Ngân hàng kiện dự án thua lỗ: Nếu nhìn lạc quan...
Khả năng một lần nữa ngân sách lại giơ tay ra cứu nguy cho dự án thua lỗ không nên được tính đến.
Vận rủi của một trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương vẫn đang tiếp diễn. Sau những cái lắc đầu của nhà đầu tư, đến mức nhiều chuyên gia phải vẽ ra viễn cảnh bán nhà máy với giá… sắt vụn, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) phải đối diện với một vụ kiện chắc chắc không hề dễ chịu.
Báo cáo của Bộ Công thương gửi tới Quốc hội cho biết, ngay từ cuối năm 2019, Ngân hàng PVcomBank đã khởi kiện Vinapaco, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Vinapaco phải trả cho PVcomBank tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng (theo các hợp đồng tín dụng giữa TRACODI - chủ đầu tư của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trước đây và Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam chi nhánh Vũng Tàu - PVFC - VT). Đáng nói, trong cơ cấu sở hữu của PVcomBank, một tập đoàn nhà nước chiếm tới hơn 50% cổ phần, đồng nghĩa đây là vụ kiện giữa tổ chức tín dụng do ‘người nhà nước’ chiếm cổ phần chi phối với một dự án nhà nước thua lỗ. Có vẻ như dư luận đang chứng kiến một sự kiện chưa có tiền lệ.
Thế nhưng, lần lại những trang sử khó có thể nói là sáng sủa của dự án này, những động thái có một không hai hóa ra lại không hề hiếm thấy. Đầu tiên, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được đầu tư bởi Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi), đơn vị hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực giấy, tương tự như việc một công ty chuyên về vận tải thủy thâu tóm hụt Hãng phim Truyện 1 đình đám một thời.
Sáu năm kể từ khi đặt những viên gạch đầu tiên cho dự án và dường như chỉ dừng ở mức này, giữa năm 2009, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được chuyển chủ đầu tư, sang Vinapaco. Giấc mơ ‘đồng tiền biết tìm đường về chủ cũ’ dù dự án trì trệ, bết bát, hóa thành hiện thực khi phần vốn Tracodi đã đầu tư được hoàn trả. Giải thích cho điều đặc biệt này xem ra không hề khó. Con đường của Tracodi cũng lòng vòng, dích dắc như số phận của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.
Theo lịch sử hình thành được đăng công khai trên website của công ty này, năm 1995, Công ty Tracodi được chuyển từ Bộ GTVT về trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 (Cienco 6). Dưới tư cách này, Tracodi tham gia đầu tư Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam từ năm 2003.
Tuy nhiên, đến năm 2005, Tracodi được tách chuyển nguyên trạng, từ Cienco 6 về trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An. Thời điểm 2009, khi rút khỏi Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Tracodi vẫn thuộc đơn vị nêu trên, cho tới ngày 4/4/2013, được chuyển sang hình thức công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Trở lại với một trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công thương, sau khi Vinapaco tiếp nhận, không có điều thần kỳ nào xảy ra. Theo phản ánh, khi được chạy thử có tải, cả hệ thống luôn bị tắc nghẽn, toàn bộ dây chuyền đã không thể tiếp tục chạy thử được.
Trí tuệ của các công bộc mẫn cán và đội ngũ chuyên gia đã đổ ra để khắc phục nhưng cuối cùng lực bất tòng tâm. Dự án bị đánh giá không có hiệu quả về mặt kinh tế, không khả thi và nhận quyết định đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho. Như chúng ta đã biết, đến cả phương án này hiện cũng đang chứng tỏ sự… bất khả thi của nó.
Trong bối cảnh này, chẳng cần đến đầu óc của những nhà kinh tế, tài chính, ai cũng có thể mường tượng, dù có thắng kiện, việc thi hành án món nợ gần 600 tỷ đồng của Vinapaco với PVcomBank sẽ vô cùng trắc trở.
Tuy nhiên không nên tính đến khả năng ngân sách lại một lần nữa phải giơ tay ra cứu nguy cho dự án thua lỗ.
Không phải ngẫu nhiên, lời đề nghị từ đầu năm 2020 của Bộ Công thương về việc các lãnh đạo xem xét, có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành và đại diện vốn nhà nước tại PVcomBank thống nhất với Vinapaco phương án xử lý tài sản thế chấp thuộc dự án đến giờ vẫn chưa nhận được hồi đáp chính thức. Ai cũng hiểu, tạo ra một tiền lệ xấu có thể làm phát sinh cả chuỗi hệ lụy xấu.
Vậy điều mà PVcomBank nhắm tới là gì? Nếu với mọi biến cố, chúng ta đều chào đón bằng một nụ cười thì nơi nào cũng tìm thấy niềm vui. Áp dụng trong trường hợp này, khả năng thứ nhất, bản thân tổ chức tín dụng đang muốn kiểm tra đánh giá lại nghiệp vụ đầu tư của đơn vị trực thuộc.
Rõ ràng, đối với ngân hàng thương mại, việc thẩm định tính khả thi và khả năng sinh lời của dự án là điều kiện tiên quyết để đồng ý cho vay và tiến hành giải ngân. Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam ngay từ những giai đoạn khởi động đã bộc lộ nhiều bất cập, điều khó lòng qua mắt được các chuyên viên tài chính, tín dụng, trừ khi có những khuất tất ẩn giấu. Dẫu sai lầm đều là do khách quan, trách nhiệm của những người liên quan phải được minh bạch, là bài học cho hoạt động của PVcomBank nói riêng và cả hệ thống tín dụng nói chung. Như nhiều người công nhận, dám nhìn thẳng vào yếu kém, chúng ta sẽ đỡ lùn hơn một chút.
Khả năng thứ hai là mong muốn bộc bạch những nỗi khó xử trong không ít hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại. Ngành ngân hàng đã từng nói thẳng về tình thế bị chỉ định cho vay và những thiệt hại, mất mát khi những dự án được bảo đảm hóa ra lại không sinh lời như kỳ vọng. Rất đáng quan ngại nếu việc chỉ định này xuất phát từ ý định của cá nhân, do có những ràng buộc lợi ích nhóm. Sẽ tốt hơn nhiều cho hoạt động của các tổ chức tín dụng nếu vấn đề này được nhìn nhận thẳng thắn để có những hướng dẫn cụ thể, hợp lý, giúp họ tránh bị rủi ro, thiệt thòi.
Đối với Vinapaco, trong cái rủi vẫn có thể tìm thấy nhiều điều may. Khi các vướng mắc liên quan tới dự án được đưa ra và nhìn nhận dưới cái nhìn pháp lý lạnh lùng, ai có công, ai có tội sẽ được xác định. Nền kinh tế Việt Nam đang cần chắt chiu từng đồng để đầu tư phát triển, để vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình, nuôi tiếp mong ước sánh vai với các cường quốc kinh tế phát triển. Muốn loại trừ các dự án lãng phí, thất thoát, trước hết phải bằng việc quy trách nhiệm và có các hình thức xử lý đàng hoàng, dứt điểm.
Điểm lại toàn bộ diễn biến liên quan tới Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, có thể ước đoán, vụ kiện khó kết thúc theo một cách vui vẻ. Chúng ta đã dám đối diện với những sai lầm, mất mát tại 12 đại dự án thua lỗ ngành Công thương nên có đủ dũng khí chứng kiến hồi kết của tấn kịch buồn này. Loại bỏ được một vài ung nhọt, chắc chắn cơ thể nền kinh tế sẽ khỏe khoắn và lành mạnh hơn.
Khánh Nguyên