'Lợn béo F-35' bóc trần sự ích kỷ Mỹ

Có nhiều yếu tố thực tế khiến cho phát biểu của ông Trump chỉ mang tính đe dọa và thể hiện thái độ trịch thượng của một đồng minh siêu cường.

Sự phô trương kệch cỡm

Từ đầu năm 2020, Mỹ đã không ít lần sử dụng máy bay tàng hình đa năng F-35 để phô diễn sức mạnh trước các đối thủ. Một trong số đó từng gây ấn tượng mạnh là lần Mỹ cho 52 chiếc F-35A xếp hàng trên một đường băng ở căn cứ không quân Hill, bang Utah hồi tháng 1 vừa qua.

Dàn máy bay có tổng trị giá lên tới hơn 4,6 tỷ USD của Mỹ trình diễn chỉ 3 ngày sau khi nước này tiến hành chiến dịch không kích ám sát tướng Qassem Soleimani của Iran ở Iraq ngày 3/1. Hồi tháng 4 vừa qua, Mỹ cũng đã điều động tàu tấn công đổ bộ USS America mang theo hàng chục chiếc F-35B có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để “nắn gân” Trung Quốc trên Biển.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/27/2461418/lon-beo-f35-boc-tran-su-ich-ky-my_27148580.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng trước một chiếc F-35 được trưng bày ngay trước Nhà Trắng

Những động thái như vậy cho thấy người Mỹ rất coi trọng F-35 trong thể hiện sức mạnh quốc gia (và mang tính quảng cáo). Tuy nhiên, những câu chuyện xoay quanh “lợn béo” F-35 cũng tiết lộ sự ích kỷ, thậm chí trịch thượng của người Mỹ trước chính những đồng minh của mình.

Thấm thía cảm giác này nhất có lẽ là Thổ Nhĩ Kỳ khi bị Mỹ tuyên bố loại khỏi chương trình F-35 vì “tội” mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ có thể phản ứng yếu ớt rằng đây là bước đi đơn phương, vừa không tuân thủ tinh thần của liên minh quân sự vừa không dựa vào các lý do chính đáng.

Cũng liên quan tới F-35, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây một lần nữa khiến các đồng minh phải lo lắng xen lẫn tức giận. Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News hôm 15/5, ông Trump chỉ trích quyết định cho phép hoạt động lắp ráp và sản xuất linh kiện F-35 được tiến hành tại các nước đồng minh của Mỹ. Theo ông, toàn bộ quá trình - từ khâu bắt đầu cho đến hoàn thiện - cần phải thực hiện tại Mỹ.

Phản ứng trước phát biểu được cho là bột phát của ông Trump, giới phân tích cho rằng việc đưa toàn bộ quy trình sản xuất và lắp ráp F-35 về Mỹ sẽ tước đi việc làm của nhiều người lao động tại 7 nước đối tác trong "liên minh sản xuất máy bay chiến đấu tấn công chung" (JSF) với Mỹ - gồm Australia, Canada, Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Na Uy và Vương quốc Anh.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/27/2461418/lon-beo-f35-boc-tran-su-ich-ky-my_271410565.jpg
52 chiếc F-35 xếp hàng trên đường băng ở căn cứ không quân Hill, bang Utah của Mỹ

Giới phân tích Australia cho rằng kịch bản này sẽ khiến một đồng minh của Mỹ như Australia mất hàng nghìn việc làm cũng như hàng tỷ USD tiền mua máy bay và đầu tư vào quy trình sản xuất. Viễn cảnh đó cũng khiến chính sách công nghiệp quốc phòng của Australia rơi vào hỗn loạn.

Việc hợp tác sản xuất F-35 tại Australia được tiến hành thông qua chi nhánh Lockheed Martin tại Australia với bản hợp đồng trị giá 2 tỷ USD. Theo Lockheed, hiện có hơn 50 công ty của Australia tham gia vào chuỗi cung ứng F-35 theo các hình thức khác nhau và đang tạo ra khoảng 2.400 việc làm cho người lao động.

Theo kế hoạch, Australia đã đồng ý mua 72 chiếc máy bay F-35 trong khuôn khổ chương trình thay thế các dòng máy bay cũ F/A-18A/B trị giá 17 tỷ USD. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds cho hay việc hợp tác sản xuất F-35 sẽ tạo ra hơn 5.000 việc làm tại nước này vào năm 2023.

Mỹ tự bắn vào chân

Tuy nhiên, giới phân tích đã chỉ ra rất nhiều yếu tố thực tế khiến cho phát biểu của ông Trump chỉ mang tính “đe dọa” và thể hiện thái độ trịch thượng của một đồng minh siêu cường. Ngay cả trong tình hình nền kinh tế vận hành trơn tru và không bị COVID-19 tàn phá như hiện nay, Mỹ cũng khó có thể tìm được ngay những nhà sản xuất trong nước sẵn sàng chế tạo hàng nghìn bộ phận khác nhau của F-35.

