Bệnh Covid-19 không liên quan đến sốt xuất huyết, không quá lo "dịch chồng dịch"

by

ANTD.VN - Theo bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thông tin về việc bệnh sốt xuất huyết gia tăng vào mùa hè sẽ gây ra nguy cơ "dịch chồng dịch" trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc là không đủ cơ sở.


https://image.anninhthudo.vn/w2560/uploaded/89/2020_05_29/benh-viem-nao.jpg
Trẻ mắc viêm não, sốt xuất huyết... gia tăng trong mùa hè

Sáng 29-5, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tính đến ngày 25-5, toàn thành phố ghi nhận 155 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 55,5% so với cùng kỳ 2019. Tuy vậy, đây là thời điểm dịch SXH ở phía bắc bắt đầu “vào mùa” do thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển.

Thực tế vài tuần gần đây, số bệnh nhân SXH nhập viện điều trị tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội có xu hướng gia tăng hơn. Chẳng hạn, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mới ghi nhận 2 trường hợp mắc SXH nhập viện, đều là thanh niên trẻ tuổi.

TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thông thường đỉnh dịch của SXH ở Hà Nội sẽ rơi vào thời điểm điểm tháng 6, 7 hàng năm. Do đó, thời điểm này, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh.

Nói về nguy cơ "dịch chồng dịch" trong bối cảnh dịch Covid-19 như một số thông tin gần đây, TS Nguyễn Kim Thư cho rằng, đường lây truyền của Covid-19 và bệnh SXH là hoàn toàn khác nhau (đường hô hấp và đường muỗi đốt).

Vị bác sĩ này phân tích, dịch Covid-19 ở nước ta đã được kiểm soát tốt, trong khi năm nay cũng không phải chu kỳ dịch SXH. Vì thế, nếu người dân có ý thức phòng tránh muỗi đốt thì không có khả năng "dịch chồng dịch".

Bên cạnh dịch bệnh truyền nhiễm, vào thời điểm mùa hè, các bác sĩ cảnh báo một số bệnh dễ gia tăng, nhất là “tấn công” mạnh vào đối tượng trẻ nhỏ như: viêm não, viêm não Nhật Bản, bệnh lý về đường hô hấp. viêm tai giữa...