Trục xuất sinh viên Trung Quốc, Mỹ chặn đường gián điệp

Mỹ đang cân nhắc hủy thị thực hàng ngàn sinh viên của Trung Quốc vì nghi gián điệp.

by

Washington đang lên kế hoạch hủy thị thực 3.000- 5.000 sinh viên Trung Quốc với nghi ngờ gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ Mỹ, theo nguồn tin của Reuters và New York Times.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/29/4321441/truc-xuat-sinh-vien-trung-quoc-my-chan-duong-gian-diep_291440386.jpg
Mỹ muốn siết chặt các sinh viên Trung Quốc muốn học tập tại Mỹ.

Các nguồn tin đều khẳng định, sinh viên Trung Quốc đang ở Mỹ sẽ bị hủy thị thực và trục xuất trong khi những người không ở Mỹ sẽ không được phép nhập cảnh trở lại.

Nguồn tin của New York Times nói thêm rằng, mục đích chính của hành động này là để ngăn chặn các hành vi gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ của một số công dân Trung Quốc bị nghi là được cài cắm vào các trường đại học của Mỹ.

Khoảng 360.000 sinh viên Trung Quốc theo học các trường tại Mỹ hàng năm, đóng góp cho nền kinh tế Mỹ khoảng 14 tỷ USD, chủ yếu từ học phí và các khoản phí khác.

Trong đợt dịch bệnh lần này, nhiều người Trung Quốc đã trở về quê hương.

Cùng với những sóng gió trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung, sinh viên Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn khi du học ở Mỹ.

Cùng thời điểm báo chí quốc tế đưa tin về việc Washington siết chặt các chương trình đầu tư của Trung Quốc vào Đại học Mỹ, tờ Washington Examiner cũng cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ đang tăng cường đối phó việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đến các viện nghiên cứu Mỹ, với nhiều vụ tạm giữ và điều tra các chuyên gia bị nghi có liên quan đến chương trình “Ngàn nhân tài” của Trung Quốc.

Chương trình “Ngàn nhân tài” được Trung Quốc đưa ra vào năm 2008 nhằm thu hút công dân Trung Quốc, Hoa kiều và người nước ngoài phát triển sự nghiệp tại Trung Quốc, đặc biệt là giáo sư và chuyên gia tại các đại học, viện nghiên cứu và các tập đoàn quốc tế.

Chính phủ Trung Quốc thông báo cho phép các chuyên gia nước ngoài đóng vai trò cấp cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cũng như tại các tập đoàn nhà nước.

Những nhân tài này còn được trả lương bằng với mức cao nhất họ có thể được hưởng tại các nước phương Tây và thậm chí còn được cấp thị thực thường trú theo loại chỉ dành cho doanh nhân nước ngoài.

Trong đợt tổng kết 10 năm, chương trình đã thu hút hơn 8.000 chuyên gia Trung Quốc đang làm việc ở nước ngoài trở về nước, chủ yếu đến các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và các thành phố ven biển nơi dễ tiếp cận môi trường nghiên cứu khoa học hơn. Theo trang ClearanceJobs, chương trình đến nay đã thu hút hơn 70.000 chuyên gia chia sẻ kiến thức chuyên môn, trong đó có nhiều chuyên gia Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người bị phát hiện che giấu cấp trên về mối quan hệ với Trung Quốc.

Chưa hết, đầu tháng 5, một số nghị sỹ đảng Cộng hòa trong Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ đã tiết lộ với truyền thông về kế hoạch điều tra các khoản đầu tư của Đảng Cộng sản Trung Quốc  vào các trường đại học Mỹ. Họ cho rằng, đây là chiến lược mà Trung Quốc triển khai nhằm đánh cắp thông tin và công nghệ bí mật từ các công ty Hoa Kỳ, và thậm chí từ cả chính phủ Mỹ.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/29/4321441/truc-xuat-sinh-vien-trung-quoc-my-chan-duong-gian-diep_291439497.jpg
Chủ nhiệm Khoa Hóa Đại học Harvard - Charles Lieber bị cáo buộc liên quan chương trình của Trung Quốc

Ngoài việc chính quyền Trung Quốc tung tiền để gây ảnh hưởng trong các tổ chức giáo dục đại học Mỹ, Trung Quốc còn đang ngăn chặn mọi nghiên cứu liên quan đến nguồn gốc của COVID-19 mà khác với tuyên truyền của Bắc Kinh.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tư pháp Mỹ ngày 28/5 truy tố 28 người Triều Tiên và 5 người Trung Quốc vì cáo buộc điều hành một đường dây rửa tiền, đã chuyển nhiều tỷ USD qua các ngân hàng toàn cầu để tránh những biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

Những người này bị cáo buộc sử dụng các công ty bình phong để che đậy các giao dịch thông qua mạng lưới ngân hàng qua Mỹ. Hoạt động này vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Ngân hàng ngoại thương và các tổ chức khác của Triều Tiên.

Cáo trạng nói rằng mạng lưới này hoạt động từ năm 2013 đến năm nay, và những người liên quan đã “che đậy sự tham gia của Ngân hàng ngoại thương trong các thanh toán dùng đồng đô la Mỹ để đánh lừa các ngân hàng xử lý thanh toán”.

Cáo trạng không có thông tin nào về cách Triều Tiên kiếm ra số tiền đó, chỉ nói rằng số tiền được dùng để mua từ hàng hóa xa xỉ đến những thứ phục vụ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.