Hùng Dũng - từ cậu bé dự bị ở hạng Nhất tới Quả bóng Vàng
by Đỗ Hùng Dũng/ZingNgày ấy, tôi - Hùng Dũng còn chơi cho CLB Hà Nội (ngày nay là CLB Sài Gòn - PV) ở giải hạng Nhất. Chúng tôi tập ở sân ACB cũ nhưng ăn cơm cùng bếp với Hà Nội T&T (nay là CLB Hà Nội). Cùng một bếp nhưng hai đội ăn khác phòng. Hà Nội T&T ăn phòng ngoài còn chúng tôi ngồi phòng trong. Phòng ốc chẳng có gì nên tôi vẫn hay nghe thấy tiếng họ cười nói từ sau bức tường.
Thỉnh thoảng đi ngang cửa, tôi loáng thoáng thấy Văn Quyết, Thành Lương, Dương Hồng Sơn...
Vẫn ngày ấy, tôi hay đi soát vé cùng đội trẻ. Tôi may nên được soát vé ở cổng VIP. Soát xong, tôi cũng chạy thẳng vào ghế VIP ngồi luôn. Khu ấy lúc nào cũng gần ban huấn luyện nhất. Tôi hay cảm thấy mình chỉ nhảy một cái xuống sân là chạm tới họ.
Ngày ấy, đừng nói tới tuyển quốc gia, V.League với tôi vẫn là điều gì đó xa vời.
Lứa 1993 của tôi ở lò đào tạo trẻ Gia Lâm có gần 60 đứa. Bây giờ, chỉ còn 4 người lên được chuyên nghiệp.
Tôi đến với bóng đá năm 11 tuổi. Ở giải thành phố năm 2004, tôi ghi 7 bàn còn đội U11 Gia Lâm lên ngôi vô địch. Một năm sau, thầy Hoàng Giang (HLV đào tạo trẻ ở lò Hà Nội - PV) xin bố mẹ cho tôi lên tập cùng đội U13 Hà Nội. Từ đó, tôi đi đá bóng. Cũng từ đó, tôi biết thế nào là vất vả, khó khăn của nghề.
Suốt thời thơ ấu, tôi cứ lên đội rồi lại về. Đá chán, đội đuổi về, các thầy tới nhà khuyên nhủ, quay lại, rồi lại đá chán, mấy lần như thế liền.
Năm 2007, lò đào tạo tiến hành sàng lọc quân số, tôi là một trong những cái tên bị họ trả về gia đình. Nhìn con trai trải qua thất bại đầu đời, bố mẹ quyết định hướng tôi theo con đường học văn hóa. Khi biết chuyện, thầy Giang lập tức tìm tới nhà. Tôi nhớ nhiều hôm, thầy nói chuyện mấy tiếng liền với bố mẹ, tới tận đêm khuya. Tôi không biết thầy đã khuyên nhủ bố thế nào, đã năn nỉ trung tâm ra sao. Nhưng ít ngày sau, bố đèo tôi trở lại chỗ đội bóng.
Năm 2008, đội U14 Hà Nội có chuyến tập huấn tại Thái Lan nhằm chuẩn bị cho giải quốc gia. Tôi lúc đó đã bước sang tuổi 15, vừa quay lại đội sau một thời gian nghỉ. Gần tới ngày lên đường, đội đủ người mà thầy vẫn chọn tôi. Ngày lên đội, tôi nhìn quanh toàn thấy các em 1994. Tôi và 4 bạn khác của lứa 1993. Tôi biết đó là sự ưu ái thầy dành cho mình.
Chuyến đi Thái Lan năm 2008, U14 Hà Nội giành á quân một giải giao hữu ở Bangkok, chúng tôi được gặp nhiều đội bóng trẻ của Thái, có đội khi ấy tôi chưa từng nghe tên. Cả lũ được nhìn thấy sân bãi, nhà cửa của họ, được mở mang đầu óc. Tôi tiến bộ rất nhanh sau chuyến đi ấy.
Năm 2011, tôi vô địch giải U19 quốc gia với đội trẻ Hà Nội. Chung kết, tôi còn là người ghi bàn duy nhất. Một năm sau, tôi được chuyển lên đội hạng Nhất Hà Nội. Ở đây, tôi một lần nữa được dạy về sự khắc nghiệt của bóng đá.
