https://img.vietnamfinance.vn/thumbs/700x0/upload/news/tunglam/2020/5/27/vnf-tpbank-dhcd.jpg
ĐHCĐ TPBank: Lợi nhuận 4 tháng khoảng 1.200 tỷ, Covid-19 khiến thu nhập giảm gần 1.000 tỷ

ĐHCĐ TPBank: Dư nợ tăng gần 11%, lợi nhuận đạt 1.200 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm

(VNF) - Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú cho hay bối cảnh dịch Covid-19 đặt ra cho TPBank yêu cầu xây dựng mục tiêu kinh doanh trên trạng thái "bình thường mới", theo đó, tăng trưởng tín dụng ở mức 15%, lợi nhuận tăng 5% lên 4.068 tỷ đồng. Tiết lộ về kết quả kinh doanh, Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho biết 4 tháng đầu năm, dư nợ của TPBank tăng cao hơn toàn ngành, đạt gần 11%; lợi nhuận lũy kế 4 tháng khoảng 1.200 tỷ đồng.

by

Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho hay bối cảnh dịch Covid-19 đặt ra cho TPBank yêu cầu xây dựng mục tiêu kinh doanh trên trạng thái "bình thường mới".

"Không ai hình dung được chúng ta phải đối mặt với dịch bệnh như vậy. Với nền kinh tế có độ mở hàng đầu thế giới, nếu nói rằng Việt Nam phụ thuộc nền kinh tế toàn cầu cũng không sai. Chúng tôi nhìn lại rằng phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Nền kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có một tổn thương khá nghiêm trọng do giãn cách xã hội.

Nếu ai cũng ở nhà thì nền kinh tế có phát triển được không? Các chính phủ xuất ra các khoản tiền rất lớn để trở giúp cho doanh nghiệp và người dân. Nền kinh tế càng mở bao nhiêu thì càng chịu tác động nghiêm trọng", Chủ tịch Đỗ Minh Phú nêu quan điểm.

Ông Phú nhấn mạnh thế giới đã đưa ra khá nhiều kịch bản xấu cho Việt Nam, tuy nhiên nhờ kiểm soát dịch thuộc hàng tốt nhất thế giới nên Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng khá tham vọng trong năm 2020, thể hiện quyết tâm rất lớn. Hệ thống TPBank cũng phải đặt quyết tâm như vậy.

Cân đối các tác động và kỳ vọng, TPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2020 ở mức 4.068 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2019.

Để hiện thực hóa kế hoạch lợi nhuận này, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. Tuy nhiên, tăng trưởng cho vay khách hàng chỉ ở mức 9% - khá thấp so với mức bình quân 27% của 3 năm gần đây. Bù lại, ngân hàng này sẽ đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu của các tổ chức kinh tế với dư nợ mục tiêu cuối năm 2020 là 12.000 tỷ đồng, gấp tới 2,5 lần con số cuối năm 2019.

Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu năm nay của TPBank ở mức dưới 2,5%.

Trong năm, TPBank dự kiến tăng trưởng tổng vốn huy động 7%; trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 15%, tiền gửi và vay của tổ chức tín dụng khác giảm 13%.

Liên quan đến mục tiêu tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng, ông Đỗ Minh Phú cho hay trong bối cảnh của dịch Covid-19, mục tiêu này sẽ được chuyển từ năm 2020 sang năm 2021.

TPBank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng dần doanh thu phí, doanh thu lãi cho vay để không phụ thuộc nhiều vào việc Ngân hàng Nhà nước cấp "room" tín dụng.

TPBank cũng phấn đấu trở thành ngân hàng chính của doanh nghiệp. "Nhắc đến ngân hàng thì nhắc đến TPBank như nhắc đến xe máy thì nhắc đến Honda", Chủ tịch TPBank ví von.

Về vấn đề mở rộng mạng lưới giao dịch, người đứng đầu TPBank cho biết do là ngân hàng non trẻ nhất ngành ngân hàng nên mạng lưới giao dịch còn thấp. Trong khi đó, các điểm giao dịch vật lý không dễ để được cấp phép vì mỗi một điểm giao dịch mới sẽ bị Ngân hàng Nhà nước trừ bớt vốn điều lệ khi tính toán các chỉ số nhất định. Do đó, TPBank tập trung vào việc sử dụng công nghệ số để gia tăng mạng lưới giao dịch.

Theo đó, ngân hàng dự kiến mở mới 5 chi nhánh, 5 phòng giao dịch, mở thêm ít nhất 100 điểm LiveBank trong năm 2020, nâng tổng điểm LiveBank lên khoảng 300-350.

Tiết lộ về kết quả kinh doanh, Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho biết 4 tháng đầu năm, huy động vốn của TPBank tăng khoảng 6%. Đặc biệt, dư nợ tăng cao hơn toàn ngành, đạt gần 11%.

Lợi nhuận lũy kế 4 tháng khoảng 1.200 tỷ đồng.

Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú cho biết thêm đến nay, TPBank đã dùng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng 11,5% mà Ngân hàng Nhà nước giao. Người đứng đầu ngân hàng này bày tỏ mong muốn được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Trong phiên thảo luận, Tổng giám đốc Nguyễn Hưng đã lý giải thắc mắc của cổ đông về thu nhập bất thường của TPBank trong quý I/2020. Ông Hưng cho biết trong kỳ, hoạt động kinh doanh giấy tờ có giá có sóng nhất định. Điều này cho phép ngân hàng hiện thực hóa, đảm bảo lợi nhuận quý I không bị sụt giảm. "Đây là cơ hội chỉ có từng đợt trong năm", ông Hưng cho biết.

Liên quan đến việc nợ xấu ở các nhóm gia tăng, người đứng đầu ban điều hành ngân hàng tiết lộ sự gia tăng chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân, trong đó có các khách hàng mua ô tô.

Về ảnh hưởng của dịch Covid-19, lãnh đạo TPBank đánh giá dịch ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng. "Phần thu nhập bị ảnh hưởng khoảng gần 1.000 tỷ, bao gồm giảm lãi suất, thoái lãi dự thu, tái cơ cấu nợ", ông Hưng nói.

Tổng dư nợ đã được TPBank giảm lãi khoảng gần nửa danh mục. Các gói hỗ trợ khoảng 19.500 tỷ đồng, đang triển khai từ giờ đến cuối năm.

Liên quan đến dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng, lãnh đạo TPBank cho biết ngân hàng đang tập trung vào trái phiếu ở các ngành hàng thiết yếu như hàng tiêu dùng nhanh (FMCGs), có tài sản bảo đảm, có khả năng hoàn trả….

Về vấn đề huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng, Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho hay sở dĩ huy động liên ngân hàng của TPBank khá lớn trong tổng huy động là do nguồn huy động này có lãi suất rẻ hơn nhiều so với thị trường 1 (thị trường dân cư và tổ chức kinh tế). Ông Hưng cũng khẳng định rằng tỷ lệ này vẫn đảm bảo an toàn.

Về tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM - biểu thị mức độ hưởng lợi ích chênh lệch giữa lãi suất huy động đầu vào và lãi suất tín dụng đầu ra), ông Hưng cho biết trước đây NIM của ngân hàng ở mức khoảng 3-4% nhưng năm nay dự kiến sẽ giảm khoảng 0,5-1%. Vị này cho hay ngân hàng phải chấp nhận NIM giảm để đẩy tín dụng ra, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chung khó khăn.