EU gia hạn trừng phạt Syria

by

(HNMO) - Liên minh châu Âu (EU) gia hạn thêm 1 năm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tổng thống Syria Bashar Assad, nhiều quan chức chính trị và quân đội, cùng các doanh nhân tại quốc gia này do tiếp tục đàn áp thường dân.

http://hanoimoi.com.vn/Uploads/images/tuandiep/2020/05/29/syri.jpg
Ảnh minh họa: AP

Ngày 29-5, Hội đồng châu Âu thông báo, các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền Tổng thống Bashar Assad sẽ kéo dài đến ngày 1-6-2021. Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại cho biết, khối này giữ nguyên quan điểm về việc áp dụng mọi biện pháp cần thiết để thúc đẩy một phương án chính trị nhằm giải quyết những xung đột tại Syria, qua đó mang lại lợi ích cho toàn thể người dân quốc gia này và tiến tới chấm dứt các cuộc đàn áp vẫn đang diễn ra.

EU lần đầu tiên trừng phạt Syria hồi tháng 5-2011, gồm các lệnh cấm nhằm hạn chế đi lại, đóng băng tài sản, nhập khẩu dầu, một số hoạt động đầu tư nhất định… Các biện pháp của EU nhằm vào 273 người, trong đó có thành viên gia đình Tổng thống Bashar Assad, nhiều quan chức quân sự cấp cao và 70 thực thể gồm nhiều công ty và tổ chức. Tuy nhiên, EU khẳng định, lệnh trừng phạt không cản trở các hoạt động viện trợ nhân đạo như cung cấp lương thực và trang thiết bị y tế.

Ở diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Syria chỉ trích quyết định của EU, cho rằng việc kéo dài trừng phạt là sự ủng hộ đối với các nhóm khủng bố tại quốc gia này và trực tiếp ảnh hưởng tới người dân Syria cũng như hệ thống y tế Syria.

Cùng ngày, ABC News cho biết, những xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 10, khiến hơn một nửa dân số quốc gia này rơi vào tình trạng mất nhà cửa. Theo Liên hợp quốc (UN), hơn 11 triệu người, trong đó có gần 5 triệu trẻ em, đang cần viện trợ nhân đạo và khoảng 8 triệu người khác đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.

Thống kê cho thấy, 8 trên 10 người dân Syria sống dưới mức nghèo với thu nhập chưa đến 100 USD mỗi tháng. Syria hiện đối mặt với tình trạng lạm phát nghiêm trọng trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia khủng hoảng, khiến giá cả các mặt hàng cơ bản tăng chóng mặt.

Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế tại quốc gia này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do những biện pháp hạn chế nhằm ứng phó với dịch Covid-19.