Bác sĩ ngồi Hà Nội khám bệnh cùng lúc 5 bệnh viện

by

- Các bác sĩ tại BV Nhi Trung ương cùng lúc hội chẩn, tư vấn cho 5 bệnh viện trong đó có những ca can thiệp phức tạp.

Khám chữa bệnh từ xa - phao cứu sinh trong đại dịch Covid-19Chuyên gia chẩn bệnh từ xa ca bệnh 2 lần cách ly do nghi nhiễm Covid-19Tất cả bệnh viện sẽ tư vấn, khám bệnh trực tuyến

Sáng 29/5, BV Nhi Trung ương đưa vào sử dụng hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa - Telehealth. Đây là bệnh viện thứ 2 sử dụng ứng dụng này để khám chữa bệnh sau BV ĐH Y Hà Nội.

Tại buổi khám bệnh, các chuyên gia của BV Nhi Trung ương nhiều lĩnh vực như cấp cứu nhi, tim mạch trẻ em, ngoại nhi, hồi sức sơ sinh, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh… đã cùng tư vấn, hội chẩn các ca bệnh, tình huống tại 5 điểm cầu: BV đa khoa huyện Sốp Cộp, Sơn La, BV Sản nhi Quảng Ninh, BV Sản nhi Bắc Ninh, BV Sản nhi Hà Nam và TT Sản nhi, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Điểm cầu thứ 6 kết nối với trung tâm ECHO – Hoa Kỳ để nghe bài giảng tổng quan về Covid-19.

Trong 5 điểm cầu, trường hợp bệnh nhi sơ sinh 23 ngày tuổi ở Quảng Ninh bị bệnh lý hẹp van động mạch phổi khá phức tạp khiến dòng máu từ tim đến phổi bị chậm lại.

https://vnn-imgs-f.vgcloud.vn/2020/05/29/14/bac-si-ngoi-ha-noi-kham-benh-cung-luc-5-benh-vien.jpg

Đầu cầu trung tâm nối hội chẩn, tư vấn trực tiếp với đầu cầu tại các bệnh viện tuyến dưới. Ảnh: T.Hạnh

Sau hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ chỉ định can thiệp nong van động mạch phổi bằng bóng qua da. Tuy nhiên hình ảnh siêu âm cho thấy bệnh nhi bị hẹp phổi bất thường, đường ra thất phải bị lệch. Khi đưa dây dẫn vào rất khó do thân động mạch phổi ngắn, van động mạch phổi dày và áp lực động mạch phổi lớn.

Toàn bộ hình ảnh từ cuộc mổ được truyền trực tiếp về đầu cầu BV Nhi Trung ương để các bác sĩ cùng theo dõi, hướng dẫn xử trí từng bước. Cuối cùng ca mổ diễn ra thành công.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, với những trường hợp khó như này, trước đây đều phải chuyển tuyến về BV Nhi Trung ương để can thiệp. Có những trường hợp vận chuyển quá xa có thể tử vong ngay trên đường.

Nhưng hiện nay, nhờ đề án bệnh viện vệ tinh, các bác sĩ tuyến dưới đã có thể làm tốt kĩ thuật này, các bác sĩ tuyến trên chỉ hướng dẫn những ca khó.

Trường hợp thứ 2 cần hội chẩn là một bệnh nhi 13 tháng tuổi ở Phú Thọ, được phát hiện teo thực quản bẩm sinh, đã từng được phẫu thuật khi 1 ngày tuổi.

https://vnn-imgs-f.vgcloud.vn/2020/05/29/14/bac-si-ngoi-ha-noi-kham-benh-cung-luc-5-benh-vien-2.jpg

Các chuyên gia của BV Nhi Trung ương nhiều chuyên khoa tập trung tư vấn cho các điểm cầu. T.Hạnh

Tuy nhiên 4 tháng gần đây, trẻ nôn liên tục 8-10 lần/ngày, nôn cả thức ăn lẫn dịch. Bệnh nhân thiếu máu nghiêm trọng, mệt nhiều, viêm phổi nặng. Sau khi xem xét kĩ các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân sẽ phải can thiệp phẫu thuật sớm để tạo hình lại thực quản.

Ca bệnh thứ 3 là một bệnh nhi bị u não khó chẩn đoán ở Bắc Ninh. Ca bệnh thứ 4, nhóm chuyên gia tư vấn vận chuyển một ca bệnh cấp cứu từ Hà Nam lên Hà Nội. Trường hợp thứ 5, hướng dẫn chăm sóc cho một bà mẹ 18 tuổi người dân tộc sinh con tại huyện vùng cao Sốp Cộp.

Vùng sâu cũng được khám bệnh với các chuyên gia

GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện đã ấp ủ và thử nghiệm triển khai hệ thống Telemecidine phục vụ hoạt động đào tạo, chỉ đạo tuyến từ cách đây hơn 10 năm.

