Quân y các nước ASEAN diễn tập trực tuyến cơ chế phòng, chống dịch Covid-19
by Minh TríANTD.VN - Ngày 27-5, Cục Quân y - Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Diễn tập trực tuyến xử lý tình huống và phòng, chống dịch Covid-19 giữa Quân y các nước ASEAN. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam hy vọng cuộc diễn tập lần này sẽ đem lại hiệu quả thực chất đối với mỗi nước tham gia cũng như các quốc gia khác có liên quan, nhất là về quân y.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, dự và phát biểu khai mạc diễn tập. Tham dự có đại biểu quan sát viên, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao các nước thành viên ASEAN; đại biểu Quân y các nước ASEAN+ (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Nga, Hàn Quốc) và đại diện Trung tâm hỗ trợ nhân đạo ASEAN.
Lực lượng tham gia diễn tập gồm Quân y các nước ASEAN, Trung tâm Quân y ASEAN (ACMM), đại diện Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) của các nước thành viên ASEAN; Quân y các nước ASEAN+.
Diễn tập nhằm đánh giá kinh nghiệm của Quân y mỗi nước ASEAN trong ứng phó với dịch Covid-19; xác định quan hệ giữa Quân y và các lực lượng khác; tiến hành phân tích lỗ hổng dựa trên Kế hoạch chuẩn bị chiến lược và ứng phó với dịch Covid-19 (SPRP) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), qua đó chủ trì xây dựng kế hoạch hành động để nâng cao mức độ sẵn sàng của Quân y ASEAN dựa trên kế hoạch của WHO.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, cuộc diễn tập cơ chế phòng, chống dịch Covid-19 của Quân y ASEAN lần này là hoạt động góp phần khẳng định sự phối hợp của Bộ Quốc phòng các nước ASEAN trong việc chống lại dịch bệnh cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh mong muốn các nước ASEAN+ phối hợp, hỗ trợ các nước ASEAN để cùng chung tay vượt qua khó khăn, sớm đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân, từ đó tăng cường sự hợp tác tốt đẹp giữa các nước.
Cuộc Diễn tập đưa ra ba kịch bản: “Có ca xâm nhập”, “Chùm ca bệnh Covid-19 và “Lây lan trong cộng đồng/Đại dịch”. Trước mỗi kịch bản, lực lượng Quân y các nước tham gia diễn tập thảo luận câu hỏi liên quan về tình huống diễn biến cụ thể của dịch, theo các vấn đề như: kế hoạch, quy trình, nguồn lực cần kích hoạt, huy động tại mỗi thời điểm; cách thức vận chuyển bệnh nhân; biện pháp phòng, chống, kiểm soát nhiễm khuẩn cần thực hiện; cách thức phối hợp kiểm soát tình huống, huy động nguồn kinh phí hỗ trợ để triển khai các hoạt động ứng phó; nội dung, chiến lược truyền thông, phân loại đối tượng cần truyền thông, phương thức truyền thông giữa các bộ, các đối tác và các cơ quan của Chính phủ.
Đặc biệt, đối với kịch bản thứ ba “Lây lan trong cộng đồng/Đại dịch”, số lượng câu hỏi thảo luận được đưa ra nhiều hơn, với những nội dung chi tiết, ở mức ưu tiên cao hơn, trong đó chú trọng cách thức huy động nhiều nguồn lực khác nhau như bệnh viện, nhân viên y tế, vật tư y tế thiết yếu... nhằm đáp ứng nhu cầu đối phó với đại dịch; tìm biện pháp can thiệp cộng đồng cần được thực hiện; tiếp tục truyền thông về nguy cơ, đồng thời thực hiện giải pháp nhằm giải tỏa lo lắng cho cộng đồng cũng như những xung đột có thể xảy ra trong lúc diễn ra đại dịch.
Tại cuộc Diễn tập, các đại biểu cũng quan tâm thảo luận về mức độ nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các tổ chức Quân y của các nước thành viên ASEAN; nguy cơ dẫn đến quá tải hệ thống y tế của các thành viên ASEAN; thảo luận kế hoạch hành động của các quốc gia, phân tích lỗ hổng trong các kế hoạch hành động...