Hậu khổ hộ khẩu

by

Chủ tịch Quốc hội nói: “Nói đến sổ hộ khẩu là người dân khổ sở". Tôi tin nhiều người dân đồng cảm với bà.

Hai thập kỷ trước, tôi có một anh bạn người Quảng Ninh, sang Nga lao động từ khi còn trẻ. Vài năm sau có lưng vốn trở về, anh muốn định cư ở Hà Nội, bèn cầm tiền đi mua nhà. Mua xong, thiếu hộ khẩu Hà Nội, anh đành nhờ bà cô đứng tên căn nhà. Thế là ông chủ nhà phải khai báo tạm trú suốt năm năm trong ngôi nhà do mình bỏ tiền mua, để đủ điều kiện được nhập hộ khẩu.

Hồi ấy, muốn có hộ khẩu Hà Nội phải có nhà ở Hà Nội. Muốn đứng tên sở hữu nhà ở Hà Nội, thì phải có hộ khẩu tại đây. Cái mối lòng vòng trong chuyện hộ khẩu và sở hữu nhà ấy, nay đã được giải quyết. Nhưng cho đến giờ này, cầm được quyển sổ hộ khẩu vẫn là niềm hân hoan lớn, và sự tồn tại của nó vẫn là đầu dây mối nhợ của rất nhiều ràng buộc tất yếu khác.

Hộ khẩu xác định việc đi học của trẻ em là đúng tuyến hay trái tuyến; liên quan luôn cả cơ chế cộng điểm ưu tiên vùng miền.

Hộ khẩu xác định bảo hiểm y tế khi nhập viện là đúng tuyến hay trái tuyến.
Hộ khẩu dùng cho các thủ tục liên quan đến tài sản, tín dụng, thậm chí có thể đem cầm cố lấy tiền mặt.

"Người nghèo lên thành phố làm thuê nhưng con cái khó học tập vì sổ hộ khẩu, đi đâu cũng kè kè sổ" - bà Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu trong phiên họp Thường vụ Quốc hội mới đây.

Sổ hộ khẩu bản chất là thứ gì mà kinh khiếp thế? Rất đơn giản, đó là cách để nhà nước quản lý nhân khẩu dựa theo thống kê tại nơi cư trú. Mọi sự di chuyển khỏi địa bàn cư trú, nếu không thay đổi hộ khẩu, đều chỉ là tạm thời (nên gọi là "tạm trú").

Có thể bạn không biết điều này, người đầu tiên nghĩ ra mô hình quản lý hộ khẩu là chính trị gia Thương Ưởng áp dụng cho nước Tần thời Chiến Quốc (khoảng năm 359 trước Công nguyên). Thương Ưởng thay đổi hương thôn, chia lại đất canh tác, dồn năm nhà gọi là "bảo", 10 nhà gọi là "liên". Một nhà có lỗi thì 9 nhà phải tố cáo, nếu không tố cáo thì cả 10 nhà cùng phải tội chết - chém ngang lưng. Vì thế nước Tần tập trung nguồn lực xây dựng quân đội rất mạnh, xâm lấn các nước khác, nhưng ngược lại dân chúng trong nước ta thán khổ sở vì chính sách quản lý hà khắc.

Sau này Thương Ưởng thất sủng, bị tân vương đuổi giết. Nhưng ông chạy đến đâu cũng không có chỗ náu thân chính vì phương pháp quản lý nhân khẩu chặt chẽ do mình nghĩ ra. Đành than rằng: "Ta đặt ra phép ấy là tự hại thân ta", rồi chịu chết.

Khi đăng ký hộ khẩu thường trú vào các huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Luật Cư trú hiện hành đòi hỏi công dân phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên. Thời gian này tăng lên hai năm đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào các quận. Riêng đăng ký vào quận nội thành Hà Nội thì thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô, nghĩa là phải tạm trú từ ba năm trở lên. Các "điều kiện riêng" kể trên được đặt ra nhằm hạn chế luồng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, qua nhiều năm, quy định này không thực sự phát huy hiệu quả. Bằng chứng là tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn vẫn rất cao. Nhiều người dân, mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn sinh sống, làm việc khiến gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động cũng như thụ hưởng các dịch vụ công.

Thậm chí, "việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013" - Thứ trưởng Ngọc phản ánh.

Thực tế chứng minh rằng, người dân lựa chọn nơi cư trú vì nhu cầu cá nhân, trong khi hộ khẩu ràng buộc họ ở xuất phát điểm sinh quán. Và những hàng rào kể trên chỉ khiến sự bất bình đẳng xã hội thêm sâu chứ không ngăn được tăng dân số cơ học. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019, dân số thành thị là 33.122.548 người, chiếm 34,4 % tổng dân số cả nước. Yếu tố di cư góp phần làm dân số khu vực thành thị tăng thêm 1,2 triệu người, chiếm 3,5 % dân số thành thị. Con số 3,5 % ấy có thực sự tương xứng với những lo ngại quá tải hạ tầng hay dịch vụ xã hội?

Trình bày về dự thảo Luật Cư trú trước Quốc hội chiều 22/5, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết luật mới sẽ bãi bỏ sổ hộ khẩu và các thủ tục hành chính có liên quan, thay thế bằng hình thức quản lý công dân thông qua mã số định danh cá nhân. Các thông tin về dân cư, hộ tịch sẽ được đồng bộ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Đây chính là điều người dân đã mong mỏi từ lâu. Nói đơn giản, sự tôn trọng con người là nhìn vào các thông tin của họ, nghề nghiệp, sức khoẻ, trình độ học vấn... chứ không phải việc họ sinh ra, hay trú quán ở đâu. Bỏ sổ hộ khẩu, không chỉ những người nhập cư, mà bất kỳ công dân nào cũng sẽ được giảm áp lực quản lý hành chính, tăng lên các lựa chọn học tập, làm việc và cống hiến cho xã hội.

Sẽ có rất nhiều vấn đề phải giải quyết, nếu Quốc hội thông qua dự thảo Luật Cư trú, bởi sau hàng chục năm áp dụng, hộ khẩu đã là yếu tố bảo chứng trong quá nhiều khế ước xã hội. Dẫu vậy, không có sự thay đổi nào mang tính đột phá mà dễ dàng áp dụng ngay cả.

Rất có thể sau kỳ họp Quốc hội này, niềm tự hào có "hộ khẩu thành phố" sẽ đi vào dĩ vãng, để rồi được nhắc tới như những giai thoại của một thời bao cấp năm nào.

 Gia Hiền