Chống dịch Covid-19: Nhân viên y tế tăng 3,65 giờ làm việc mỗi ngày
Khảo sát mới nhất của Công đoàn Y tế Việt Nam trong thời gian chống dịch Covid-19 cho thấy số giờ làm việc của nhiều cán bộ y tế gia tăng đáng kể, trung bình 3,65 giờ/ngày.
>>Cuộc chiến của lực lượng điều dưỡng trên mặt trận chống dịch ác liệt nhất
>>Chuyện nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 qua lời kể của nữ điều dưỡng trẻ
Thông tin được PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo truyền thông năm quốc tế về điều dưỡng-hộ sinh diễn ra tại Hà Nội chiều 27/5.
PGS Bình cho biết tỷ lệ bác sĩ/điều dưỡng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 1/4 trong khi tại nước ta hiện mới chỉ là 1 bác sĩ/1,4 điều dưỡng. Tình trạng thiếu điều dưỡng khiến họ phải làm thêm giờ. Trong khi đó, thời gian làm việc dài ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sự an toàn và sự cân bằng cuộc sống-công việc của người lao động.
Đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra, nhiều cán bộ y tế đã phải làm thêm giờ. Khảo sát mới nhất của Công đoàn Y tế Việt Nam đối với 70 công đoàn cơ sở trực thuộc trong thời gian chống dịch Covid-19 cho thấy số giờ làm việc gia tăng đáng kể (trung bình 3,65 giờ/ngày).
Theo PGS Bình, ngay trong giai đoạn chưa xảy ra dịch Covid-19, môi trường làm việc của các cán bộ y tế nói chung và của điều dưỡng, nữ hộ sinh nói riêng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy hại đến sức khỏe.
Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách (năm 2019) cũng cho thấy 87% cán bộ y tế cho rằng công việc luôn đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao, áp lực công việc nặng nề, căng thẳng hơn rất nhiều so với các ngành khác; môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp và phơi nhiễm bệnh tật; thời điểm làm việc thường xuyên trái với quy luật sinh học (trực đêm)…
Ths Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cũng cho biết với số lượng điều dưỡng ít như hiện nay, chúng ta khó có thể triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện. Điều dưỡng-hộ sinh ở các khoa trọng điểm như hồi sức cấp cứu, cấp cứu, sơ sinh phải trực ca-kíp kéo dài 24/24h và tình trạng ca chồng ca còn khá phổ biến tại nhiều bệnh viện.
“Đại dịch Covid-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn và thuyết phục hơn về sự đóng góp của điều dưỡng-hộ sinh, với vai trò là những chiến sĩ tuyến đầu. Họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, phối hợp với các thầy thuốc, thực hiện hàng loạt các hoạt động y tế như: sàng lọc người bệnh, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa về tinh thần cho người bệnh Covid-19”, Ths Mục nhấn mạnh.
Tuy nhiên, gần một nửa số điều dưỡng viên mới có thời gian đào tạo nghề 2 năm, chưa đạt chuẩn ASEAN mà Việt Nam tham gia. Do đó, cần thực hiện lộ trình cao đẳng hóa nhân lực điều dưỡng, phấn đấu đến 2025 điều dưỡng viên đạt trình độ tối thiểu cao đẳng theo khuyến cáo của WHO.
Báo cáo về Điều dưỡng thế giới 2020 cho thấy rằng Việt Nam cần phải tạo thêm nhiều việc phù hợp cho điều dưỡng. Tỷ lệ trung bình điều dưỡng trên một vạn dân của Việt Nam là 11,4. Tỷ lệ này chưa bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu.
Báo cáo cũng cho thấy rằng Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng bởi vì có nhiều khả năng đến năm 2030 nguồn nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam sẽ thiếu khoảng 40,000 đến 50,000 người. Chất lượng của điều dưỡng, bao gồm cả đào tạo và phân bổ điều dưỡng trong cả nước cũng sẽ gặp thách thức.
TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, WHO đang kêu gọi các nước tăng cường đầu tư vào đào tạo cho điều dưỡng và hộ sinh để tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt cho điều dưỡng và hộ sinh.
Nam Phương