Biển Đông: Căng thẳng nhưng khó xảy ra chiến tranh
(PL)- Trung Quốc tiếp tục chọn lựa thời điểm để đẩy mạnh tham vọng độc chiếm Biển Đông, trong khi cộng đồng quốc tế ngày càng phản ứng quyết liệt hơn.
Sáng 27-5, phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến chủ đề “An ninh khu vực và Biển Đông trong giai đoạn COVID-19” với sự tham dự của Giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc (TQ) tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - bà Bonnie Glaser.
Từ những động thái trước mắt
Bà Glaser cho rằng COVID-19 không phải là một bước ngoặt đánh dấu sự gia tăng đáng kể cách hành xử hung hăng của TQ. Thay vào đó, thực chất những gì đang diễn ra trên thực địa thời gian qua đã được lên kế hoạch từ rất lâu và Bắc Kinh chỉ đơn giản là lợi dụng tình hình rối loạn hiện tại để “thừa nước đục thả câu”.
Theo đó, TQ tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa các thực thể tại đây. Có ba tiền đồn quan trọng ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), bao gồm đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn, đã bị TQ chiếm, cải tạo, quân sự hóa và tận dụng để tiến hành các hoạt động quấy phá, đe dọa, bắt nạt các nước. “TQ cho các đội tàu quân sự, dân quân biển tiến hành quấy phá các quốc gia khác, sau đó sử dụng ba tiền đồn quan trọng này để làm cơ sở tiếp tế. Các đội tàu không cần quay về Hải Nam như trước đây” - chuyên gia Glaser nhấn mạnh.
Đáng lo ngại hơn, TQ chuyển tầm ngắm vào các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp ngoài khu vực có ý định khai thác, thăm dò dầu khí ở Biển Đông, đặc biệt trong khu vực mà TQ có yêu sách đường lưỡi bò. Gần đây nhất, tàu Hải Dương địa chất 8 cùng một nhóm tàu hải cảnh TQ hồi tháng 4-2020 đã xuất hiện và gây rối tàu thăm dò West Capella của Tập đoàn dầu khí Petronas (Malaysia) khi tàu này đang hoạt động hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Đến tham vọng dài hạn
Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 10-2017 trong kỳ Đại hội 19 Đảng Cộng sản TQ đã đề ra một loạt mục tiêu và định hướng mà nước này cần phải đạt được trước năm 2035 và 2049 nếu muốn “hóa rồng” và trở thành cường quốc.
Ở cấp độ khu vực, theo chuyên gia Glaser, Bắc Kinh phải tìm mọi cách giảm được ảnh hưởng và hiện diện của Mỹ, đồng thời tăng cường cưỡng ép và hăm dọa để bắt ép các nước láng giềng phải chấp thuận các yêu sách chủ quyền có lợi của TQ. Tiếp theo, Bắc Kinh sẽ tiến hành mở rộng khả năng kiểm soát vượt ra khỏi Biển Đông, vươn tới cả chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai ở Tây Thái Bình Dương. Chuỗi đảo thứ nhất bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, quần đảo Philippines và quần đảo Sunda lớn. Chuỗi đảo thứ hai bao gồm quần đảo Mariana, Guam và Palau.
TQ đang kỳ vọng không chỉ kiểm soát được các bãi cạn, bãi đá mà còn chiếm cả ngư trường và các lô dầu khí bên dưới lòng biển. Bên cạnh đó, TQ cũng có khả năng kiểm soát các hoạt động đi lại trên biển và có thể ra lệnh hạn chế, ngăn cấm tàu của một quốc gia cụ thể nào đó nếu muốn. “Điều này không chỉ xói mòn nghiêm trọng tới trật tự dựa trên luật pháp do Mỹ cùng các đồng minh, đối tác khu vực xây dựng, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của các nước xung quanh” - bà Glasser nói.
Ở cấp độ toàn cầu, TQ muốn đảo ngược điều mà nước này gọi là “những khía cạnh thiếu công bằng của trật tự thế giới” khi đối xử với nước này. Sau đó TQ sẽ sử dụng nguồn lực của mình để tái định hình trật tự hiện tại thành một trật tự mới thuận lợi và chịu đón nhận các giá trị TQ hơn. Việc lan tỏa mô hình quản trị TQ thay thế cho mô hình quản trị phương Tây cũng là một ưu tiên được nêu ra.
Khó có khả năng chiến tranh
Dù từng bước lấn chiếm Biển Đông nhưng TQ duy trì hành động ở vùng xám. Theo đó, các bước leo thang của TQ luôn đảm bảo các nước phản ứng, trong đó có Mỹ, dưới mức độ chiến tranh. “Điều đáng nói là những hành vi TQ đang thực hiện ở Biển Đông đều dưới ngưỡng phát động chiến tranh nên cả ASEAN lẫn Mỹ đều không thể phản ứng lại quá mạnh tay” - chuyên gia Glaser nhận định.
Tuần trước, thông tin từ Lầu Năm Góc cho biết giữa Mỹ và TQ đã xảy ra ít nhất chín vụ va chạm mà Washington đánh giá là đáng quan ngại ở Biển Đông. Các vụ va chạm diễn ra từ tháng 3-2020, có liên quan tới các máy bay chiến đấu của hai cường quốc hàng đầu thế giới trên các vùng trời Biển Đông. Washington cáo buộc Bắc Kinh hành xử đầy mạo hiểm và leo thang căng thẳng.
