https://img.vietnamfinance.vn/thumbs/700x0/upload/news/hoangha/2020/5/27/thao-tung-co-phieu-vnf.jpg
Ảnh minh hoạ.

Xét xử Phạm Thị Hinh và các đồng phạm trong vụ thao túng giá cổ phiếu KSA

Tòa án nhân dân TP. Hà Nội bắt đầu xét xử bị cáo Phạm Thị Hinh (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA) và các đồng phạm về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

by

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày 26-27/5. Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thị Hinh khai, bị cáo từng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán VSM và Công ty Cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận.

Năm 2015, bị cáo chủ trương tăng vốn điều lệ của KSA từ 373 tỷ đồng lên 1.044 tỷ đồng, thông qua việc phát hành thêm hơn 67 triệu cổ phần cho các cổ đông của Công ty (56 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu và 11 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược). Hồ sơ nộp cho Ủy bán Chứng khoán có Nghị quyết của công ty, có Bản cáo bạch...

Tuy nhiên, đợt phát hành này không có ai mua, chỉ mình bị cáo đăng ký mua. Do đó, bị cáo đã nhờ người đứng tên mua cổ phần. Tiền mua cổ phần vay ngân hàng, sau khi nộp vào công ty thì lại rút ra để trả nợ ngân hàng.

Bị cáo khai, đã gặp Nguyễn Anh Tuấn (SN 1981, Công ty chứng khoán Maritime – MSI) để nhờ tăng giá cho cổ phiếu KSA. Sau đó, bị cáo giao cho Trần Hồng Ngọc (SN 1981, nhân viên VSM) lập ra 69 tài khoản để làm giá.

Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn khai, do sức ép doanh số, khách hàng nên bị cáo đã nhận lời với bị cáo Hinh. Bị cáo không được hưởng gì.

Bị cáo Trần Hồng Ngọc thừa nhận, theo chỉ đạo của Phạm Thị Hinh, bị cáo sử dụng tên, số điện thoại nhân viên trong các công ty để mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Các tài khoản phần lớn đều đăng ký margin. Sau đó, bị cáo Ngọc phân chia số cổ phiếu từ đợt phát hành thêm về các tài khoản mới mở để thực hiện giao dịch.

Trong số 69 tài khoản, bị cáo Hinh chỉ đạo bị cáo Ngọc giao cho Nguyễn Anh Tuấn 34 tài khoản. Có 31 tài khoản do bị cáo Hinh, bị cáo Ngọc trực tiếp quản lý. Còn 4 tài khoản được dùng để vay tiền, đảm bảo bằng cổ phiếu KSA sau đó trả tiền từ nhóm tài khoản này về các tài khoản còn lại để làm giá.

Lập một loạt tài khoản đẩy giá cổ phiếu

Theo truy tố, năm 2015, Phạm Thị Hinh thực hiện việc tăng vốn điều lệ của Công ty KSA bằng cách phát hành thêm 67 triệu cổ phiếu, trong đó có 56,05 triệu cổ phiếu chào bán ra công chúng. Ủy bán Chứng khoán đã chấp thuận lưu ký trên thị trường chứng khoán.

Sau khi phát hành, giá cổ phiếu KSA giảm mạnh, tính thanh khoản thấp. Hinh nảy sinh ý định lập ra một số tài khoản để thực hiện giao dịch chéo nhằm tăng giá cổ phiếu, tăng tính thanh khoản.

Để thực hiện hành vi, Hinh chỉ đạo Trần Hồng Ngọc (SN 1981, nhân viên VSM) lập ra 69 tài khoản. Bị cáo cũng thỏa thuận với Nguyễn Anh Tuấn (SN 1981), Nguyễn Trọng Hùng (SN 1979) – đều là cựu nhân viên Công ty Chứng khoán Maritime – MSI) sử dụng 69 tài khoản trên liên tục thực hiện việc mua, bán chứng khoán KSA để tạo cung cầu giả tạo trên thị trường nhằm thu hút nhà đầu tư.

Từ cuối năm 2015 đến tháng ngày 8/7/2016, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư với số tiền hơn 8,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, 3 công ty chứng khoán gồm Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt nam, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí cho vay margin bị thiệt hại số tiền 761 triệu đồng.

Cho đến nay, có 124 bị hại yêu cầu các bị can phải liên đới bồi thường số tiền hơn 3 tỷ đồng. Các công ty chứng khoán cũng có đơn yêu cầu số tiền trên.

Cơ quan công tố xác định bị cáo Hinh thực hiện hành vi theo ý kiến cá nhân, không thông qua HĐQT Công ty KSA và Công ty VSM không bàn bạc, thống nhất các nội dung liên quan đến hành vi phạm tội. Do đó, cơ quan điều tra không có căn cứ xác định vi phạm của pháp nhân là Công ty KSA và Công ty VSM.