Báo động đỏ nạn xâm hại trẻ em
(PL)- Các đại biểu Quốc hội cho rằng hơn 8.400 vụ việc với 8.709 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý trong năm năm qua mới chỉ là tảng băng nổi, bởi vẫn còn nhiều vụ việc bị chìm xuồng.
Ngày 27-5, Quốc hội (QH) đã dành cả ngày làm việc để thảo luận về báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Còn bao nhiêu trẻ kêu cứu trong tuyệt vọng?
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga, Phó Trưởng đoàn giám sát, cho biết chỉ trong vòng năm năm (từ đầu năm 2015 đến tháng 6-2019), có 8.442 vụ với 8.709 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý.
Báo cáo giám sát cho thấy các vụ việc xâm hại trẻ ngày càng gia tăng, đặc biệt là các vụ xâm hại tình dục. Trung bình mỗi ngày có bảy trẻ em bị xâm hại tình dục, một năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1.286 trẻ em bị xâm hại và có 84 trẻ em bị mang thai. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội là hai trong 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trong cả nước.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhận định hầu hết các vụ án đều cho thấy tính chất khá phức tạp trong vụ việc xâm hại trẻ em. “Các em dù cố gắng chống lại, cầu cứu, tố cáo nhưng đâu đó vẫn thiếu vắng một cơ chế bảo vệ hiệu quả. Điều này khiến cho chúng ta không khỏi hồ nghi liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà không được hồi đáp, liệu còn bao nhiêu kẻ tàn ác lại tiếp tục phạm tội bởi pháp luật chưa đủ sức xử lý và răn đe” - ĐB Phương đặt câu hỏi.
Số liệu trẻ xâm hại: Chỉ là phần nổi của tảng băng
ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nói các số liệu trên mới chỉ là bề nổi, “dễ làm nhầm tưởng rằng tổng số vụ xâm hại trẻ em là chỉ có như vậy”. “Thực chất số vụ trẻ em bị xâm hại đã phát hiện sẽ bao gồm 8.709 trẻ em bị xâm hại trong các vụ việc đã bị xử lý hình sự và hành chính. Cộng với 156.932 trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và 13.489 trẻ em tảo hôn thì tổng số trẻ em bị xâm hại sẽ là 179.130, tương đương với 0,72% tổng số trẻ em trên toàn quốc” - ĐB Hiển nói.
Ông Hiển nói nếu tính cả số 790.518 trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật cũng là trẻ em bị xâm hại thì tổng số sẽ là 969.648 trẻ, tương đương với 3,91% tổng số trẻ em trên toàn quốc. Đó là chưa tính trẻ em bị nhận các hành vi xâm hại khác như kỳ thị, phân biệt đối xử… do chưa thu thập được số liệu thống kê. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Chính phủ thì số trẻ em có nguy cơ bị xâm hại đã thống kê được cũng rất lớn, trong đó trẻ em khuyết tật là 671.659 em, trẻ em tự kỷ là 240.000 em, trẻ không sống trong môi trường gia đình là 33.000 em, trẻ có cha mẹ ly hôn là 69.000 em.
“Như vậy, tổng số trẻ em có nguy cơ bị xâm hại là hơn 1 triệu em, bằng 4,09% tổng số trẻ em toàn quốc. Nếu tính tổng số trẻ em bị xâm hại và có nguy cơ bị xâm hại là 1.983.307 em, tương đương với 8% tổng số trẻ em trên toàn quốc. Đây là con số rất đáng kể và rất đáng báo động…” - ĐB Hiển nhấn mạnh.
Nỗ lực hành động vì trẻ em
Giải trình trước QH về báo cáo giám sát xâm hại trẻ em, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, các khuyến cáo của đoàn giám sát. Chính phủ sẽ thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của QH về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, để trẻ em Việt Nam được sống và trưởng thành trong một môi trường, điều kiện tốt nhất.
