Trung Quốc bơm 559 tỷ USD chấn hưng kinh tế

Miễn thuế, giảm lãi suất ngân hàng, miễn đóng phí bảo hiểm xã hội, giảm giá điện... nằm trong kế hoạch chấn hưng kinh tế Trung Quốc hơn 500 tỷ USD.

by

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 28/5 đã công bố trước Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội)  về kế hoạch cứu trợ kinh tế lên tới 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 559 tỷ USD) nhằm giúp đỡ các nhà máy và doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn vì dịch bệnh trong năm 2020 và các năm tới.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/29/4321028/trung-quoc-bom-559-ty-usd-chan-hung-kinh-te_291028708.jpg
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

Gói kích thích kinh tế lớn nhất lịch sử Trung Quốc này nhằm bù đắp các chi phí cho các nhà máy, doanh nghiệp, đồng thời hy vọng sẽ mang lại nhiều công ăn việc làm cho các lao động bị mất việc vì đại dịch.

Một loạt các biện pháp hỗn hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gồm miễn thuế, giảm lãi suất ngân hàng, miễn đóng phí bảo hiểm xã hội, giảm giá điện... tất cả sẽ tiêu tốn cho Chính phủ Trung Quốc cỡ 2.000 tỷ nhân dân tệ, trong kế hoạch chi tiêu tài khóa bổ sung và phát hành trái phiếu chính phủ.

“Việc làm là vấn đề then chốt quyết định sinh kế của người dân. Trung Quốc sở hữu lực lượng lao động lên tới 900 triệu người. Tức là có 900 triệu miệng ăn sẽ bị đói nếu không có việc làm, nhưng cũng có 900 triệu đôi tay tạo nên sự giàu có nếu chúng ta tạo ra việc làm…

Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ công ăn việc làm, bảo vệ sinh kế cho người dân. Từ đó, chúng ta sẽ nỗ lực đạt được tốc độ tăng trưởng lớn để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc đi lên” - ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh.

“Chúng ta hiện đang bơm nước để cá sống sót. Cá sẽ chết nếu không có đủ nước, nhưng nền kinh tế sẽ đối mặt với nguy cơ bong bóng nếu bơm quá nhiều thanh khoản” - vị Thủ tướng nêu ra một so sánh thể hiện tầm quan trọng của gói cứu trợ kinh tế khổng lồ mới nhất.

Theo ông Lý Khắc Cường, Trung Quốc hiện có tới 600 triệu lao động có thu nhập bình quân hàng tháng từ 1.000 NDT (140 USD) trở xuống, dù thu nhập bình quân đầu người quốc gia này năm ngoái lên tới hơn 30.700 NDT (4.300 USD). “Nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo đang ngày càng thêm nặng nề vì nguy cơ người dân tái nghèo sau cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19”.

Ông cũng cho biết thêm rằng Bắc Kinh đang có nhiều chính sách tài khóa và an sinh xã hội dự phòng, sẵn sàng triển khai các hỗ trợ bổ sung cho nền kinh tế trong trường hợp cần thiết.

Thủ tướng Trung Quốc cũng cho biết, nước này không đưa ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020.

Chính phủ Trung Quốc đã cam kết tăng cường chi ngân sách với mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức ít nhất 3,6 % Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Dựa trên các biện pháp tài khóa mà Trung Quốc công bố cho đến nay, gói kích thích kinh tế mà chính phủ nước này dự định thực hiện có giá trị tương đương khoảng 4,1% GDP.

Hao Zhou, nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng Commerzbank đưa ra ước tính rằng, kế hoạch của chính phủ sẽ tương đương với việc bổ sung chi tiêu 3,15 nghìn tỷ NDT, và chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm lên chưa đến 4%. Điều này theo ông Hao Zhou là không đủ để bù đắp lại sự tăng trưởng âm 6,8% trong quý I và khó có thể hy vọng vào sự hồi phục.

Song ông Zhou cũng cho rằng, có thể Trung Quốc vẫn đang giữ các biện pháp để chờ cho tới cuộc họp Bộ Chính trị diễn ra vào giữa năm, đặc biệt là để phòng trường hợp quan hệ Mỹ-Trung trở nên trầm trọng hơn và tạo thêm áp lực cho kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, nhà kinh tế Shen Jianguang thuộc công ty JD Digits cho rằng, năng lực kinh tế của Trung Quốc trong quý II sẽ là yếu tố quyết định việc ông có thay đổi dự báo cho năm 2020 hay không. Ông Shen Jianguang tỏ ra hoài nghi về việc tỷ lệ tăng trưởng quý II có thể đạt từ 1-2%, do thời gian qua, tuy sản xuất đã được khôi phục khá tốt nhưng sự khôi phục của lượng cầu vẫn còn chậm và đây là vấn đề chính.

Về phần mình, Ngân hàng Thụy Sỹ (UBS) không thay đổi mức dự báo tăng trưởng 1,5% cho nền kinh tế Trung Quốc do tăng trưởng trong khoảng thời gian từ tháng 4-7 sẽ cải thiện hơn so với 3 tháng đầu năm, nhưng vẫn sẽ tăng trưởng âm.