Sai phạm rành rành sao chưa cưỡng chế?
by Đ.HuânVụ việc xây tường bịt lối đi chung, chính quyền yêu cầu tự tháo dỡ không được, ra quyết định cưỡng chế cũng không xong, 2 bức tường vẫn án ngữ con ngõ dẫn vào nhà bà cụ 78 tuổi, khiến bạn đọc rất bức xúc.
Như Thanh Niên thông tin, liên quan đến việc cụ Đàm Thị Quế (78 tuổi, trú xã Trung Hòa, H.Chương Mỹ, Hà Nội) bị hàng xóm xây tường bịt lối đi, “nhốt” trong nhà, ngày 26.5, bà Trịnh Thị Hoan (46 tuổi, con gái cụ Quế) cho biết chính quyền vẫn chưa tiến hành cưỡng chế 2 bức tường gạch, cây trồng... mà gia đình ông Trịnh Huy Hà (64 tuổi, sống đối diện nhà cụ Quế) xây và trồng để chiếm ngõ đi chung, dù đã quá hạn tự khắc phục hơn nửa tháng nay.
Lý giải vì sao chưa cưỡng chế, ông Trần Trọng Luyện, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa, cho hay: “Phải làm từng bước, từng khâu”.
Cụ thể, trong ngày 26.5, UBND H.Chương Mỹ họp bàn và dự kiến sẽ cưỡng chế sai phạm của gia đình ông Hà vào ngày 10.6 tới. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện mới chỉ duyệt kế hoạch của xã Trung Hòa trình lên, chứ chưa ký hoặc có một văn bản, quyết định nào ấn định ngày cưỡng chế.
“Chắc ngày 28.5 sẽ có văn bản quyết định từ huyện. Có quyết định rồi lại phải thông báo cho gia đình ông Hà tự giải tỏa để tránh thiệt hại, giải tỏa hay không là việc của ông Hà, 10.6 tới sẽ cưỡng chế”, ông Luyện cho hay. Theo ông Luyện, lực lượng cưỡng chế sắp tới gồm 65 người, trong đó có 24 cán bộ của huyện, 41 cán bộ của xã; những máy móc, phương tiện phục vụ cưỡng chế sẽ được thuê, chi phí do gia đình ông Hà chi trả.
Quá yếu kém
Vụ việc khiến bạn đọc (BĐ) bức xúc, nhiều người cho rằng một bức tường sai phép mà mất mấy tháng trời từ xã tới huyện không xử lý được, chẳng lẽ chờ tỉnh, trung ương giải quyết hay sao? "Báo chí, dư luận xã hội lên án mà ông hàng xóm, chính quyền xã, huyện vẫn lì ra. Quả thật là hết thuốc chữa rồi. Chắc là phải đợi đến ông quan tỉnh ra tay quá", BĐ Hoang Lam bức xúc.
"Sao lại có hành vi vi phạm pháp luật, xem thường chính quyền địa phương mà để kéo dài lâu vậy?", BĐ Đ.X Sơn thắc mắc.
"Chuyện cứ như đùa vậy, vai trò của chính quyền ở đâu, luật pháp ở đâu mà đến khi báo chí phản ánh rồi thì mới làm và làm thì lại kiểu chần chừ, ỡm ờ như thế này?", BĐ Mai Tuan ý kiến.
BĐ Xuân Đức thì ngán ngẩm: "Vụ việc sai phạm rõ ràng, gây bức xúc dư luận đã lâu trong khi chính quyền xử lý thì chậm chạp, chẳng biết nên nói như thế nào nữa".
Trong khi đó, BĐ Long Vuong thẳng thắn: "Mấy ông ở xã cảm thấy không làm được thì từ chức đi, có mỗi chuyện cưỡng chế mà làm không được thì còn làm được việc gì lớn cho đất nước, cho nhân dân".
Nên xem xét trách nhiệm địa phương
BĐ cho rằng chính quyền địa phương quá yếu kém, một việc nhỏ mà mấy tháng trời xử lý không xong làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhiều BĐ thẳng thắn đề nghị xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương đã để một sự việc vi phạm pháp luật kéo dài. "Tôi đề nghị thay lãnh đạo xã và kiểm điểm cán bộ huyện có trách nhiệm, vụ việc cỏn con đã rõ mười mươi như thế mà không xử lý được thì còn gì kỷ cương phép nước", BĐ Dan Nguyen đề nghị.
Cùng quan điểm, BĐ tên Quẩn ý kiến: "Thời gian để sự việc sai trái như thế này kéo dài, cần xem lại trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương".
"Không có báo chí thì không biết còn khôi hài tới cỡ nào nữa. Phẫn nộ với cách xử lý chậm chạp cồng kềnh mà thiếu hiệu quả của chính quyền", BĐ Dang Hanh ý kiến.
Sự việc đã rành rành mà cứ đẩy đưa hoài, thấy nản luôn. Lê Minh Hỏi sao người dân không bức xúc, chỉ mỗi việc như thế mà cả xã, cả huyện đều làm ì ạch không ra gì cả. Ngọc Phương Một biểu hiện yếu kém về hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. A.Nguyen |