Các bạn nghe chuyện Duy Mạnh đá V.League năm 19 tuổi, Bùi Tiến Dũng được HLV Toshiya Miura gọi lên tuyển năm 20 tuổi chưa? Đó không phải chuyện của tôi rồi. Ngày các em ấy lên tuyển, tôi vẫn còn đá hạng Nhất. Để tôi nhớ xem, 2015 là năm thứ 4 tôi chơi ở hạng dưới.
4 năm dài lắm.
Năm đầu tiên lên hạng Nhất, tôi gần như không tập với đội. Lúc đội tập thì mình chạy biên (làm trọng tài cho các anh lớn - PV). Lúc đội đi xa thi đấu thì mình phải ở nhà đá phủi. Một năm ấy, đội xem như không có tôi. Còn tôi coi mình như không đá bóng.
Đội trẻ Hà Nội khi ấy mạnh lắm, họ vừa vô địch giải hạng Nhất. Lứa 1992 của Hà Nội đều là những cầu thủ tài năng như Đỗ Văn Thuận, Sầm Ngọc Đức, Nguyễn Văn Công... Họ bây giờ đều đá V.League cả. Năm 2012, họ lẽ ra đã lên chơi V.League. Còn tôi chẳng có gì trong tay. Nhìn đội hình, tôi biết mình không có cửa. Vào sân tập, tôi không tập nổi cùng các anh ấy. Mình vừa nhìn thấy thì họ đã ập tới, mình chưa kịp nghĩ gì thì người ta đã vào bóng. Không ăn thua.
Mãi 2 năm cuối, tôi mới được thầy Hoàng, thầy Thắng (HLV Trương Việt Hoàng và Nguyễn Đức Thắng - PV) đặt niềm tin. Ngày ấy, tôi vẫn là cầu thủ trẻ, thấy ở đâu được đá là sướng rồi. Dù chỉ là giải trẻ U19, U21 hay hạng Nhất, cứ được đá là tốt. Tôi đâu có quan trọng mình phải đá ở đâu. Với tôi, V.League vẫn là điều gì xa vời lắm.
Tôi nhớ mãi chuyện hội trẻ con vẫn bảo nhau, rằng lên đội một Hà Nội T&T còn khó hơn lên tuyển Việt Nam. Vì đội một Hà Nội T&T lúc ấy có lẽ hay hơn tuyển quốc gia. Tôi hiểu điều đó chứ. Chúng tôi biết mình là những người được đào tạo để trở thành lớp kế cận cho CLB ở V.League. Ai giỏi nhất, tốt nhất mới được gọi về. Trước đó, tôi đã thấy Duy Long, Văn Thuận lên và không được đá. Tôi chẳng có gì hơn các anh thì đá làm sao nổi. Bởi thế, tôi chẳng hề tính tới việc sau này sẽ lên V.League.
Khi đội lớn gọi tôi về đá V.League cuối năm 2015, tôi giãy đành đạch. Tôi đang đá chính ở đây, về kia dự bị là cái chắc rồi. Đội lớn lúc ấy toàn sao, tôi làm sao có cửa gì. Tôi nhất quyết không về. Ba lần, tôi gõ cửa phòng HLV Đức Thắng, xin ở lại đội. Tôi bảo chú cho tôi vào Sài Gòn (đội Hà Nội vô địch hạng Nhất 2015, sau đó đổi tên và chuyển vào TP.HCM - PV). Ba lần, chú Thắng đều bảo tôi cứ tự tin, đừng lo sợ gì hết.
Mà cuối cùng, tôi chẳng phải lo sợ gì thật. Tôi về Hà Nội đúng thời điểm tuyến giữa chẳng còn một ai. Duy Mạnh chấn thương, Bùi Văn Hiếu về Quảng Ninh, Cao Sỹ Cường nghỉ thi đấu, Nguyễn Ngọc Duy vào miền Nam. Đội thiếu người đến mức phải giật Victor (Ormazabal - PV) về đá trung vệ. Tôi lúc đó bị “bắt” phải đá chính.
Cho đến năm hai mấy tuổi, tôi vẫn chỉ đá được 60 phút.
