Điều khiến tiêm kích J-20 Trung Quốc không thể sánh với tiêm kích tàng hình Mỹ
by Đăng Nguyễn - NI Dân ViệtVẫn còn nhiều tranh luận về năng lực tác chiến của tiêm kích tàng hình J-20, nhưng có một vấn đề không thể bàn cãi ngăn tiêm kích mạnh nhất của Trung Quốc cạnh tranh với tiêm kích F-22 và F-35 của Mỹ.
Trung Quốc hiện vẫn còn rất hạn chế trong năng lực sản xuất tiêm kích J-20.
Trong bài phân tích đăng tải trên tạp chí National Interest, tác giả Kris Osborn, chỉ ra rằng Trung Quốc đang gặp vấn đề lớn trong dây chuyền sản xuất tiêm kích J-20. Đây được coi là điểm hạn chế lớn nhất của J-20 trong kịch bản đối đầu tiêm kích tàng hình tối tân nhất của Mỹ.
Theo tác giả Osborn, vấn đề nằm ở động cơ hiệu suất cao WS-15. “Quá trình sản xuất động cơ WS-15 đã chậm tiến độ so với kế hoạch, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chế tạo tiêm kích tàng hình J-20”, tác giả Osborn viết.
Tính đến hết năm 2019, Trung Quốc mới chỉ sở hữu khoảng 50 tiêm kích J-20, so với mục tiêu đề ra là 100-200 chiếc để đảm bảo năng lực chiến đấu.
So với 50 chiếc J-20 của Trung Quốc, Mỹ hiện có 186 tiêm kích tàng hình F-22 sẵn sàng chiến đấu, theo hãng sản xuất Lockheed Martin.
Hai động cơ turbine phản lực cánh quạt F119-PW-100 trang bị trên tiêm kích F-22 cho hiệu suất vượt trội hoàn so với động cơ WS-15 mà Trung Quốc đang loay hoay sản xuất.
Năm 2019, tờ SCMP dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, động cơ WS-15 thể hiện độ tin cậy thấp khi liên tục gặp sự cố, thậm chí phát nổ năm 2015. Không rõ vấn đề này cho đến nay đã được khắc phục hoàn toàn hay chưa.
Năm ngoái, hãng Lockheed Martin bàn giao tới 134 chiếc F-35 cho các đối tác.
"Nguyên nhân dẫn đến sự cố rất phức tạp. Một trong số đó là chất lượng các lá cánh turbine đơn tinh thể, bộ phận then chốt làm nên sức mạnh của động cơ phản lực. Cánh quạt turbine đơn tinh thể của động cơ WS-15 không chịu được nhiệt độ cao và khả năng cơ động của J-20", một nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ.
Một mặt, các kỹ sư Trung Quốc phải dồn sức chế tạo lá cánh turbine đơn tinh thể với chất lượng cao. Mặt khác, các kỹ sư cũng phải tìm ra cách đơn giản hóa quy trình sản xuất để đưa vào chế tạo đại trà.
Vấn đề mấu chốt là Bắc Kinh cần thêm thời gian để kiểm tra, thử nghiệm và khắc phục các vấn đề phát sinh.
Tính đến thời điểm đầu năm 2020, tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô được cho là chỉ có thể chế tạo hoàn chỉnh một chiếc J-20 trong một tháng, theo Business Insider.
Đối với tiêm kích tàng hình F-35, hãng Lockheed tiết lộ trên National Interest rằng đã bàn giao 134 chiếc cho các đối tác vào năm 2019 và năm nay kế hoạch sản xuất là 141 chiếc.
Do đại dịch Covid-19, Lockheed thông báo sẽ chậm tiến độ sản xuất từ 18-24 chiếc. Nhưng như vậy vẫn là vượt trội hoàn toàn so với năng lực sản xuất tiêm kích tàng hình của Trung Quốc.
Theo tác giả Osborn, hiện chưa rõ Trung Quốc muốn chế tạo bao nhiêu tiêm kích J-20, nhưng dây chuyền sản xuất còn hạn chế không có nghĩa là không quân Trung Quốc không tạo ra mối đe dọa với Mỹ về lâu dài.
Nhìn chung, sự thống trị trên bầu trời của không quân Mỹ đang ngày càng bị đe dọa vì khoảng cách công nghệ quân sự với Trung Quốc đang càng thu hẹp, theo bản đánh giá trình lên Quốc hội Mỹ.
“Năm 2000, các chiến đấu cơ Trung Quốc hầu hết có năng lực chiến đấu hạn chế, chỉ có thể tấn công mục tiêu ở tầm quan sát bằng mắt thường. Hơn 15 năm sau, Trung Quốc đã sở hữu các tên lửa đối không tầm trung và tầm xa tiên tiến, kết hợp cùng nhiều vũ khí hiện đại khác như bom dẫn đường chính xác, tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm”, bản báo cáo viết.
Nguồn: http://danviet.vn/dieu-khien-tiem-kich-j-20-trung-quoc-khong-the-sanh-voi-tiem-kich-tang-hinh-my...Nguồn: http://danviet.vn/dieu-khien-tiem-kich-j-20-trung-quoc-khong-the-sanh-voi-tiem-kich-tang-hinh-my-502020275155811600.htm