Gameshow lạm dụng trẻ em: Bóc trần vỏ bọc hoa mỹ

Ông Nguyễn Trọng An đề nghị phải có mạng lưới công tác xã hội tại cộng đồng để phát hiện và ngăn ngừa sớm tình trạng trẻ em bị xâm hại.

by

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã đề cập đến tình trạng xâm hại trẻ qua những hình thức vỏ bọc văn hóa.

Vị đại biểu đề cập đến một loạt chương trình thực tế trên truyền hình như "Giọng hát Việt nhí", "Thần tượng âm nhạc nhí", "Bước nhảy hoàn vũ nhí", "Gương mặt thân quen nhí", "Người hùng tí hon", "Người mẫu nhí Việt Nam 2019"..., và nhận định: "Các kịch bản gameshow đều hướng đến sự cạnh tranh khốc liệt với những chiêu trò nhằm thu hút người xem mà ở đó trẻ em không khác gì những con rối trong tay các nhà sản xuất", ông Nhân nói.

Chia sẻ và đồng tình với những lo lắng của đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), thẳng thắn cho rằng, hàng loạt gameshow, chương trình truyền hình thực tế bị thương mại hóa, đã và đang lạm dụng trẻ em và những hành vi đó có biểu hiện của vi phạm pháp luật.

Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em 2004, Luật Trẻ em 2016, Luật Lao động đều quy định không được sử dụng trẻ em vào những công việc không phù hợp, vụ lợi, kiếm tiền, không được bắt trẻ em làm việc quá sức... Thế nhưng, một số gameshow lại yêu cầu trẻ cố gắng thể tính người lớn, thậm chí còn đóng vai người lớn.

Các chương trình đều dùng các mỹ từ: cuộc tranh tài về năng khiếu múa, hát, nhảy, diễn kịch... cho các em dưới danh nghĩa tìm kiếm tài năng. Vỏ bọc, sự che đậy ấy, đại biểu Nhân đã chỉ ra- tôi hết sức đồng tình. các doanh nghiệp hiện nay che giấu các sản phẩm, bằng những từ quảng cáo khéo léo... đây là bóc lột trẻ em, hoặc lạm dụng sức lao động trẻ em - ở đây là lao động cả về thể xác và tinh thần, ảnh hưởng đến học tập, văn hóa giải trí vui chơi của em bé, đẩy các em vào cuộc ganh đua, ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành đạo đức, tạo nên một đạo đức rất xấu của người lớn trong chuyện ganh đua. Những vấn đề đó, mong muốn chủ doanh nghiệp, nhà sản xuất hãy tuân thủ đúng luật pháp.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/29/244657/gameshow-lam-dung-tre-emyeu-cauco-giam-sat-doc-lap_29954910.jpg
Một số gameshow bị thương mại hóa, dùng trẻ em như một chiêu “câu khách” tăng rating để dễ thu hút tài trợ, quảng cáo. Ảnh minh họa

"Như vậy, nhà sản xuất chương trình, nhà đài đã vi phạm khi sử dụng trẻ em vào những hoạt động không phù hợp với lứa tuổi, với văn hóa nhưng lại khéo léo che đậy nó bằng những mỹ từ như tranh tài năng khiếu, tìm kiếm tài năng. Nói thẳng ra, đó là lạm dụng sức lao động, là bóc lột trẻ em.

Hành động lạm dụng đó sẽ ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ, khiến trẻ phải lao tâm khổ tứ, ảnh hưởng đến học tập của trẻ", ông Nguyễn Trọng An khẳng định.

Chưa kể, rất nhiều các bậc cha mẹ sau khi được mời theo dõi, thực hiện, tham gia các gameshow, đóng phim... thì rất thích thú, cũng muốn con mình nổi  tiếng... Theo ông An, điều đó rất nguy hiểm vì đã đẩy nhiều em nhỏ vào một cuộc cạnh tranh, ganh đua, tác động tiêu cực đến việc hình thành các phẩm chất đạo đức của các em sau này. 

"Tôi mong muốn các nhà sản xuất gameshow, nhà đài... hãy chấm dứt việc lạm dụng trẻ vào những hoạt động không phù hợp với lứa tuổi các em, đừng dùng những từ mỹ miều, vỏ bọc để che đậy mục đích vì lợi nhuận của mình. Luật đã quy định rõ và ai vi phạm phải bị xử lý", ông Nguyễn Trọng An nói và đặc biệt lưu ý đến trách nhiệm của người đứng đầu các nhà đài.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em đề nghị, đối với các gameshow, chương trình truyền hình thực tế có trẻ em tham gia cần có sự giám sát độc lập để bảo vệ quyền trẻ em. Cá nhân ông đã cố gắng đeo đuổi, đề nghị nhiều năm để bổ sung một cơ chế giám sát độc lập vào Luật Trẻ em nhưng đến nay vẫn chưa thành.

"Ngành văn hóa làm rồi ngành văn hóa lại đi giám sát, báo cáo thì tức là vừa đá bóng, vừa thổi còi, làm sao khách quan được?", ông Nguyễn Trọng An nhận xét, đồng thời cho rằng vẫn còn thiếu một bộ phận dự phòng ở cộng đồng.

"Theo Luật Trẻ em 2016, chăm sóc, bảo vệ trẻ em tập trung vào dự phòng, mà muốn dự phòng thì phải có mạng lưới cán bộ công tác xã hội tại cộng đồng.  Mạng lưới này sẽ được đào tạo để hỗ trợ các bậc cha mẹ có kỹ năng bảo vệ trẻ em, hỗ trợ giáo viên, đặc biệt họ làm nhiệm vụ ngăn ngừa sớm, phát hiện sớm và thực hiện giải trình minh bạch, không để trẻ bị xâm hại rồi mới tiến hành can thiệp", ông An cho biết.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em nhắc lại động thái của Chính phủ Trung Quốc từ năm 2016, chỉ đạo việc hạn chế dẫn đến cấm tuyệt đối các chương trình có trẻ chưa đủ tuổi thành niên, trong đó có 2 chương trình ăn khách “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, “Bố ơi trở lại”, vì lợi bất cập hại.

Chính phủ nước này cũng tăng cường quản lý các chương trình không có giá trị tích cực và cho rằng việc trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm, được lăng xê tên tuổi, trở thành ngôi sao chỉ sau một đêm là điều phản giáo dục, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.

Đối với Việt Nam, ông Nguyễn Trọng An cho rằng cũng phải thực hiện nghiêm túc như vậy để các chương trình truyền hình không biến trẻ em trở thành món hàng kinh doanh hơn là những ý nghĩa tích cực ban đầu của nó.