Một mùa đại hội cổ đông rất khác
Dịch Covid-19 đã mang đến sắc màu rất khác cho mùa đại hội cổ đông năm nay.
by Ngọc ThủyDưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam phải thực hiện giãn cách xã hội 3 tuần tính từ tháng 4, khiến nhiều hoạt động bị đảo lộn, trong đó có cả tổ chức đại hội đồng cổ đông.
Đại hội cổ đông trực tuyến
Gần hết tháng 5 nhưng mới chỉ một số doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông. Nếu so với thời điểm bình thường, doanh nghiệp chỉ còn khoảng 1 tháng để buộc hoàn tất tổ chức đại hội cổ đông. Nhưng do dịch bệnh, Bộ Tài chính đã kiến nghị lùi hạn chót này sang ngày 30.9. Đây là một nét mới của mùa đại hội cổ đông năm nay
Cách thức tổ chức đại hội cổ đông 2020 cũng rất đặc biệt. Ở những công ty như GTNFoods, BIDV, PVGas..., ngoài triển khai các thủ tục đăng ký thông thường, doanh nghiệp còn kết hợp với cơ quan y tế để tiến hành các thủ tục khai báo y tế, đo thân nhiệt, phát khẩu trang, nước rửa tay, ngồi giãn cách... nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho cổ đông và cộng đồng trong mùa dịch. Dù vậy, các thủ tục phát sinh này khiến nhiều cổ đông e ngại. Mùa đại hội cổ đông năm nay trở nên vắng vẻ, thưa thớt hơn. Chỉ cổ đông nội bộ mới tề tựu đông đủ. Còn cổ đông bên ngoài gần như ít tham dự.
Lần đầu tiên, hình thức đại hội cổ đông trực tuyến ra đời tại Việt Nam. FPT là đơn vị đi tiên phong và có đến 67,6% cổ đông có quyền biểu quyết tham dự. Công ty còn thuyết phục được các cổ đông đồng tình, trong đó có nhiều tổ chức như SCIC, Dragon Capital... Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Đầu tư thuộc Dragon Capital, nhận xét: “Đây sẽ là chuẩn cho nhiều doanh nghiệp khác trong mùa đại hội cổ đông 2020”. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ủng hộ khi thúc đẩy giải pháp họp đại hội cổ đông trực tuyến, bỏ phiếu qua hệ thống phiếu điện tử...
Để tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến, FPT cho biết, doanh nghiệp cần phải đảm bảo được 3 yếu tố: hạ tầng công nghệ thông tin thông suốt; lựa chọn nền tảng phù hợp để triển khai sự kiện; phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu. Ngoài ra, để đảm bảo tính trung thực, khách quan, chính xác về tỉ lệ biểu quyết, các công ty cho phép cổ đông được biểu quyết bằng bản cứng, gửi qua đường bưu điện. Vì thế, thay vì kết thúc trong ngày, đại hội cổ đông có thể kết thúc sau 5-7 ngày.
Vì là doanh nghiệp chuyên về phần mềm, triển khai hạ tầng và truyền hình, nên FPT có thể tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến khá suôn sẻ. Một số công ty như Nam Long, PV Power … cũng chọn hình thức trực tuyến. “Chúng tôi có khoảng 50% là cổ đông nước ngoài, nhiều thành viên hội đồng quản trị hay đối tác chiến lược cũng ở nước ngoài nên làm việc hay họp trực tuyến đã khá quen thuộc,” ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Nam Long, cho biết. Theo ông Quang, số hóa là xu hướng tất yếu.
Sacombank, Ngân hàng Nam Á cũng chọn tổ chức trực tuyến. Tuy nhiên, đa số đại hội cổ đông của ngân hàng diễn ra muộn hơn. ACB, LienVietPostBank, ABBank, MBank, Techcombank... dự tính tổ chức đại hội cổ đông trong tháng 6. MSB, VietinBank thì chọn cuối tháng 5.
Thay đổi phút chót
Đa số các doanh nghiệp đều trình kế hoạch kinh doanh thận trọng trong mùa đại hội cổ đông năm nay. VietinBank dự kiến chỉ tăng tổng tài sản 1-3%, huy động vốn tăng 5-10%, dư nợ tín dụng tăng 4-8,5%. Tất cả đều giảm so với mục tiêu đề ra trong báo cáo thường niên mới đây. FPT Retail (FRT) dự tính doanh thu năm 2020 ước đạt 15.320 tỉ đồng, giảm 8%; lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 220 tỉ đồng, giảm 21% .
Dù vậy, vẫn có một số doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh năm 2020 tăng trưởng. Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông của Imexpharm, kế hoạch doanh thu thuần năm 2020 là 1.750 tỉ đồng, tăng 23%; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 260 tỉ đồng, tăng 28%. Kế hoạch này đưa ra dựa trên cơ sở các kênh OTC (nhà thuốc), ETC (bệnh viện) của Công ty đều tăng trưởng. Imexpharm kỳ vọng kênh ETC sẽ đóng góp cao trong tổng doanh số năm 2020. Nhà máy công nghệ cao Bình Dương (IMP4) của Imexpharm dự kiến được xét duyệt và cấp chứng nhận EU-GMP trong quý III và có thể đi vào sản xuất thương mại từ quý IV. Với triển vọng này, Imexpharm có thể duy trì mức tăng trưởng cao gấp đôi. Năm Bảy Bảy thì dựa vào dự án Diamond Riverside (bàn giao trong quý III/2020) để ghi nhận doanh thu đột biến năm 2020, tăng 339%, nhưng lãi trước thuế ước giảm 5%, còn 330 tỉ đồng.
Một nét mới nữa trong mùa đại hội cổ đông năm nay là không ít doanh nghiệp công bố chiến lược bất ngờ ở phút 89. Lộc Trời, chẳng hạn, muốn lấn sang mảng điện mặt trời, trong bối cảnh làn sóng đầu tư vào năng lượng đang sôi động. TNG thì quyết định đưa ngành sản xuất sản phẩm, thiết bị y tế vào danh mục hoạt động. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG, doanh thu từ các sản phẩm này rất tốt. Tháng 4 vừa qua, Công ty sản xuất đơn hàng 4 triệu khẩu trang và tiến tới đơn hàng 6 triệu sản phẩm trong tháng 5 và tháng 6. Người đứng đầu TNG tin rằng, Công ty có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến từ sản phẩm này trong năm 2020 nếu trúng một hợp đồng lớn. Vừa qua, TNG đã nhập khẩu thêm 4 máy sản xuất khẩu trang, để chuẩn bị đón những đơn hàng lớn gia tăng trong thời gian tới.
Một số doanh nghiệp lại hủy bỏ kế hoạch đang tiến hành. Ngân hàng MSB, chẳng hạn, đã quyết định rút lại hồ sơ đăng ký niêm yết tại sàn HOSE. MSB cho biết sẽ tái khởi động việc niêm yết ở thời điểm khác, khi thị trường thuận lợi hơn.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư