Nghệ thuật trong thành phố: Thẩm mỹ và thảm họa
by Nhà báo Hồ Viết ThịnhANTD.VN - Người dân Hà Nội, đặc biệt là những người có thói quen sinh hoạt gắn với Công viên Thống nhất vừa được chứng kiến một màn thay đổi bất ngờ từ những bức tượng trong công viên.
Theo đó, lãnh đạo của đơn vị này đã cho nhân viên tô sơn cho những bức tượng vốn có màu trắng bền bỉ qua bao nhiêu năm tháng. Việc tô màu cho tượng được giao cho những công nhân của công viên - những người mà chắc chắn rằng “chưa được học qua trường lớp nào về mỹ thuật, đặc biệt là chuyên ngành tô tượng”.
Bởi vậy, công việc đẫm đầy tính thẩm mỹ đã được họ thực hiện như việc tô tượng của các cháu thiếu nhi. Rất đơn giản, tóc thì tô màu đen, môi màu đỏ, quần áo có thể linh hoạt xanh hoặc đỏ tùy sở thích của người tô.
Lý giải của lãnh đạo công viên cũng rất đơn giản: Đó là cách thay đổi diện mạo của công viên sau dịch Covid-19… và nếu dư luận phải đối dữ dội quá thì đơn vị sẵn sàng sửa sai.
Và đơn vị này vừa mới sửa sai bằng cách đem sơn trắng sơn đè lên màu sơn công nghiệp sặc sỡ vừa sơn trước đó. Việc sửa sai này đem đến cho các bức tượng với gần 60 năm tuổi một màu trắng nham nhở mới, trông cũng rất… bực mình. Nhưng thôi, dù sao thì trông nó đỡ xanh - đỏ - tím - vàng đến phát bực như mấy hôm trước đây.
“Thẩm mỹ ở đô thị cho các đô thị ở nước ta. Thẩm mỹ ở phố nhiều khi không chỉ do người tạo ra tác phẩm, là bởi tác phẩm nghệ thuật không chỉ đẹp bởi hình thức, sâu sắc ở nội dung mà còn phải hài hòa với bối cảnh xung quanh”.
Nhà báo Hồ Viết Thịnh
Câu chuyện tô màu cho tượng của Công viên Thống Nhất chỉ là việc nhỏ, nhìn rộng ra còn có một câu chuyện lớn hơn: “Thẩm mỹ ở đô thị cho các đô thị ở nước ta”. Thẩm mỹ ở phố nhiều khi không chỉ do người tạo ra tác phẩm, là bởi tác phẩm nghệ thuật không chỉ đẹp bởi hình thức, sâu sắc ở nội dung mà còn phải hài hòa với bối cảnh xung quanh.
Người viết từng phỏng vấn các chuyên gia liên quan đến đề tài tượng đài ở phố của Hà Nội. Điêu khắc gia Nguyễn Phú Cường đã liệt kê cho tác giả một số điển hình về tượng ở Thủ đô: Tượng đài công nhân ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội trên phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cũng được cho là chưa phát huy hết giá trị khi bị đặt trong một không gian rất khuất. Trong khi đó, cùng một mô hình tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh nhưng có hai tượng đài được đặt gần nhau (ở đền Bà Kiệu gần bờ hồ Hoàn Kiếm và ở Vườn hoa Hàng Đậu)…
Hà Nội và nhiều đô thị ở nước ta thời gian này còn có rất nhiều “nghệ sĩ nhân dân”. Tức là những người sống trong cộng đồng dân cư, có tiềm tàng một năng khiếu hội họa (dù chưa được công nhận). Bằng khả năng vốn có của mình và mong muốn cải thiện môi trường sống xung quanh, họ quét vôi, bôi sơn các bức tường và vẽ, viết lên đó rất nhiều hình ảnh kèm câu chữ.
Thú thật, cũng có những bức tường đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao, cải thiện được không gian xung quanh, đặc biệt làm cho những người có thói quen vứt rác ra đường chùn tay trước trang trí. Tuy nhiên, cũng có không ít bức tường chằng chịt những nét vẽ nghệch ngoạc, thiếu và yếu cả thẩm mỹ lẫn thông điệp.
Mà tường trong những ngõ phố như thế cũng chẳng cần phải xin phép đơn vị quản lý Nhà nước nào. Đơn giản “mình thích thì mình vẽ thôi”. Nếu đạt được hiệu quả thẩm mỹ cao thì được khen ngợi ở chất lượng, nếu chưa đạt về thẩm mỹ lắm thì được khen về sự nhiệt tình và ý tưởng.
Hà Nội cũng từng chứng kiến không ít lần mà trang trí phố lại trở thành những thảm họa ở phố. Vẫn trung thành với kiểu đèn led nhấp nháy nhiều màu sắc, hình tượng vẫn phổ biến là các loại hoa. Đơn giản thì hoa hồng, hoa huệ, phức tạp hơn thì hoa loa kèn và hoa gì đó rất khó nhận ra hoa gì.
Sau những lần bị dư luận phản ứng dữ quá, thì lại dẹp đi làm lại. Và còn rất nhiều những vấn đề khác mà Hà Nội thỉnh thoảng vẫn có những công trình nghệ thuật thiếu tính nghệ thuật hiên ngang được dựng lên và tuổi thọ vẫn tùy vào dư luận.
Dư luận dĩ nhiên cũng chưa chắc là chân lý. Nhưng dư luận chính là sự cảm thụ của công chúng, mà nghệ thuật công cộng, các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời thì đối tượng hưởng thụ đương nhiên phải là công chúng.
Cái đẹp thì còn ở mắt người nhìn, thế cho nên xưa nay, người ta chỉ phân định được đúng - sai, chứ mấy ai phân định rạch ròi đẹp - xấu. Như việc tô màu cho tượng ở Công viên Thống Nhất, có người dân nhìn vào lại nói rằng vui mắt, các chuyên gia về mỹ thuật và hội họa phẫn uất đánh giá là thảm họa.
Nhưng việc tô màu cho tượng và nhiều việc khác vẫn được coi là những hành động tự phát. Trong khi sự tự phát đó lại được giao cho những người không chuyên nghiệp. Nhìn xa ra, trước đây, chính quyền Hàn Quốc từng đã khởi xướng sự kiện “Nghệ thuật trong thành phố” (Art in city) - một dự án mỹ thuật công cộng với mục tiêu làm thay đổi diện mạo những đô thị cũ của Hàn Quốc, đem lại nguồn sinh khí mới cho những con người đang sống trong xã hội hiện tại.
Còn Hà Nội và nhiều đô thị ở nước ta có vẻ như đang thiếu những “nghệ thuật trong thành phố”.