 

Tuy nhiên tại thời điểm đó, hạ tầng đường truyền internet chưa đảm bảo đồng thời chưa có hành lang pháp lý nên số lượng các ca hội chẩn trực tuyến rất ít. Nếu hội chẩn ra nước ngoài, chi phí lên tới vài chục triệu đồng/cuộc hội chẩn.

Đặc biệt, với Telemecidine chỉ có thể hội chẩn hiệu quả với 1 điểm cầu, trong khi ứng dụng Telehealth mới cho phép hội chẩn cùng lúc rất nhiều điểm cầu, chất lượng hình ảnh, âm thanh rất tốt.

Ngoài tư vấn, hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ đầu cầu chính có thể xem trực tiếp hình ảnh siêu âm, điện tâm đồ, nhịp tim, huyết áp, soi tai mũi họng, các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân… để có những đánh giá chuẩn xác.

https://vnn-imgs-f.vgcloud.vn/2020/05/29/14/bac-si-ngoi-ha-noi-kham-benh-cung-luc-5-benh-vien-1.jpg

GS Lê Thanh Hải đánh giá, Telehealth mang lại nhiều lợi ích rất lớn trong khám chữa bệnh và đào tạo. Ảnh: T.Hạnh

Ứng dụng này cũng cho phép bệnh nhân kết nối trực tiếp với bác sĩ, đặt lịch khám, xem lại lịch sử điều trị, đọc các chỉ định của bác sĩ. Những trường hợp không thể đi lại, bệnh nhân có thể mua thêm trang thiết bị, tự kết nối với bác sĩ tại nhà để thực hiện đo, khám lâm sàng theo hướng dẫn của bác sĩ.

“Hệ thống này chúng tôi đang được chạy thử miễn phí và cho thấy rất hiệu quả. Mô hình khám chữa bệnh từ xa đặc biệt có ý nghĩa với các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện vùng sâu, vùng xa, giúp các bác sĩ tuyến dưới có thể học tập, nâng cao trình độ chuyên môn qua việc trao đổi, tư vấn, hỗ trợ các ca bệnh khó cũng như đào tạo trực tuyến từ những chuyên gia nhi khoa đầu ngành”, GS Hải chia sẻ.

Với mạng lưới bệnh viện vệ tinh khắp 28 tỉnh miền Bắc và miền Trung, 18 bệnh viện tuyến huyện, 2 trạm y tế xã, trong đó xa nhất là Mường Khương, Mường Nhé… lãnh đạo BV Nhi Trung ương kỳ vọng, Telehealth sẽ giúp nối dài cánh tay của các bác sĩ tuyến trung ương đến y tế cơ sở, giúp người dân tại các vùng sâu, vùng xa cũng được khám chữa bệnh với chất lượng tốt nhất.

GS Hải nói thêm, kể từ sau hôm nay, bệnh viện sẽ thường xuyên có đội ngũ bác sĩ trực tại phòng hội chẩn trực tuyến 24/24h. Khi có cuộc gọi của tuyến dưới sẽ lập tức điều động chuyên gia từ các khoa có mặt để cùng hỗ trợ.

Theo lãnh đạo bệnh viện nhi, việc có thể khám bệnh từ xa mang lại cùng lúc 4 cái lợi lớn: Thứ nhất, giúp tuyến dưới giữ chân được bệnh nhân; Thứ hai, tuyến trên không bị quá tải; Thứ ba, bác sĩ tuyến dưới nâng cao được trình độ; Thứ 4, bệnh nhân được khám bệnh chất lượng tốt, tiết kiệm chi phí đi lại.

Dù vậy, PGS Trần Minh Điển đánh giá vẫn có những điểm nghẽn cần phải khắc phục, trong đó cần có sự đồng bộ về trang thiết bị tại các bệnh viện tuyến dưới. Về con người, để có thể thực hiện được những hướng dẫn từ tuyến trên, bác sĩ tuyến dưới phải có đủ năng lực, được đào tạo, có chứng chỉ do bệnh viện tuyến trên cấp.

Đơn cử, trong ca phẫu thuật tại BV Sản nhi Quảng Ninh sáng nay, bác sĩ tuyến dưới đã được đào chuyên sâu 1 năm chuyên ngành tim trẻ em tại BV Nhi Trung ương, sau đó được cấp chứng chỉ.

Khi hệ thống Telehealth được triển khai thường quy và rộng khắp, khi đó bệnh viện tuyến trên sẽ tập trung vào đào tạo và nghiên cứu.

PGS Điển chia sẻ thêm, khi mở rộng ứng dụng hội chẩn từ xa, phía cơ quan quản lý rất cần xây dựng hàng rào pháp lý để hợp pháp hoá khám bệnh từ xa như khám bệnh trực tiếp, từ đó chi trả BHXH, BHYT tương tự như khám trực tiếp. Lâu nay, việc hội chẩn từ xa chỉ được coi là tư vấn.

Thúy Hạnh