Sự thật buồn từ việc em bé chọn đứng ở cổng trường
Một nửa sự thật không là sự thật nhưng không thể phủ nhận một thực tế buồn khác đang diễn ra trong ngành giáo dục.
Có lẽ những người lớn chúng ta nên cúi xuống và nhìn cho kỹ hành xử của những đứa trẻ. Đó có thể là bài học tốt cho mỗi người. Vụ lùm xùm liên quan tới bức ảnh một học sinh tiểu học Hải Phòng đứng ngoài cổng trường giữa thời tiết nóng suýt soát 40 độ C là một ví dụ như vậy.
Tất cả chúng ta, những người cố gắng nhìn nhận vụ việc một cách khách quan và dù gượng nhẹ hay khắt khe đến cực đoan, đã vội tin vào những thông tin không mấy chính xác về việc em bé bị ép phải đứng ở ngoài cổng trường, nhưng liệu đã có ai từng đặt câu hỏi: ‘nạn nhân nhỏ tuổi’ ấy nghĩ gì và muốn nói điều gì?
Nếu lời người mẹ kể là thật, đứa trẻ ấy đã nói, “không được đứng đây (trong sân trường – PV)”, “mẹ cho con ra ngoài đứng chờ”. Lựa chọn này có lẽ bắt nguồn từ việc đứa bé đã từng bị phạt, bị nhắc nhở vì đi học sớm, nô đùa, làm ồn ở sân trường ảnh hưởng đến các bạn học sinh bán trú đang nghỉ trưa. Cô giáo thậm chí còn chụp ảnh nhóm học sinh gửi trên nhóm liên lạc của lớp để phê bình. Mới hơn hơn 6 tuổi, cô bé đã hiểu và chấp hành ‘nội quy”, hoặc đã biết thích ứng với hoàn cảnh tương đối khác biệt của gia đình mình.
Rõ ràng, không có bất cứ quy định nào có thể biện minh cho việc một bé gái bị phạt chỉ vì đi học sớm. Nếu cô bé gây ồn ào ảnh hưởng tới các bạn bán trú, trong một môi trường sư phạm, điều đầu tiên và duy nhất cần làm là nhắc nhở cháu. Là một giáo viên, luôn tự hào về tình yêu với học trò, liệu một vài điểm phạt của Sao Đỏ làm ảnh hưởng tới thành tích chung của lớp có đáng để khiến con trẻ thêm mặc cảm vì hoàn cảnh của mình? Hay phải chăng những điều đã nói chỉ để… cho vừa lòng nhau?
Từ phía vị phụ huynh, ai cũng thông cảm với nỗi xót con của bà mẹ. Nhưng không thể bỏ qua thắc mắc, sao chị không tự điều chỉnh trước? Dẫu hoàn cảnh kinh tế, gánh nặng mưu sinh khiến chị không thể đưa con đến đúng giờ như chúng bạn, một lời với nhà trường và cô giáo chủ nhiệm chắc chắn sẽ hóa giải được vấn đề.
Sử dụng mạng xã hội như một thứ áp lực lên nơi đang dạy dỗ con gái mình, mãi khi sự việc đã vượt ngoài sức tưởng tượng, người mẹ mới “cúi xin cộng đồng mạng” dừng chia sẻ về việc này. Xem ra, cuối cùng bà mẹ ấy đã nhận ra, đứa con gái bé bỏng của mình đang phải chịu những áp lực từ sự việc và rõ ràng đó là một cái gánh quá sức của em bé.
Lại muốn thốt lên những chữ “giá như”. Giá như câu chuyện kết thúc sớm, bởi lẽ khi ai cũng sẵn sàng nhận một phần lỗi, những sự hiểu lầm, chệch choạc sẽ được giải quyết. Những đứa trẻ đến sớm sẽ có một khoảng không gian để chơi đùa, chờ tới giờ học mà không ảnh hưởng tới các bạn bán trú đang say giấc ngủ trưa. Tiếc là, những người lớn đang bị cuốn theo một cuộc tranh cãi đúng sai chưa có hồi kết.