Bằng chứng là người Mỹ vẫn phải “muối mặt” nhập các bộ phận F-35 được chế tạo ở Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp tuyên bố hùng hồn loại đồng minh khỏi chương trình hợp tác. Cục trưởng Cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir hồi đầu tháng 5 tuyên bố nước này sẽ tiếp tục sản xuất và chuyển giao các bộ phận F-35 của Mỹ, bất chấp việc bị đình chỉ tham gia chương trình.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/27/2461418/lon-beo-f35-boc-tran-su-ich-ky-my_271413711.jpg
Một mình Mỹ khó có khả năng ngay lập tức đảm đương toàn bộ quá trình sản xuất F-35

JSF đã triển khai được 19 năm và vẫn thông qua việc đưa chuỗi cung ứng vào một quy trình sản xuất khép kín. Do đó, mỗi nước sản xuất một bộ phận và sẽ có sự phát triển riêng về quy trình sản xuất. Nếu cả quá trình sản xuất đưa về một nước thì sẽ khó có thể đạt được năng suất và chất lượng.

Như vậy, nếu việc sản xuất được thực hiện khép kín như lời Tổng thống Trump, chất lượng và năng suất thành phẩm của F-35 có thể khó đạt được như hiện nay. Bên cạnh đó, chi phí bảo trì cũng sẽ tăng cao khiến các doanh nghiệp Mỹ khó chấp nhận tham gia vào chuỗi sản xuất khép kín trong nước.

Một hệ lụy khác với Mỹ được giới phân tích chỉ ra là mối quan hệ với các đồng minh sẽ tiếp tục xấu đi nếu Mỹ thực sự đưa toàn bộ việc sản xuất F-3 về nước. Hậu quả kéo theo là Mỹ sẽ đánh mất hàng loạt thị trường để bán vũ khí. Thậm chí để lọt những “miếng bánh” ngòn vào tay đối thủ Nga.

Trừ Australia, 6 thành viên hợp tác khác đều đang thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổ chức bị "chèn ép" từ khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đã nhiều phen “mất mặt” nên rất có thể phát biểu của ông Trump sẽ là giọt nước tràn ly. Các nước này thậm chí có thể nghĩ đến việc rời khỏi chương trình hợp tác và mua dòng máy bay khác để thay thế F-35.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/05/27/2461418/lon-beo-f35-boc-tran-su-ich-ky-my_271417824.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan (phải) cùng Tổng thống Nga V. Putin thăm quan một mẫu Su-57 của Nga tại Moscow hồi tháng 8/2019

Khi đó, Mỹ sẽ là bên “thiệt đơn thiệt kép”. Theo đánh giá của giới chuyên gia, một số quốc gia đang mua dòng máy bay F-35A có thể tìm đến Eurofighter để có được mẫu tương tự.

Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị Mỹ tuyên bố loại khỏi chương trình F-35 đã đánh tiếng muốn mua mẫu máy bay chiến đấu Su-35 của Nga để thay thế. Theo các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, nước này có thể mua tới 48 chiếc Su-35 với mức giá từ 50-70 triệu USD mỗi chiếc. Người Mỹ hẳn sẽ rất tiếc nuối khi “vuột” mất thị trường đồng minh sau khi để Ankara mua lô S-400 của Nga trị giá tới 2,5 tỷ USD.

Trong khi đó, Australia đã bóng gió đánh tiếng sẽ học hỏi mô hình tự thiết kế và chế tạo máy bay chiến đấu cùng với tàu ngầm, tàu chiến, tên lửa và xe bọc thép như Thụy Điển. Theo giới phân tích Australia, mô hình của Thụy Điển xem ra có lợi thế chi phí trong quá trình tự sản xuất vũ khí. Điều này có nghĩa là JSF dù có nhiều lợi ích nhưng không phải là không thể thay thế.

Những gì ông Trump tuyên bố chưa chắc đã được thực hiện và cũng có thể chỉ xuất phát từ mối quan tâm đưa việc làm về cho người Mỹ. Nhưng rõ ràng nó thể hiện bản chất ích kỷ của Mỹ khi chỉ biết nghĩ tới cái lợi của bản thân trong bối cảnh các đồng minh cũng lao đao vì COVID-19 như hiện nay. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo các đồng minh của Mỹ cần tìm hiểu các mô hình khác để phát triển tiềm lực và nâng cao năng lực quân sự.

Thành Minh