữ liệu hơn 50 triệu người dùng liên quan tới Cambridge Analytica vào năm 2018, nhiều nguời đã quay lưng với Facebook. Nhưng may mắn cho ông lớn công nghệ, Việt Nam là nước đứng thứ 7 thế giới về lượng người dùng Facebook với hơn 60 triệu tài khoản. Vào năm 2015, Việt Nam đã ghi nhận hơn 30 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, cho thấy tầm ảnh hưởng của ứng dụng này trong đời sống sinh hoạt của người Việt. Đây là cơ hội mới để Facebook chứng minh chính sách bảo mật của họ đáng tin cậy. 

Kết luận

Facebook là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống của nhiều người Việt. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Facebook Pay sẽ thành công tại Việt Nam trong một sớm một chiều. Hãy cùng chờ đợi xem Facebook có tận dụng được những lợi thế của mình để chiếm được lòng tin của người dùng Việt không nhé!