Doanh nghiệp cần số hoá để chuẩn bị cho cuộc chơi mới
Theo PGS.TS kinh tế Trần Đình Thiên, các doanh nghiệp Việt cần liên kết mạnh mẽ hơn, số hoá nhanh hơn để sống sót và thích ứng trong và sau Covid-19.
by VnExpressNgày 22/5 vừa qua, tại sự kiện gặp gỡ trao đổi giữa FPT và Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ với chủ đề Phải sống, PGS.TS Trần Đình Thiên đã có bài tham luận, đưa ra phân tích về thời và thế của Việt Nam hiện nay trong bối cảnh Covid-19 đang có những ảnh hưởng mạnh mẽ lên nền kinh tế. Trong buổi phỏng vấn sau phần trình bày, PGS.TS Trần Đình Thiên đã làm rõ hơn các khái niệm về "Bình thường mới" cũng như đưa ra một số hướng giải quyết mà các công ty cần sớm thực hiện để sống sót và thích nghi với sự dịch chuyển mới.
- Ông giải thích thế nào về khái niệm "bình thường mới" đối với kinh tế Việt Nam trong giai đoạn Covid-19?
- Đây là khái niệm mới được đề ra và có thể hiểu khái quát theo nghĩa là những điều khác với các hoạt động, các khái niệm mà chúng ta đang biết tới. Có thể hiểu là về mặt xã hội, chúng ta sẽ sống khác hơn, đời sống số ảnh hưởng mạnh mẽ hơn.
Về mặt kinh tế, hoạt động của một văn phòng thay đổi rất rõ ràng, tổ chức sản xuất đông người cũng phải thay đổi, các chuỗi cung ứng được thiết kế lại nên mọi thứ buộc chúng ta phải nỗ lực để thích ứng.
Tuy nhiên điều tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh về khái niệm "bình thường mới" ở đây là cấu trúc kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển rất mạnh, những chuỗi sản xuất được bố trí lại. Có thể nhiều cơ hội về Việt Nam và cũng có nhiều thứ rời khỏi Việt Nam, tương tự như những gì chúng ta đang chứng kiến với Trung Quốc hiện nay. Việc phân bố các nguồn lực thay đổi, có thể là một cơ hội lớn cho Việt Nam khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài, nhưng tiếp nhận đầu tư nước ngoài nhiều quá cũng là một thách thức. Ngoài ra thế giới hiện nay đang dịch lên một tầm cao mới về mặt công nghệ, chúng ta không thể trở về với lối bình thường cũ là sản xuất theo kiểu cũ mà đây là cơ hội để chúng ta dịch lên các chuỗi mới và cách tiếp cận mới.
- Theo ông, điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp cần làm để chuẩn bị đoán đầu xu hướng mới này?
- Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Khi khó khăn, mình phải tự chịu trách nhiệm, nên trước tiên, mỗi doanh nghiệp cần phải cố gắng gấp đôi, phải nhìn thấy trong khó khăn cơ hội để cấu trúc lại hoạt động. Đa số các doanh nghiệp đều đang điều chỉnh và làm việc đó để sinh tồn để quyết tâm phải sống.
Thứ hai là cần tiếp cận các công nghệ mới, cách thức quản trị mới, những liên kết mới để sau Covid-19 có thể đứng dậy với tâm thế khác, với thực lực, liên kết sức mạnh khác.
Bên cạnh đón nhận sự dịch chuyển về chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị cho sự dịch chuyển theo hướng công nghệ, trong đó việc áp dụng Big Data hay AI là rất cần thiết cho công tác quản trị doanh. Đây là điều quan trọng, không chỉ giúp mỗi công ty thích nghi với bình thường mới mà còn giúp họ bắt kịp, thậm chí, tìm được cơ hội khi các xu hướng toàn cầu thay đổi do ảnh hưởng của Covid-19.
Ngoài ra, trong khó khăn, vấn đề không chỉ là mỗi doanh nghiệp phải đứng lên như thế nào mà cần nhấn mạnh rằng, phải làm sao để liên kết, cùng nhau đứng dậy.
- Chính phủ đóng vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ doanh nghiệp sống sót và thích nghi với "bình thường mới"?
- Tôi nghĩ quan trọng nhất là cho phép doanh nghiệp tự chủ, được quyền tự quyết định và đưa ra lựa chọn nhiều hơn. Hoặc chính phủ có thể hỗ trợ về thuế, phí, thủ tục, tác động đến hệ thống tài chính để vay vốn.
Tuy nhiên, cả doanh nghiệp và chính phủ cần phải sát cánh cùng nhau trong việc dự báo tình hình và lựa chọn hướng thay đổi. Hiện nay, tình hình thế giới có nhiều yếu tố vượt ra ngoài tầm kiểm soát như: bao giờ các nước hết Covid-19, bao giờ họ mở cửa trở lại... Đây lại là những vẫn đề có ảnh hưởng lớn vì Việt Nam đang mở cửa mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng. Nếu môi trường công và tư không phối hợp với nhau, trong khi nguồn ngân sách quốc gia yếu, khả năng chống chịu không cao, thì hiệu quả hỗ trợ sẽ thấp.
- Hoạt động chuyển đổi số sẽ mang lại sức mạnh gì cho doanh nghiệp?
Có một thông điệp rất rõ ràng rằng, hiện nay mọi doanh nghiệp, kể cả các các đơn vị đang hoạt động trong môi trường công nghệ hay các công ty thiên về sản xuất, kinh doanh hàng hóa đều phải đặt mình vào quá trình chuyển đổi số để tối ưu hoá hoạt động, nâng cao năng lực, thích nghi được với những điều kiện mới của thế giới khi tình trạng chuỗi được cấu trúc lại. Các doanh nghiệp Việt Nam nên dịch chuyển theo chiều dọc theo xu hướng công nghệ. Chuyển sang ứng dụng các công nghệ Big Data, AI, IoT... để tăng cường hiệu quả quản lý đồng thời tận dụng các cơ hội mới.
Tôi thấy rằng hàng loạt ứng dụng công nghệ mà FPT và nhiều công ty cùng ngành khác đang phát triển cần phải được giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp. Việc chuyển đổi số không chỉ giới hạn trong các công ty công nghệ mà cần phải được thực hiện trong các đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa, các nhà máy, khu công nghiệp. AI hay Big Data sẽ giúp thay đổi và nâng cao quản trị, tăng khả năng thích nghi với sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Quyết định ứng dụng công nghệ sẽ trả lời cho câu hỏi, trong thời gian tới, Việt Nam trở về với bình thương cũ, về với ngô, khoai sắn, hay dịch chuyển theo hướng bình thường mới, cùng với sự phát triển của hàng loạt công nghệ như AI, Big Data...
Ứng dụng công nghệ không phải chỉ để sống sót vào lúc này mà là để chuẩn bị cho một cuộc chơi mới, một giai đoạn phát triển dựa trên nền tảng số hoá được thực thi.
Phạm An