WHO không lo thiếu tiền dù không có Mỹ?
WHO đã lập một quỹ mới huy động các nguồn đóng góp tư nhân nhằm hỗ trợ giải quyết những thách thức y tế cấp thiết trên toàn cầu.
by An NhiênTheo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, ý tưởng thiết lập quỹ độc lập này có từ tháng 2/2018.
Ông Tedros cho biết, một trong những mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với WHO là chỉ chưa đầy 20% khoản ngân sách của tổ chức được sử dụng một cách linh hoạt, trong khi hơn 80% số tiền còn lại (là những khoản đóng góp tự nguyện) được chỉ định dùng cho các chương trình nhất định.
WHO chỉ có quyền kiểm soát việc sử dụng phí thành viên, vốn dựa trên dân số và tiềm lực tài chính của mỗi nước.
Việc thành lập quỹ mới sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân và đối tác doanh nghiệp đóng góp cho WHO, qua đó giúp tổ chức này có nguồn ngân sách bền vững hơn. Quỹ mới sẽ hỗ trợ các nhu cầu y tế toàn cầu thông qua việc cấp ngân sách cho WHO, do các đối tác chịu trách nhiệm thực thi và có sự tách biệt pháp lý với tổ chức này.
Thời gian qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đóng băng khoản ngân sách đóng góp của Mỹ cho WHO để chờ điều tra về cách phản ứng của tổ chức này với đại dịch Covid-19.
Hồi giữa tháng 4, ông Trump cáo buộc WHO đã "không hoàn thành trách nhiệm cơ bản của họ và phải chịu trách nhiệm". Theo ông, WHO đã quá hữu hảo với Trung Quốc trong những ngày mới phát dịch, từ đó khiến nhiều người bị chết oan.
Washington tạm giữ lại tiền đóng góp cho WHO và dành thời gian 60-90 ngày để xem xét, "đánh giá về vai trò của WHO trong những sai sót quản lý nghiêm trọng và che giấu sự lây lan của virus corona".
Tuyên bố này của ông Trump đã vấp phải sự phản đối ngay trong nội bộ nước Mỹ.
Mỹ là nước có đóng góp ngân sách tổng thể lớn nhất cho WHO với khoản đóng góp mỗi năm từ 400-500 triệu USD, theo Đài CNN. (Ông Trump lưu ý Trung Quốc chỉ góp 40 triệu USD/năm cho WHO).
Trong năm 2019 khoản đóng góp này là hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO. Trong 2 năm 2018 và 2019, Mỹ góp cho WHO gần 900 triệu USD trong tổng cộng 5,6 tỷ USD ngân sách của tổ chức này.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Sciencemag tháng 12 năm ngoái, Tổng giám đốc WHO Tedros cho biết chính sự phụ thuộc của WHO vào một vài nhà tài trợ khiến tổ chức này rất dễ tổn thương.
"Nếu một trong số họ từ chối cấp tiếp ngân sách,WHO có thể bị sốc nghiêm trọng", ông nói.
Dù vậy, cùng với việc ra đời của quỹ mới huy động các nguồn đóng góp tư nhân cũng như với sự đóng góp của các thành viên khác, WHO sẽ vẫn duy trì được hoạt động của mình, dù chưa hết khó khăn.
Được biết, ngân sách của WHO dành cho các công việc như giúp tăng tốc nghiên cứu và phát triển vắcxin, thuốc điều trị các bệnh; giúp các nước có giải pháp ứng phó và phản ứng dịch bệnh hợp lý; điều phối công tác chống dịch toàn cầu; giúp người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết; truyền thông về cách người dân có thể tự bảo vệ mình và người khác trước dịch bệnh...