Ông Đam cho biết hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các đề nghị đã được đoàn giám sát, các ĐBQH nêu ra, đặc biệt là việc chuẩn bị Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030 với sáu nội dung trọng điểm. Trong đó, Chính phủ sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về trẻ em, đầu tư nguồn lực, tăng cường sự phối hợp của các cấp chính quyền, xã hội để hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em, điều tra, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại trẻ…
Gia đình, trường học cần quan tâm hơn nữa…
Tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra ngày càng nhiều, diễn biến rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Để ngăn chặn tình trạng này, trước hết phía cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái. Đơn cử như khi cha mẹ bận công việc thường thảy cái smartphone hoặc iPad cho con chơi. Khi trẻ tiếp cận sớm với điện thoại thông minh, cha mẹ cũng không kiểm soát được con lên mạng làm gì. Từ đó trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi các hình ảnh xấu. Do đó, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, dạy con cách hành xử cũng hạn chế việc trẻ bị xâm hại.
Về phía nhà trường, trong môn giáo dục công dân cũng có những nội dung về giáo dục giới tính nhưng tôi cho rằng nội dung này còn mang tính lý thuyết nhiều. Cần phải dạy trẻ thực tế hơn, chẳng hạn như có những buổi để những người có kiến thức, hiểu biết về mặt xã hội, về tâm sinh lý, về giáo dục giới tính để trò chuyện với học sinh. Ở những buổi này, cần nêu ra những vụ việc trẻ bị dụ dỗ, bị xâm hại tình dục trên thực tế để học sinh nhận diện dấu hiệu phòng tránh…
Quy định pháp luật (luật hình sự và các luật liên quan) cũng đã có đủ chế tài để xử lý nhưng vấn đề ở đây là phải làm thật nghiêm và kịp thời. Khi trẻ bị xâm hại, việc giám định phải nhanh chóng, không để kéo dài, bởi kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc điều tra, truy tố, xử lý đối với những đối tượng vi phạm…
Đại biểu PHAN THỊ BÌNH THUẬN (Đoàn TP.HCM)
Tá Lâm ghi
Gameshow lạm dụng, gián tiếp xâm hại trẻ
Tại phiên thảo luận của QH ngày 27-5, các ĐB đã chỉ ra môi trường trẻ em bị xâm hại ngày càng biến đổi phức tạp hơn, đặc biệt trong môi trường mạng, hay được khoác lên mình lớp vỏ bọc văn hóa.
“Khi cậu bé mới bốn tuổi òa khóc vì không đạt giải nhất trong một gameshow thì có người xem nào đặt câu hỏi liệu ở đây, ai đã có hành vi xâm hại trẻ em? Không ai muốn con mình phải khóc nhưng đã có chuyện đứa trẻ vừa lên bốn phải bật khóc nức nở trên sóng truyền hình vì thua người khác và clip đó tồn tại với thời gian dài, được hàng triệu người xem. Đó có phải là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em?” - ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đặt câu hỏi.
Ông Nhân cho hay hiện có nhiều chương trình trên truyền hình đã vì lợi nhuậnmà bất chấp những điều phi giá trị, để những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ học cách sống cạnh tranh hơn thua rất không ổn.
“Đã có nghiên cứu nào đong đếm những tổn hại mà các em phải gánh chịu so với những gì mà các em và gia đình nhận được sau mỗi chương trình? Các kịch bản gameshow đều hướng đến sự cạnh tranh khốc liệt với những chiêu trò nhằm thu hút người xem, mà ở đó trẻ em không khác gì những con rối trong tay các nhà sản xuất” - ông Nhân nói. Ông cũng cho biết nhiều nước trên thế giới đã cấm các chương trình thực tế có trẻ em để bảo vệ trẻ. ĐB Nhân đề nghị đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau hành động để trả lại môi trường an lành và đẹp đẽ cho trẻ em.
Các ĐB cũng bày tỏ lo ngại với vấn nạn trẻ em bị xâm hại trên môi trường Internet. ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cho hay có đến 1/3 trong số hơn 60 triệu tài khoản người dùng mạng xã hội tại Việt Nam có độ tuổi từ 15 đến 24. Và thực tế cho thấy nhiều trẻ em bị xâm hại, tác động tiêu cực trên môi trường mạng Internet. Bộ Công an cho biết ba năm vừa qua đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
T.PHÚ - Đ.MINH