Cứ đá hết 60, 70 phút, tôi lại thấy chân tay bủn rủn, rã rời, không đá nổi nữa. Đá hết 60 phút là chuột rút, cố thế nào rồi cũng phải rời sân. Mãi sau này, tôi mới hiểu phương pháp tập của mình chưa khoa học. Đến năm 2015, chú Thắng về đội mới mang tới bước ngoặt cho tôi.
Chú bắt cả đội tập cực nặng, tập đến mệt nhoài thì thôi, tập vượt qua mọi ngưỡng của bản thân. Từ đó, tôi không còn yếu đuối nữa, tôi hiểu rằng vấn đề của mình chỉ là cơ địa. Cơ bắp của tôi lớn nên khối lượng tập phải nặng hơn cầu thủ bình thường. Người ta tập để đá đủ 90 phút là nghỉ, tôi phải tập hơn thế. Đó có lẽ là điều tốt nhất tôi có thể mang tới V.League.
Tôi biết nhiều người sẽ cười khi đọc tới đây. Hai năm đầu ở V.League, tôi không nghỉ một trận nào. Nhưng trước khi là “người không phổi”, tôi từng thở không nổi trên sân bóng.
Bản thân tôi chẳng có điểm gì đặc biệt. Tôi tự thấy mình không quá nhanh, không quá khéo, sút xa, chuyền dài đều chỉ ở mức ổn. Tôi nghĩ điều khiến mình được đá chính có lẽ là ý thức chiến thuật. Những lúc rảnh, tôi thích tự mình nghiên cứu, tự làm HLV. Khi đặt mình vào vị trí HLV, tôi sẽ hiểu các thầy cần gì ở mình, muốn mình hoàn thành nhiệm vụ nào để xuất hiện đúng chỗ đó. Tôi vẫn nhớ các thầy hay bảo tụi tôi không vào sân đá thay các cậu được, trên sân phải tự bảo nhau đá thôi. Tôi hiểu việc của mình là làm HLV trên sân thay cho các thầy.
Năm đầu tiên ở Hà Nội, tôi chơi kiểu ngẫu hứng, chạy không biết trời đất là gì, gần như là đi lung tung. Nhưng đó lại là năm tôi ghi nhiều bàn nhất (4 bàn). Cuối năm, anh Quyết có gặp tôi nói chuyện. Anh bảo năm đầu tiên em tỏa sáng vì người ta không để ý tới mình. Nhưng sang năm thứ hai, thứ ba, người ta sẽ tìm hiểu và phân tích, mọi thứ chắc chắn khó hơn. Tôi nhớ và ngẫm mãi: mình phải có bài gì mới cho người ta không bắt được đây?
Sau này, tôi đã tập các miếng đánh mới. Tôi cũng cố gắng xây dựng cánh phải của mình ở Hà Nội, cố làm sao để những đồng đội cùng biên như Trần Văn Kiên, Ngân Văn Đại tỏa sáng. Những năm sau, tôi ghi ít bàn hơn. Nhưng tôi hiểu, mình đang làm tốt việc của mình.
Ở đội Hà Nội, Thành Lương và Văn Quyết là hình bóng chúng tôi luôn noi theo. Tôi nghe nhiều người nói, một số cầu thủ lớn tuổi ở V.League không thích cầu thủ trẻ đâu. Họ sợ cầu thủ trẻ lên sẽ lấy mất vị trí của họ. Nhưng ở CLB Hà Nội, anh Lương, anh Quyết không như thế. Tôi cho rằng CLB này phát triển được là nhờ phần rất lớn ở hai anh.
Tôi không ghét một HLV nào hết, kể cả Toshiya Miura.
Nhiều người nghĩ tôi sẽ ghét ông ấy vì cho tôi vào từ phút 47 mà rút tôi ra ở phút 74 (trận U23 Việt Nam thua Nhật Bản tại vòng loại U23 châu Á 2016 - PV). Nhưng nói thật, tôi không ghét ông ấy. Tôi có thói quen là với mỗi HLV, tôi sẽ ghi lại cái hay, cái tốt của họ. Tôi không được đá, không được tin tưởng, tôi chỉ làm việc 2, 3 tuần với HLV Miura. Nhưng những gì ông ấy dạy, tôi đều “bỏ vào túi mang về”.
