https://vnreview.vn/image/20/78/07/2078070.jpg

Sony, LG hạ bớt triển vọng doanh số TV OLED vì dịch và Samsung cạnh tranh

Thị trường TV OLED sẽ có bước tăng trưởng thấp hơn so với dự đoán ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu do gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu mua sắm đồ nghe nhìn đắt tiền xuống thấp.

Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu, nhiều mặt hàng phải chịu thiệt hại nặng nề mà TV OLED là một trong số đó. Theo thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường WitsView thuộc TrendForce, tổng lượt giao hàng năm nay có thể sẽ chỉ tăng 7,8% đạt 3,37 triệu đơn vị. Mức tăng trưởng doanh số thấp hơn đáng kể so với dự đoán 26,1% được đưa ra hồi đầu năm, khi mà thị trường còn lạc quan trước đại dịch.

https://img9.yna.co.kr/photo/yna/YH/2020/01/07/PYH2020010700730001300_P4.jpg

Các hãng kinh doanh TV OLED gặp khó vì đại dịch (ảnh: Yonhap)

"Thị trường TV OLED phải đối mặt với hai cơn gió ngược là nguồn cung thiếu hụt và mức giá cao cản trở người mua. Cả hai hãng dẫn đầu là LG Electronics và Sony đều đã điều chỉnh lại triển vọng doanh số cho cả năm" - WitsView chia sẻ về tình hình kém lạc quan của thị trường TV OLED. Việc LG Display trì hoãn sản xuất hàng loạt ở nhà máy mới tại Quảng Châu, Trung Quốc đã đè nặng lên ngành công nghiệp.

Trước đây, họ dự tính sẽ cho vận hành quy mô lớn nhà máy vào quý 1, nhưng giờ nó đã bị gác lại cho tới tận quý 3 năm nay. Theo WitsView, bên cạnh vấn đề nguồn cung thì TV OLED còn bị cạnh tranh gay gắt từ TV QLED. Đối thủ của LG và Sony đang chạy các chiến dịch khuyến mãi và giảm giá rất mạnh nhằm kích cầu bởi bản thân họ cũng chịu thiệt hại khi đại dịch bùng phát.

https://img0.yna.co.kr/photo/yna/YH/2020/01/08/PYH2020010805680001300_P4.jpg

Samsung tích cực giảm giá để kích cầu TV QLED (ảnh: Yonhap)

Điều này vô tình gây áp lực lên các hãng kinh doanh OLED vì không thể chạy đua giá cả. Hãng nghiên cứu dự đoán triển vọng doanh số năm nay của TV sẽ tăng 41,8%, đạt 8,27 triệu đơn vị, chủ yếu do các chiến dịch marketing và khuyến mãi rầm rộ từ Samsung. Trong khi doanh số TV toàn cầu năm nay có thể suy giảm 5,8%, QLED lại là hạng mục được dự đoán sẽ tăng trưởng khả quan.

OLED là công nghệ màn hình phát quang hữu cơ, mỗi điểm ảnh tự phát sáng mà không cần đến đèn nền, được ủng hộ bởi Sony và LG. Trong khi ở phía đối đầu, Samsung thúc đẩy TV LCD dùng chấm lượng tử nhằm cải thiện chất lượng hình ảnh. "QLED" là thuật ngữ marketing do Samsung đặt ra để gọi các TV loại này. Theo một hãng nghiên cứu khác là Omdia, Samsung dẫn đầu thị trường truyền hình năm 2019 chia theo doanh thu, theo sau lần lượt là LG và Sony.

https://vnreview.vn/image/19/96/33/1996339.jpg?t=1590570910433

Giá bán là rào cản khiến TV OLED khó cạnh tranh (ảnh: LG)

"Mặc dù thị trường truyền hình toàn cầu suy thoái, QLED vẫn sẽ tăng trưởng tốt nhờ các chiến dịch khuyến mãi đến từ Samsung. Một chiếc TV QLED 65 inch có thể giảm giá tới 20% tại các cửa hàng bán lẻ ở Bắc Mỹ, dẫn tới làn sóng nâng cấp TV mới của các hộ gia đình" - WitsView nhận xét. Vì nền tảng công nghệ của Samsung vẫn dựa trên LCD, giá bán luôn là lợi thế cạnh tranh so với TV OLED của LG và Sony.

Ambitious Man