4 sáng kiến của ĐH Việt Nam về ứng phó Covid-19 được nhận tài trợ

 Vượt qua gần 2.000 dự án từ 79 quốc gia, 4 sáng kiến của ĐHQG TPHCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Kiến trúc TPHCM về ứng phó Covid-19 đã được nhận tài trợ từ Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF).
>>ĐH Đà Nẵng thưởng nóng sáng chế robot phục vụ khu cách ly
>>Giảng viên chế tạo robot vận chuyển trong khu cách ly phòng Covid- 19

Hôm qua (26/5), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) công bố 4 sáng kiến của 4 đơn vị đại học trên được lựa chọn nhận tài trợ từ Quỹ ứng phó đại dịch Covid-19. Cũng theo tổ chức AUF, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia có nhiều dự án được lựa chọn nhất.

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/05/27/dh-da-nang-chuyen-giao-cho-benh-vien-1590553702959.jpg
Robot BK-Anticovid của trường ĐH Đà Nẵng và lễ chuyển giao robot cho bệnh viện (ảnh: ĐH Đà Nẵng)

Cụ thể, sáng kiến của ĐH Quốc gia TPHCM cho phép các phòng thí nghiệm phát triển các bộ kit xét nghiệm Covid-19 giá rẻ, cho kết quả nhanh và chính xác nhờ công nghệ protein tái tổ hợp. Dự án được ĐH Quốc gia TPHCM phối hợp triển khai cùng một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

ĐH Đà Nẵng cũng tham gia sản xuất thiết bị y tế giúp hạn chế sự lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, với sáng kiến robot phục vụ bệnh nhân trong các khu cách ly. Nhiệm vụ chính của robot BK-AntiCovid là vận chuyển thức ăn, đồ dùng, thuốc men vào khu vực cách ly phục vụ cho người bệnh.

Sản phẩm được sáng chế bởi nhóm giảng viên và sinh viên khoa Cơ khí theo đơn đặt hàng của Bệnh viện Phụ sản - Nhi thành phố Đà Nẵng. Robot đầu tiên đã được đưa vào sử dụng tại các bệnh viện của Đà Nẵng từ tháng 3/2020.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì phối hợp triển khai cùng bệnh viên Bạch Mai phát minh xe cáng cách ly áp lực âm cho phép cộng đồng và các nhân viên y tế tránh được các nguy cơ lây nhiễm trong quá trình di chuyển bệnh nhân Covid-19.

Còn Trường ĐH Kiến trúc TPHCM đề xuất sáng kiến “Foldable Aerosol Box” (hộp đặt nội khí quản có thể gập gọn). Các hộp đặt nội khí quản giúp ngăn chặn việc lây nhiễm virus qua khí dung và đường giọt bắn trong không khí, từ đó có thể bảo vệ các bác sĩ khỏi rủi ro khi thực hiện đặt nội khí quản cho bệnh nhân.

Điểm đặc biệt của sản phẩm này là có thể gập gọn, thuận tiện cho việc vận chuyển tới những bệnh viện vùng sâu vùng xa. Sản phẩm đã được thử nghiệm tại một số bệnh viện Việt Nam và nhận được những phản hồi tích cực. Nhóm nghiên cứu mong muốn có thể phát triển sản phẩm ở quy mô quốc gia và quốc tế. 

4 dự án này của Việt Nam được lựa chọn trong số 2.000 hồ sơ từ 79 quốc gia trên thế giới gửi về trong khuôn khổ Quỹ hỗ trợ quốc tế nhằm ứng phó đại dịch Covid-19 của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF).

Mục tiêu của quỹ nhằm tăng cường sự đóng góp của các trường đại học trong việc phát triển các giải pháp hỗ trợ hệ thống y tế và người dân đối phó với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Những sáng kiến được chọn phải đảm bảo đem lại tác động về mặt công nghệ, kinh tế hoặc xã hội trong thời gian ngắn. Đặc biệt, những dự án đã được đánh giá, kiểm định, đạt chứng nhận quốc gia và do phụ nữ đứng đầu sẽ được cộng điểm ưu tiên.

Theo bà Ouidad Tebbaa, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức AUF: “Quỹ ứng phó Covid-19 của AUF đã cho thấy khả năng đổi mới và thích nghi của các trường đại học Việt Nam trong thời kỳ đại dịch. Thậm chí, có những trường còn nộp nhiều dự án. Điều này cho thấy sự đóng góp và sức sáng tạo của các nhà nghiên cứu là vô cùng lớn.

Chúng tôi đã nhận được tổng cộng 92 dự án từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong tổng số 92 dự án này, 61 dự án đến từ Việt Nam. Chính nhờ sức sáng tạo tuyệt vời này, 4 trong số 8 dự án của châu Á - Thái Bình Dương được lựa chọn đến từ Việt Nam.

Kết quả này cho thấy vai trò quan trọng của các trường đại học trong sự phát triển của xã hội, cũng như trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu”.

Lê Phương