Tôi 2 lần được gọi lên đội tuyển dưới thời ông Miura. Cả hai lần đều chẳng có thành công nào. Sát ngày đội Olympic đi ASIAD 2014, tôi ngỡ ngàng vì mình bị loại khỏi đội tuyển. Đội khi đó có Ngô Hoàng Thịnh và Vũ Minh Tuấn từ tuyển quốc gia xuống nên chỗ của tôi đã đóng đinh rồi. Tôi không hy vọng mình được đá chính nhưng vẫn tin rằng mình sẽ đi. Cuối cùng, tôi bị loại.
23 tuổi mới lên V.League, đội U23 còn không được đá, tôi chẳng dám đặt nhiều hy vọng với đội tuyển quốc gia.
Kể cả khi thầy Park gọi lên ở ASIAD 2018, tôi vẫn xác định tư tưởng đi về. Tôi chưa cảm thấy mình đủ sức đá cho tuyển Việt Nam. Tôi hay bảo mình lên tuyển cho vui thôi. Ngày đó, tôi bằng lòng với việc liên tục được đá ở Hà Nội. Đội bóng cứ thắng rồi vô địch. Tôi nghĩ cuộc sống thế này là đủ rồi, còn mong gì hơn nữa đâu.
ASIAD năm đó, thầy Park gọi 5 cầu thủ quá tuổi, loại 2. Gần tới ngày lên đường, tôi vẫn không tính rằng mình có suất. Báo chí cũng bảo Nguyễn Anh Đức, Đặng Văn Lâm, Văn Quyết sẽ đi. Khi biết tin, tôi thực sự sốc vì Văn Lâm bị loại.
Trời, tôi chưa có chuẩn bị gì hết.
Tôi chỉ được vào sân từ trận thứ hai (Giải giao hữu U23 quốc tế 2018). Đội hình chính, Anh Đức, Công Phượng các kiểu đã đá hết trận gặp Palestine rồi. Đội hình gặp Oman toàn những ông lởm khởm, chuẩn bị đi về. Trước khi vào sân, cả hội nhìn nhau. Tôi bảo:
- Thôi, anh em cố đá nốt trận này, mình phải ra sân, sống chết với bọn nó.
Chúng tôi đá thế mà cuối cùng lại thắng. Tôi thấy mình hay và còn bảo được cả đội cùng hay theo mình. Nhưng tôi không biết khoảnh khắc tồi tệ nhất sự nghiệp đang chờ mình ở Indonesia.
Sự nghiệp của tôi đã trải qua nhiều thăng trầm, thất bại và nỗi buồn. Nhưng bị gãy ngón chân ở trận gặp Nhật Bản tại Asian Games vẫn là điều tồi tệ nhất. Lâu lắm rồi, tôi mới được lên tuyển, được ra sân. Thà tôi không đi, sao để tôi tới đây rồi tôi lại bị chấn thương như thế này?
Bạn có hiểu cảm giác của một cầu thủ chấn thương không? Khi đội đi tập, tôi phải ở một mình trong phòng 4 tiếng. 4 tiếng ở đất khách quê người, dài và bơ vơ. Có người bảo tôi chơi điện tử cho đỡ chán. Nhưng lúc ấy, điện tử cũng chẳng vui được. Tôi cứ day dứt mãi. Tôi ước là mình không chấn thương, tôi ước nó (cầu thủ Nhật Bản - PV) sao không nhảy cao hơn một tí, ước nó đừng dẫm vào chân mình. Mãi về sau, tôi vẫn tiếc.
Tôi có lẽ là người may mắn. 26 tuổi, tôi vẫn có cơ hội đầu tiên ở SEA Games.
Đầu năm 2019, khi có nhà báo quen hỏi, tôi vẫn bảo mình chẳng thích đá SEA Games. SEA Games áp lực lắm, không vô địch thì người ta chửi chết. Họ hỏi đi hỏi lại, tôi cũng chối đi chối lại. Tôi bảo cho cơ hội đi, tôi vẫn ở nhà. Đó là thời gian nghỉ ngơi, tội gì mình phải mệt mỏi?
Đến lúc thật sự sắp được đi, tôi mới cảm thấy niềm hạnh phúc. Tuổi như tôi mà được đá SEA Games là quá tốt rồi dù lúc đó, con tôi mới 2-3 tuần tuổi. Tôi về hỏi vợ nhưng trong đầu đã tự biết rằng mình muốn đi như thế nào. Vợ tôi chẳng nói gì, chỉ cười và ủng hộ.