Phía Mỹ cũng nhiều lần cảnh báo tàu chiến của TQ hoạt động một cách không an toàn và không chuyên nghiệp khi đối đầu tàu Mỹ ở Biển Đông. Tuy nhiên, khả năng xảy ra xung đột giữa hai nước vẫn rất thấp. Phía Mỹ không ngại đánh tiếng với TQ rằng nếu Bắc Kinh vượt “lằn ranh đỏ” thì họ phải trả giá. Tuy nhiên, chuyên gia Glaser cho rằng đó chỉ là tình huống bất khả kháng bởi phía Mỹ có chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán.
Trong khi đó, TQ cũng không muốn chiến tranh với Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay và tới đây, nếu chiến tranh xảy ra thì TQ không thể nào đạt được các mục tiêu về an ninh, kinh tế trong trung và dài hạn mà chính quyền Tập Cận Bình đã đặt ra. Ngoài ra, phía TQ cũng chưa đánh giá được Mỹ đã chuẩn bị tới đâu và sẵn sàng tới đâu trong việc chiến tranh với TQ.
Bà Glaser kết luận: Mức độ sẵn sàng chiến tranh của Mỹ và phản ứng của Washington phụ thuộc vào hành xử của TQ. Trong những tình huống khẩn cấp cụ thể, Mỹ sẽ có hành xử tương ứng. Vậy nhưng, suy cho cùng Mỹ (và cả TQ) đều không muốn “kết thúc mọi chuyện bằng chiến tranh”.
Khi TQ thấy cơ hội và có cơ hội thì họ sẽ thúc đẩy để đạt được lợi ích của họ, còn nếu tình hình không thuận lợi thì họ sẽ ngừng lại. COVID-19 là dịp để nước này củng cố những thành quả đã đạt được lâu nay như việc bồi đắp, quân sự hóa trái phép các đảo và thực thể mà TQ đang chiếm đóng ở Biển Đông.
Chuyên gia BONNIE GLASER,
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS)
Ứng phó Trung Quốc thế nào?
Ở bình diện khu vực, sự thống nhất ý chí chống TQ bành trướng Biển Đông là rất có ý nghĩa. Năm 2016, Philippines thắng lớn sau phán quyết của Tòa Trọng tài về “quyền lịch sử” phi pháp mà TQ dùng giải thích đường lưỡi bò.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống đương nhiệm Duterte lại “lờ phán quyết” để đổi lấy các quan hệ làm ăn với Bắc Kinh. “Từ năm 2016, các quốc gia cố gắng buộc TQ phải thực thi phán quyết của tòa. Đây là một điều quan trọng đối với các quốc gia và đặc biệt là Philippines. Làm sao buộc TQ thực thi là một câu hỏi lớn với chính quyền Duterte. Quan điểm (hòa hoãn) của Philippines đang làm khó cộng đồng quốc tế” - chuyên gia Glaser nhận định.
Bà Glaser cũng cảnh báo TQ đang muốn đàm phán Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) theo hướng có lợi cho họ. Vì vậy ASEAN phải quyết tâm không để TQ chi phối, từ đó tránh đối mặt nguy hiểm. Hiện TQ đàm phán COC với từng nước ASEAN, chứ không phải với một chủ thể là tổ chức quốc tế. Các chuyên gia cho rằng TQ có ý đồ ảnh hưởng nội dung COC. Thứ nhất, loại quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) ra khỏi phạm vi COC. Thứ hai, không tham chiếu các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Thứ ba, không muốn các quốc gia bên ngoài (như Mỹ) tham gia, điển hình là tập trận hay tuần tra chung.
“Thà không có COC, chứ tuyệt đối không thể chấp nhận một bộ quy tắc mà chỉ phục vụ cho lợi ích của TQ” - chuyên gia Glaser nói. Giới nghiên cứu tin rằng phần đông các thành viên ASEAN và các nước nói chung đều chia sẻ các quan điểm về thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải cũng như hành xử có trách nhiệm khi nói về Biển Đông.
Phần Mỹ, bà Glaser cho rằng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) và tập trận là rất quan trọng nhưng chưa đủ. Rõ ràng, Mỹ đã tăng cường số lượng và chất lượng hiện diện quân sự tại Biển Đông. Tuy nhiên, TQ vẫn chưa bị “ghè chân”. Vì vậy, ngoài Mỹ cần có thêm các quốc gia khác như Pháp, Anh... tham gia các hoạt động ở Biển Đông để thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của TQ. Sự hiện diện càng đông thì cái giá mà TQ phải trả cho hành xử hung hăng là càng lớn, khi đó Bắc Kinh sẽ phải thận trọng hơn.
Việt Nam nên ứng xử ra sao?
Việt Nam có chính sách không liên minh với nước này để chống nước khác. Theo bà Glaser, điều này cũng tương tự nhiều nước khác, điển hình là Ấn Độ. Tuy nhiên, việc hợp tác với Mỹ không nhất thiết phải theo một hình thức liên minh. Việt Nam có nhiều không gian để phối hợp với Washington, như tuần tra chung, tập trận hay tổ chức tập luyện cứu trợ nhân đạo...
Điều quan trọng là Việt Nam cần chuyển đến TQ một thông điệp rõ ràng rằng Việt Nam có khả năng và có nhiều không gian để kết hợp với nhiều quốc gia khác (chứ không chỉ Mỹ) để thúc đẩy các giá trị chung của thế giới như thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, đảm bảo chủ quyền và các quyền ở các vùng biển được quy định trong UNCLOS. Với vai trò chủ tịch ASEAN, dù bị dịch COVID-19 ảnh hưởng nhưng Việt Nam cũng đang nối lại các chương trình đối thoại giữa các nước. Qua đó, Việt Nam có thể thúc đẩy các mục tiêu chính đáng ở Biển Đông.