Covid-19 phơi bày cảnh khó khăn của người lao động nhập cư

by

(CATP) Saudi Arabia đã trục xuất hàng ngàn người lao động Ethiopia. Nhà chức trách Malaysia truy đuổi hàng trăm công nhân không có giấy tờ hợp lệ trong các cuộc đột kích giữa bối cảnh áp đặt lệnh kiểm soát di chuyển, khi nước láng giềng Indonesia - quê hương của hầu hết lao động kể trên, đang hồi hương công dân của mình.

Tương tự, Singapore đang đánh vật để đối phó với đại dịch Covid-19 hiện lây lan nhanh chóng qua số công nhân nước ngoài tại ký túc xá, những nước có lượng lớn người lao động nhập cư lương thấp đang mệt mỏi với các vấn đề tương tự. Từ châu Á tới Trung Đông, đại dịch Covid-19 đang phơi bày tình cảnh không được bảo vệ của khoảng 164 triệu lao động nhập cư với mức lương thấp trên toàn thế giới, làm những công việc mà người dân địa phương không thiết tha, để tiết kiệm tiền trở về nhà.

Trong khi một số nơi dường như đã thoát cảnh bùng nổ lây lan đại dịch như đảo quốc sư tử, các nhà hoạt động cho rằng cần xem xét lại cách quản lý phân khúc này. Khi Covid-19 gây thiệt hại cho các nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng ở nhiều quốc gia, thì người lao động nhập cư lương thấp hầu hết bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo các nhà quan sát, vấn đề mà phân khúc này phải đối mặt là điều kiện sống tồi tàn, thiếu sự bảo vệ pháp lý và quyền tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe bị hạn chế.

Tháng trước, Saudi Arabia đã gởi trả gần 3.000/200.000 người Ethiopia đang sống ở đây trước khi Liên hiệp quốc kêu gọi tạm dừng. Ở Kuwait tháng trước, ít nhất hàng chục công nhân nhập cư đã tự tử, theo website migrant-rights.org. Tại Thái Lan, hàng trăm ngàn người lao động từ các nước láng giềng Myanmar, Lào, Campuchia đã trốn về nhà sau lệnh phong tỏa khiến họ có khả năng kẹt lại mà không có tiền hoặc thực phẩm.

http://image.congan.com.vn/thumbnail/CATP-480-2020-5-27/duong-pho-doha-qatar-ngay-17-thang-5.jpg
Công nhân trên đường phố ở Doha, Qatar, hôm 17-5 Ảnh: AFP/S.T

Tuần trước, Cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 200 công nhân không có giấy tờ ở riêng Petaling Jaya, bên ngoài thủ đô Kuala Lumpur, ngay cả khi các quan chức dần nới lỏng việc hạn chế đi lại, khi nước này hiện có ít nhất 5 triệu lao động nhập cư. Indonesia, một trong những nhà cung cấp lao động lớn nhất thế giới, đã hồi hương hơn 130.000 công nhân xây dựng, nhân viên tàu du lịch và quản gia cũng như sinh viên ở nước ngoài.

Theo ông David Welsh, Giám đốc chi nhánh Đông Nam Á của Solidarity Centre, tổ chức phi lợi nhuận liên minh với Liên đoàn lao động AFL-CIO có trụ sở ở Mỹ, khủng hoảng Covid-19 đã lộ ra những điều kiện tồi tệ mà người lao động nhập cư phải đối mặt. Ông nhấn mạnh: "Các chính phủ đã bỏ qua số lao động nhập cư mà họ dựa vào để làm các công việc nguy hiểm trong khủng hoảng dịch bệnh này".

Tháng trước, Tổ chức Ân xá Quốc tế và liên minh gồm các tổ chức phi chính phủ cùng Công đoàn các nước đã gửi thư tới Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Qatar, Bahrain, Kuwait, Oman, nêu những quan ngại về người lao động nhập cư. Giám đốc nghiên cứu Trung Đông của tổ chức này là Lynn Maalouf cho biết: "Trong khi một số chính phủ đã đưa ra cam kết đầy hứa hẹn để hỗ trợ công nhân nhập cư, cần có nhiều cam kết nữa được

thực hiện để đảm bảo Covid-19 sẽ không dẫn tới việc vi phạm nhân quyền và nỗi đau lớn hơn đối với lao động nước ngoài ở những nước này".

Cũng có vài nơi điều kiện dành cho người lao động nhập cư được cải thiện, chẳng hạn như Qatar - nơi chỉ trích về cách đối xử với công nhân nước ngoài sau khi họ giành được vé tổ chức Fifa World Cup 2000 đã tạo ra nhiều sự thay đổi. Tháng 10 năm ngoái, nước này đã bãi bỏ thị thực xuất cảnh đối với những lao động muốn rời đi và bỏ các luật phân biệt đối xử ấn định mức lương tối thiểu theo quốc tịch. Nền quân chủ này đồng thời cũng bãi bỏ quy định ràng buộc người lao động với công việc khiến họ dễ bị lạm dụng. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có nhiều sửa đổi, lúc Covid-19 ập tới, công nhân nhập cư vẫn là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Ông Apolinar Tolention, đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công nhân xây dựng, cho biết Công đoàn của ông thường xuyên kiểm tra các công trình lẫn nơi công nhân ở và thừa nhận sự cải thiện ở Qatar chưa đủ khi vẫn có nhiều báo cáo về cảnh công nhân kẹt lại do dịch bệnh phải đi ăn xin.