Xem SEA Games, mọi người sẽ nghĩ U22 Việt Nam có vẻ trên cơ và dễ dàng. Nhưng sự thật không phải vậy. Đá SEA Games ở thời điểm kết thúc mùa giải là việc cực kỳ khó khăn. Sau mỗi trận đấu, chưa biết thắng thua thế nào, chỉ cần khỏe mạnh rời sân, tôi đã cảm thấy mình may mắn lắm rồi.
Tôi vẫn nhớ cái ngày Quang Hải dính chấn thương. Nó bảo điều này là tất yếu thôi. Hải đã cảm nhận điều đó trước, đã biết chấn thương kiểu gì cũng đến. Nhìn Hải lúc ấy, tôi cũng thấy lo. Tôi nhủ thầm chết rồi, mình cũng đá nhiều quá, không biết khi nào thì tới lượt đây. Đá trên sân, tôi nhiều lúc chỉ lo ngay ngáy rằng sẽ chấn thương. Đó là cái khó đầu tiên của tôi ở Philippines.
Cái khó thứ hai là áp lực. Hồi AFF Cup, chúng tôi được đá lượt đi lượt về nhưng ở SEA Games, mọi thứ quá mong manh. Toàn đội chỉ có 90 phút, sự tập trung phải luôn luôn cao độ. Tôi khi ấy mang băng đội trưởng sau chấn thương của Quang Hải. Áp lực vì thế lớn và rất nặng nề. Bàn thắng ở chung kết SEA Games là điều hạnh phúc nhất trong sự nghiệp của tôi. Đội giành HCV, chúng tôi trút bỏ được áp lực, nhẹ đi nỗi lòng.
Nói thật, nếu không vô địch được SEA Games, tôi không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra nữa.
Tôi tin rằng có những cầu thủ sinh ra đã được số phận ưu ái. Sớm hay muộn, bóng sẽ tới chân họ. Sớm hay muộn, họ cũng sẽ ghi những bàn thắng quan trọng, làm những điều đặc biệt.
Tôi không phải người như thế.
Nhưng tôi muốn mình là người tạo ra những khoảnh khắc đó. Tiền vệ trung tâm như tôi, như Tuấn Anh, như Văn Thuận là những người không màng danh vọng. Trong một tập thể, chúng tôi luôn cẩn thận hơn, hay để ý và thích sắp xếp. Nếu không thể làm điều đặc biệt, tôi sẽ cố làm tốt nhất những điều bình thường.
Tôi có bằng cấp 3 từ hồi còn chơi cho đội trẻ. Ngày ấy, chúng tôi học lớp năng khiếu vào buổi tối. Sau cả ngày tập luyện, lớp 20 người thì 15 đứa ngủ. Nhưng tôi là một trong 5 đứa ngồi học, học thực sự. Ngày còn bé, tôi học giỏi, không phải vì tôi giỏi mà bởi tôi chăm.
Tôi cũng là người thích tập luyện. Nhiều lúc mệt lắm rồi, tôi vẫn cố tập. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng tập luyện chăm chỉ thì thành quả sẽ đến. Tôi không tập để cuối năm đá SEA Games hay AFF Cup. Tôi không nghĩ thế, buổi tập với tôi không phải chỉ để duy trì thể lực, tập là tập thực sự, tập có mục tiêu từng buổi, có chuẩn bị đầy đủ. Tôi máu ăn thua và cay cú. Đá bóng là phải thắng, đá tập mà thua tôi cũng không chịu được.
Tôi cũng đang chuẩn bị để sau này theo nghiệp HLV. Chú Đức (HLV Phạm Minh Đức - PV) từng bảo cầu thủ sau này nghỉ đừng có kinh doanh hay gì gì hết. Chú bảo chúng tôi không làm được đâu, sẽ bị người ta lừa hết. Cầu thủ thì chỉ nên làm những thứ liên quan tới đá bóng.
Tôi nghĩ chú nói đúng. Tôi đã tính trước 10 năm sau này. Tôi đặt mục tiêu học tiếng Anh rồi sẽ làm trợ lý cho một HLV thực sự giỏi. Tôi sẽ chuẩn bị, sẽ làm cái mình giỏi nhất, yêu nhất.
Đó chắc chắn là bóng đá.