EU tái áp đặt trừng phạt Syria viện cớ vì người dân

Châu Âu tái áp đặt trừng phạt Syria trong bối cảnh dịch bệnh được lý giải là đem lại lợi ích cho người dân Syria.

by

Ngày 28/5, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định gia hạn thêm một năm đối với các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/29/4321145/eu-tai-ap-dat-trung-phat-syria-vien-co-vi-nguoi-dan_291144304.jpg
Các thành viên của Lực lượng phòng vệ dân sự Syria (Mũ bảo hiểm trắng) tiến hành việc khử trùng các tòa nhà và lều của người dân Syria để phòng ngừa đại dịch COVID-19 tại Idlib, Syria vào ngày 24/3/2020. Ảnh: Anadolu Agency

Cao ủy EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell khẳng định EU cam kết ủng hộ người dân Syria và tiếp tục sử dụng mọi công cụ cho phép để thúc đẩy một giải pháp chính trị, nhằm chấm dứt xung đột.

Ông nhấn mạnh, điều này sẽ đem lại lợi ích cho người dân Syria nhưng không giải thích rõ hơn về việc các lệnh trừng phạt được áp đặt vào thời điểm nỗi lo về dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp diễn.

Châu Âu đã từng có ý định gỡ bỏ trừng phạt cho Syria do sự hoành hành của dịch bệnh COVID-19 bởi họ cho rằng các lệnh trừng phạt không nên cản trở việc cung cấp khẩn cấp các thiết bị y tế cần thiết trong cuộc chiến chống sự lây lan của virus corona.

Từ tháng 4, các phái đoàn thường trực Nga, Trung Quốc, Iran, Syria, Triều Tiên, Cuba, Nicaragua và Venezuela đã gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn và ngay lập tức các biện pháp trừng phạt đơn phương, làm khó các quốc gia khi chống lại dịch bệnh toàn cầu.

Tuy nhiên, Liên minh châu Âu cùng với Hoa Kỳ, Anh, Ukraine và Gruzia, đã phủ quyết việc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua dự thảo nghị quyết của Nga kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương.

Sau đó, Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU đã thảo luận về vấn đề trừng phạt trên thế giới trong bối cảnh chống lại đại dịch. Hội đồng kết luận các biện pháp trừng phạt không nên cản trở việc cung cấp thiết bị và vật tư thiết yếu cần thiết để chống lại coronavirus.

Như vậy, EU đã ủng hộ sáng kiến của Liên Hợp Quốc về việc đóng băng các lệnh trừng phạt đối với các quốc gia đang gặp những khó khăn nghiêm trọng do sự lây lan của coronavirus. Trong bối cảnh đó, chính quyền của ông Assad có thể hy vọng Liên minh châu Âu dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria.

Ủy viên EU về chính sách đối ngoại Josep Borrel cho biết đã từng đưa ra ý kiến: “Chúng tôi đang thảo luận về khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để không cản trở việc cung cấp khẩn cấp các thiết bị y tế cần thiết trong cuộc chiến chống sự lây lan của virus corona”.

Vị quan chức châu Âu bày tỏ hy vọng rằng, tuyên bố sắp tới sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng thời nhắc lại rằng, các lệnh trừng phạt đã góp phần làm trầm trọng thêm mối nguy của đại dịch COVID-19, đặc biệt là ở các quốc gia như Syria, Libya và Yemen.

Tuy nhiên, đến nay, cuối cùng thì EU vẫn áp đặt các lệnh trừng phạt vào Syria, lấy cớ vì lợi ích của người dân Syria.

Theo quan điểm của nhà khoa học chính trị người Pháp Mustafa Toussa, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể cản trở việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của EU.

Ông nhấn mạnh rằng, quan điểm của châu Âu về các biện pháp trừng phạt trong bối cảnh lây lan dịch bệnh COVID-19 về cơ bản khác với quan điểm của người Mỹ. Tổng thống Trump muốn sử dụng các biện pháp trừng phạt trong bối cảnh đại dịch như một yếu tố gây áp lực bổ sung đối với các quốc gia có chế độ không hợp ý Washington. Như vậy, ngay cả khi đối mặt với một vấn đề chung, Mỹ luôn cố gắng kiếm phần lợi về mình và tìm cách đạt mục tiêu của riêng mình.

Như vậy, có thể do những khác biệt đó, châu Âu sẽ hành động khác với Mỹ về vấn đề trừng phạt Syria. Tuy nhiên, động thái mới nhất của EU không cho thấy điều đó.

Trước các tuyên bố mới nhất từ Cao uỷ EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell liên quan đến lệnh trừng phạt, Bộ Ngoại giao Syria đã ra tuyên bố chỉ trích quyết định trên của EU, cho rằng động thái này là sự ủng hộ đối với "các nhóm khủng bố " tại Syria.

Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt của EU "không công bằng", trực tiếp ảnh hưởng tới người dân cũng như hệ thống y tế Syria trong nỗ lực chống đại dịch COVID-19.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Syria đã mô tả các lệnh trừng phạt của EU là "vi phạm các quyền cơ bản của con người".

“Người dân Syria đang phải chịu các lệnh trừng phạt này, đã cùng với các quốc gia và tổ chức chứng minh tầm quan trọng của việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt bất hợp pháp và bất kỳ chế tài nào, bao gồm cả việc chuyển khoản khoản ngân hàng, do Mỹ và EU áp đặt vì lý do chính trị với sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và tước bò các yếu tố quyền con người” - bản tuyên bố công bố ngày 7/4 cho biết.

EU áp đặt cấm vận đối với Chính phủ Syria từ năm 2011 và tiến hành gia hạn hàng năm. Các lệnh trừng phạt bao gồm cấm vận dầu mỏ, hạn chế đầu tư, đóng băng các tài sản của ngân hàng trung ương Syria do EU nắm giữ, hạn chế xuất khẩu thiết bị và công nghệ...

Hiện có 273 cá nhân và 70 thực thể đang nằm trong danh sách đen của EU liên quan đến Syria. Sau khi gia hạn, các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính phủ Syria sẽ hết hạn vào ngày 1/6 năm sau.