Bác sĩ Trung Quốc sốc khi số người chết ở Mỹ vượt 100.000
(PLO)- Chuyên gia y tế hàng đầu của Trung Quốc nói rằng ông bị sốc trước con số tử vong khủng khiếp ở Mỹ.
Tính đến ngày 27-5, số người chết vì dịch COVID-19 ở Mỹ đã vượt qua cột mốc 100.000 người. Con số này đã khiến nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc về bệnh truyền nhiễm sửng sốt, báo South China Morning Post đưa tin.
Bác sĩ Chung Nam Sơn (83 tuổi), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng Quốc gia về bệnh đường hô hấp nói rằng ông rất sốc trước số liệu tử vong do dịch COVID-19 tại Mỹ. Ông cho rằng nguyên nhân chính là do Mỹ đã không nghe theo những lời khuyên của các chuyên gia y tế.
“17 năm về trước, Mỹ đã xử lý rất tốt dịch SARS. Nó hoàn toàn khác với lần này” - ông Chung Nam Sơn, người đang phụ trách nhóm nhà khoa học tư vấn cho chính phủ Trung Quốc nhận định.
Mỹ đã không nghe theo lời khuyên của các chuyê gia y tế
Trả lời báo South China Morning Post, chuyên gia hô hấp hàng đầu Trung Quốc cho rằng mặc dù Mỹ đã tiến hành rà soát trên diện rộng, thậm chí là xét nghiệm nhiều hơn những quốc gia khác, nhưng những tổn thất của họ trong đại dịch lần này khiến ông bị sốc.
Ông Chung cho biết các đồng nghiệp của ông ở Mỹ nói rằng hệ thống y tế của họ không được chuẩn bị gì trước khi đại dịch xảy ra, mặc dù Mỹ có một hệ thống chăm sóc ý tế tiên tiến, trang thiết bị và cơ sở vượt trội hơn những nơi khác. Vấn đề là chính quyền Mỹ đã không lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia y tế của họ.
“Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu đã đánh giá thấp mức độ lây truyền của căn bệnh này cũng như không lường được mức độ nguy hiểm của nó. Ông ấy còn cho rằng nó chỉ là một loại cúm trên diện rộng” - ông Chung nói.
Thêm vào đó, các quan chức Mỹ cũng đã không lắng nghe quan điểm của các chuyên gia y tế trong việc mở cửa lại nền kinh tế.
“Mở cửa lại nền kinh tế quá nhanh sẽ tồn tại nhiều rủi ro. Tôi nghĩ rằng lẽ ra họ nên nghe theo từng quy tắc mà các nhà khoa học đưa ra và mở cửa nền kinh tế theo từng bước một” - ông Chung phát biểu.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ đã từng đưa lời cảnh báo về việc mở cửa lại nền kinh tế quá sớm vì lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ hai. Ông Fauci cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng “chỉ có virus mới quyết định được khi nào Mỹ sẽ mở cửa trở lại”.
Cũng vì những bình luận này, một số người ủng hộ Tổng thống Trump đã công kích ông Fauci, nói rằng ông nên bị loại ra khỏi lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Nhà Trắng.
“Tất nhiên nền kinh tế là điều rất quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào, nhưng nếu vấn đề này (việc cân bằng giữa việc mở cửa kinh tế và chống dịch) không được xử lý tốt thì mọi việc sẽ diễn ra như trường hợp của Mỹ” - ông Chung, người thường vẫn được so sánh với ông Fauci, cho biết.
Mỹ chỉ có 27 người nhiễm trong đợt dịch SARS
Ông Chung cho biết ông đã liên lạc với các chuyên gia Mỹ và cảnh báo họ về bệnh dịch lần này.
“Tôi nói với họ rằng một căn bệnh truyền nhiễm không rõ nguyên nhân đang lan rộng và họ cần phải đề phòng” - ông Chung nói.
Chuyên gia y tế Trung Quốc nói rằng trong đợt dịch SARS năm 2003, Mỹ đã được chuẩn bị tốt nên chỉ có 27 trường hợp nhiễm bệnh. Điều đó khác xa so với đại dịch lần này.
Ông Chung cũng nhận định do dịch SARS xảy ra chỉ hai năm sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, Mỹ khi đó đã tăng cường hệ thống cấp cứu và y tế công cộng.
“Theo tôi được biết, sau đợt khủng bố ngày 11-9, đầu tư cho Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã tăng gấp 10 lần” - ông Chung cho biết.
Tính đến tối 27-5, Mỹ đã có 1.725.808 người nhiễm COVID-19, trong đó có 100.625 ca tử vong, chiếm gần 1/3 số người chết vì dịch bệnh này trên toàn cầu.
(PLO)- Dù một số nước đã cấp phép dùng thuốc Hydroxychloroquine để điều trị hoặc phòng ngừa COVID-19, WHO khẳng định chưa thể kết luận tính hiệu quả của loại thuốc này.