Các đơn vị lý giải nguyên nhân thiếu hàng xăng, dầu

by

(HNMO) - Ngày 27-5, thông tin về việc cửa hàng treo biển thông báo hết xăng, đại diện cây xăng trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) cho biết, do hết hàng từ chiều tối 25-5 và đến giờ vẫn chưa thể nhập thêm, nên cửa hàng hiện chỉ còn ít dầu trong bể. Tình hình khó nhập xăng, dầu diễn ra từ giữa tháng 5 khi doanh nghiệp liên tục nhận thông báo từ đơn vị phân phối sẽ giới hạn lượng cấp hàng trong ngày.

http://hanoimoi.com.vn/Uploads/images/phananh/2020/05/27/xangdau.jpg

Tương tự, cửa hàng xăng dầu La Khê của Công ty TNHH Xăng dầu Xuân Thắng cũng báo cáo hết hàng từ 14h ngày 25-5.

Trả lời phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hơn một tuần nay đã nhận được báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố về tình trạng thiếu hụt nguồn hàng.

Ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Tự lực I phản ánh, tình trạng nhiều cửa hàng, đại lý xăng dầu khó đặt mua hàng từ các thương nhân phân phối, đầu mối kinh doanh xăng dầu diễn ra khoảng một tuần nay. Trước đây, chỉ cần đặt hàng hôm trước là hôm sau có xe bồn chở tới tận nơi, hoặc thậm chí sau cuộc điện thoại là có hàng về. Giờ phải đặt hàng trước vài ngày, lượng mua cũng nhỏ giọt.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xăng dầu HFC Nguyễn Trọng Hậu cũng thông tin, hiện tại nguồn cung ứng mặt hàng xăng dầu đang rất hạn chế, đặc biệt là mặt hàng dầu Diesel DO 0,05S và xăng Ron 95. Hiện nay, chỉ có Petrolimex có nguồn hàng hạn chế, còn các đầu mối khác như PVOIL, Hải Linh, Hải Hà... đều không còn hàng.

Cùng với đó, từ đầu tháng 5-2020 đến nay, giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh dẫn đến giá trong nước được điều chỉnh giảm theo. Tuy nhiên, sau chu kỳ thay đổi giá ngày 13-5, giá dầu thô trên thế giới bắt đầu tăng liên tục, trong khi giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước được điều chỉnh thay đổi không đáng kể, thậm chí giá dầu còn giảm 90 đồng/lít. Chiết khấu bình quân ngày 27-5 đã xuống mức dưới 100 đồng/lít.

Bên cạnh một số cây xăng thông báo hết hàng, nhiều cây xăng khác trên các phố: Võ Thị Sáu, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), Thái Thịnh (quận Đống Đa), Mạc Thái Tổ (quận Cầu Giấy)... vẫn hoạt động bình thường.

Trước hiện tượng một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh tình trạng phải giảm lượng hàng bán ra, thậm chí phải đóng cửa cây xăng vì không mua được hàng từ các nhà cung cấp, ngày 27-5, ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết, các đại lý, cây xăng thường không nhập hàng từ một đầu mối, mà nhập từ nhiều nguồn khác nhau để tối đa hóa lợi nhuận.

Tuy nhiên, hiện nay, khi giá xăng dầu có xu hướng tăng cao, lượng hàng mà đại lý thường mua ngoài không còn, dẫn đến thiếu hụt hàng ở các cây xăng đại lý.

“Khi các đại lý không mua được hàng từ bên ngoài lại quay sang đề nghị đầu mối mà họ đứng tên phải tăng lượng bán nhiều hơn bình thường để bù đắp nên chúng tôi không thể đáp ứng được, vì việc nhập hàng đã có kế hoạch, theo nhu cầu đã đăng ký với đầu mối”, ông Dương lý giải.

Về nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước, cùng ngày, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, trước nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang tăng cao, đơn vị đã tăng công suất để đẩy mạnh xuất bán sản phẩm theo đúng cam kết.

Theo kế hoạch, quý II-2020, BSR sẽ sản xuất hơn 1,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại. Cùng với đó, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cũng sản xuất lượng xăng dầu tương đương trong quý II-2020. Tổng sản lượng 2 nhà máy cao hơn quý I-2020 khoảng 200.000 tấn.

Cũng trong ngày 27-5, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, thời gian qua, tập đoàn đáp ứng đầy đủ nhu cầu trên hệ thống phân phối của Petrolimex và các doanh nghiệp đã ký hợp đồng kinh doanh xăng dầu với tập đoàn, cũng như đơn vị nhượng quyền thương hiệu Petrolimex.

Với địa bàn Hà Nội, do Công ty Xăng dầu khu vực 1 thuộc Petrolimex cung cấp, đơn vị này cũng cam kết cung cấp đầy đủ nguồn hàng đã ký hợp đồng.

Chiều 27-5, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục đã yêu cầu cục quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý hiện tượng "găm hàng” chờ tăng giá làm hạn chế việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; phối hợp với các sở công thương và các cơ quan chức năng giám sát việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ.