https://image.thanhnien.vn/660/uploaded/minhnguyet/2020_05_27/bac-si_zjek.jpg

'Bác sĩ không tên' làm tiền trên bàn mổ ?!: Không để bác sĩ nước ngoài tự tung, tự tác

by

Liên quan thông tin Báo Thanh Niên phản ánh về việc 'bác sĩ không tên' làm tiền trên bàn mổ, nhiều ý kiến cho rằng không thể để cho bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam 'hành nghề tự tung, tự tác'.


Trả lời Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, đặt vấn đề: Ngành y tế TP quản lý được phòng khám tư nhân có bác sĩ Việt Nam, nhưng vì sao không quản lý được phòng khám có bác sĩ người nước ngoài, để xảy ra hàng loạt sai phạm?
“Chứng chỉ hành nghề hiện nay của bác sĩ (BS) trong nước do các sở y tế cấp; còn BS nước ngoài do Bộ Y tế cấp. Với BS trong nước, ai vi phạm sẽ bị đình chỉ hành nghề ngay. Với BS nước ngoài, vì sao Bộ Y tế không chấm dứt hành nghề với những người vi phạm? Như vậy là không công bằng với các BS trong nước. Bộ Y tế muốn địa phương “yên ổn” thì hãy giao lại quyền cấp chứng chỉ hành nghề, thậm chí giấy phép hoạt động (bệnh viện tư - PV) cho các tỉnh để họ có trách nhiệm xử lý. Không để cho BS nước ngoài đến Việt Nam hành nghề tự tung, tự tác”, BS Tùng đề xuất.
Về giải pháp được cho là “đòn chí tử” đối với BS nước ngoài - yêu cầu họ phải nói tiếng Việt khi khám chữa bệnh (KCB) - BS Tùng nêu quan điểm: Nếu yêu cầu nói tiếng Việt thì BS Trung Quốc sẵn sàng nói tiếng Việt để vẫn có thể hoạt động ở Việt Nam. Vì vậy, biện pháp này không ngăn ngừa sai phạm của họ được. Vẫn phải áp dụng biện pháp thanh tra, hậu kiểm và chấm dứt hoạt động nếu tái vi phạm. Điều này phải được quy định trong luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, BS Tùng cho rằng việc “giang hồ” hình thành và đứng sau lưng các phòng khám (PK) không thể tồn tại. Các lực lượng khác phải hỗ trợ ngành y tế; lãnh đạo địa phương phải có tiếng nói chung.
Cũng theo BS Tùng, các PK quảng cáo quá phạm vi chuyên môn; chỉ định dịch vụ KCB vì mục đích lợi nhuận, sửa chữa hồ sơ bệnh án... tái diễn nhiều lần là do “quản lý không đến nơi đến chốn”. Nên chỉ cần PK quảng cáo quá phạm vi chuyên môn cho phép hay các sai phạm khác từ 2 lần trở lên thì phải bị đóng cửa.
“Phạt và phải chấm dứt hành vi vi phạm; còn hiện nay phạt rồi cho duy trì, rồi tái phạm là “có vấn đề”. Nếu thanh tra chưa làm triệt để thì cần phải xem lại thanh tra”, BS Tùng nói.
Với BS Việt Nam hành nghề, đứng tên phụ trách chuyên môn “giúp sức” tại các PK có BS Trung Quốc để sai phạm xảy ra, BS Tùng cho rằng phải rút chứng chỉ hành nghề BS phụ trách chuyên môn người Việt. Đây cũng là một giải pháp hành chính có tính răn đe. Trong trường hợp các PK gây ra tổn thương nhiều lần cho người bệnh, phải xử lý hình sự.

Đề nghị Sở Y tế TP.HCM làm rõ
Ngày 27.5, trả lời Thanh Niên, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), cho biết Cục đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế TP.HCM, đề nghị kiểm tra thông tin Báo Thanh Niên phản ánh về việc “Những bác sĩ không tên làm tiền trên bàn mổ?!”, xảy ra tại PK đa khoa Thái Bình Dương và Hoàn Cầu. Đề nghị Sở Y tế TP làm rõ có hay không các PK này có những sai phạm liên tục tái phạm như: quảng cáo dịch vụ KCB không đúng phạm vi chuyên môn; chỉ định sử dụng dịch vụ với mục đích vụ lợi; sửa chữa hồ sơ bệnh án làm sai lệch thông tin KCB... Xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định các sai phạm của PK và người hành nghề (nếu có) theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Cục yêu cầu Sở Y tế TP báo cáo kết quả trước ngày 2.6 và thông tin công khai cho Báo Thanh Niên,các cơ quan thông tin đại chúng.
Liên Châu