Bộ GTVT tiếp tục đề xuất xe máy phải bật đèn nhận diện vào ban ngày

Theo Bộ GTVT, hiện nhiều nước phát triển đã áp dụng quy định bật đèn nhận diện đối với xe máy. Hiệu quả của giải pháp này đã được chứng minh trên cơ sở khoa học và thực tiễn tại nhiều nước.

by

Chiều 26/5, Bộ Giao thông Vận tải đã họp bàn tiến độ sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Hiện Ban soạn thảo dự Luật này nhận được 101 văn bản góp ý từ các bộ ngành, địa phương, hiệp hội; đa số đồng thuận với việc hoàn thiện khung chính sách liên quan.

Tuy nhiên, một số ý kiến chưa ủng hộ các quy định xe máy phải bật đèn nhận diện vào ban ngày, đèn xanh không được đi khi nút giao ùn tắc...

Theo Vnexpress, tại cuộc họp, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói hiện nhiều nước phát triển đã áp dụng quy định bật đèn nhận diện đối với xe máy; phần lớn quốc gia Đông Nam Á đã thực thi, chỉ còn 4 nước là Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam chưa quy định.

https://media.moitruongvadothi.vn/2020/05/27/9804/1590565908-xe-may-bat-den-nhan-dien.jpg
Đề xuất xe máy phải bật đèn nhận diện cả ngày của Bộ GTVT gây tranh cãi.

Theo ông Thể, đây là biện pháp nhằm tăng cường phát hiện phương tiện khi đi đối diện hoặc tại các vị trí khuất tầm nhìn. Hiệu quả của giải pháp này đã được chứng minh trên cơ sở khoa học và thực tiễn tại các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Thể yêu cầu Ban soạn thảo cần "giải thích rõ với nhân dân về đèn nhận diện ban ngày, tránh để người dân hiểu là đèn pha, cốt". Quy định này cũng là cơ sở pháp lý để các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu môtô, xe gắn máy phải đưa vào tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh.

Với đề xuất "tín hiệu đèn xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Ban soạn thảo làm rõ hơn, định nghĩa các tình huống để người dân hiểu, dễ dàng chấp hành và đồng bộ với các giải pháp công nghệ để điều hành, tổ chức giao thông.

Luật Giao thông đường bộ hiện hành chỉ quy định “tín hiệu xanh là được đi”, mà không có đoạn “trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc”.

Theo Bộ GTVT, các quy định này được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968, hiện rất nhiều quốc gia đã áp dụng.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được Bộ GTVT tổ chức soạn thảo và thực hiện lấy ý kiến góp ý từ 21/4 đến 21/6.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết trong kỳ họp này Quốc hội sẽ biểu quyết bổ sung Luật Giao thông đường bộ vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2020. Luật sửa đổi sẽ được báo cáo lần đầu vào kỳ họp Quốc hội thứ 10 và dự kiến thông qua vào kỳ họp tiếp theo.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi bao gồm 151 điều, bổ sung thêm rất nhiều quy định mới so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành ban hành năm 2008 chỉ có 89 điều.

P.V (tổng hợp)