Đầu tiên là về kết luận vụ việc của UBND TP Hải Phòng. Chiếu theo văn bản này, cô giáo chỉ “nóng vội trong việc phê bình học sinh đến học sớm và gửi hình ảnh lên nhóm Zalo của lớp, đã ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh”. Cô giáo “chưa lắng nghe ý kiến của phụ huynh học sinh để có cách xử lý phù hợp đối với những trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, chưa kịp thời báo cáo nhà trường về các trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt phải đi học sớm để nhà trường chỉ đạo khắc phục".
Đối với nhà trường, đơn vị này “chủ động làm việc với phụ huynh học sinh và tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm", tuy nhiên, nhà trường "chưa nắm bắt hết tình hình thực tế để chỉ đạo giải quyết các trường hợp học sinh đến sớm so với quy định".
Theo kết luận này, lỗi sai cứ như thuộc về em bé 6 tuổi? Những lời hai năm rõ mười được ghi trong văn bản kết luận của Hải Phòng thể hiện cháu bé “đã được Sao Đỏ hướng dẫn vào lớp, nhưng đã đi ra ngoài cổng trường đứng”. Dường như, có người tin được rằng, một cô bé 6 tuổi vui thích hứng nắng nóng ngoài cổng trường và coi đó là một hành động thuộc sở thích.
Không ngạc nhiên, người mẹ đã phản ứng với kết luận này. Chị này cho rằng, nội dung văn bản “khác với nội dung cuộc họp”, “khiến nhiều người hiểu lầm cháu bé thiếu ý thức, tự ra ngoài cổng trường giữa trời nắng”. Và sau tất cả, người mẹ vẫn muốn câu chuyện chấm dứt.
Thế nhưng, trên mạng xã hội xuất hiện một clip với hàm ý người mẹ cố tình dàn dựng tình huống trớ trêu khiến dư luận xôn xao bàn tán mấy ngày qua. Chưa ai đứng ra nhận là chủ nhân của clip này, nhưng có thể thấy, cách hành xử giống như bà mẹ của cô bé học sinh lớp 1 đang được lặp lại.
Sự việc bị đẩy nóng lên khi các cơ quan chức năng tuyên bố vào cuộc xác minh. Một cuộc phân định đúng sai sẽ diễn ra và chúng ta đều biết, đâu là bên yếu thế. Giá như, người ta dừng lại và ngẫm nghĩ về việc đứa bé đã bị phạt vì đến sớm. Rất có thể, đứa bé đó không dám đứng trong sân trường vì sợ hãi. Bao nhiêu sự đúng sai có giúp đứa bé 6 tuổi vượt quá sự mặc cảm này?
Người lớn cứ mải mê tranh cãi, còn lợi ích của đứa trẻ thì đang bị xem nhẹ. Đây có phải là điều mà những người làm trong ngành giáo dục mong muốn?
Chỉ một vài tuần nữa, câu chuyện sẽ qua đi, vì thế, sẽ không còn nhiều người quan tâm nữa, nhưng bé gái 6 tuổi lựa chọn đứng ngoài cổng trường ấy sẽ phải vượt qua rắc rối do những người lớn gây ra như thế nào? Nếu có một vết sẹo trong tâm trí, đó sẽ là dấu vết của sự trưởng thành?
Xét cho cùng, những việc tương tự đang xảy ra hàng ngày hàng giờ trong ngành giáo dục. Đó là trong một ngôi trường, có lớp được lắp điều hòa, tivi, có máy chiếu… do phụ huynh tài trợ, còn với nhiều lớp khác, những tiện nghi ấy nằm ngoài tầm đóng góp. Đó là lời dặn dò ý nhị về việc quan tâm tới cô giáo và sự ưu ái thản nhiên cho những đứa trẻ con nhà giàu.
Ngay cả trong câu chuyện nói trên, dù vô tình hay cố ý, cán cân quyền lợi đã nghiêng về những đứa trẻ bán trú. Việc làm hài lòng các bậc phụ huynh sử dụng dịch vụ của nhà trường dường như được chú ý nhiều hơn. Khi bị ảnh hưởng bởi những thước đo vật chất, kim tiền, đừng trách quả ngọt của giáo dục hóa ra lại nhiều vị đắng. Và lỗi lầm đầu tiên chắc chắn không thuộc về những đứa trẻ.
Khánh Nguyên