'Hồi chuông cảnh báo về an toàn trong trường học' phải dừng lại!
by Nguyễn Rông'Hồi trống trường có thể vang theo năm tháng, nhưng 'hồi chuông cảnh báo về an toàn trong trường học' phải dừng lại...
Thời gian gần đây, những tai nạn đang diễn ra liên tục trên khắp cả nước khiến giáo viên, phụ huynh và cả học sinh lo ngại về sự an toàn trong trường học của bản thân. Họ đang bất an, nơm nớp lo sợ với đầy rẫy mối nguy tiềm ẩn.
Khi trường học có nhiều mối nguy tiềm ẩn
Nếu nhìn thấy hình ảnh bố mẹ của N.T.K (12 tuổi, HS lớp 6/8, Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM, nạn nhân bị cây đè tử vong tại trường) thẫn thờ trước linh cữu đứa con trai đầu lòng đã không còn được cười nói, chắc hẳn ai cũng sẽ bật khóc.
Bố mẹ của K. đã không ngờ, K. tử vong vì cây bật gốc ngã đè lên người ngay ở trường học.
Khoảng 3 năm trước, người thân của N.T.L (ở Q.2, TP HCM), sinh viên liên thông ngành Kỹ thuật môi trường, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, bật khóc tức tưởi khi L. tử vong vì bị khối bê tông của trường vỡ, rơi từ tầng cao trúng đầu khi đang xếp hàng vào thang máy.
Người thân của L. đã không ngờ con trai mình qua đời vì một tai nạn trong khuôn viên trường học.
Cách đây vài ngày, Bùi Hoàng Anh (22 tuổi, ở xã Bù Gia Mập, Bình Phước) đến một trường tiểu học trên địa bàn TP.Đồng Xoài. Sau đó đến khu vực nhà vệ sinh của trường, đe dọa và khống chế một bé gái để thực hiện một số hành vi dâm ô. Chắc chắn, bố mẹ của bé gái này cũng không ngờ con mình bị dâm ô ngay trong khuôn viên trường học.
Những câu chuyện trên đã chứng minh an toàn trong trường học, trên khắp cả nước có một số vấn đề. Điều này khiến giáo viên, phụ huynh và cả học sinh lo ngại về sự an toàn của bản thân. Họ bất an, lo sợ vì ngay trong trường học lại đầy rẫy mối nguy tiềm ẩn.
Sau mỗi vụ việc, cụm từ "là hồi chuông cảnh báo, đáng báo động về an toàn trong trường học" lại xuất hiện. Nhưng sau đó, lại tiếp tục diễn ra những câu chuyện đau lòng khác.
Đừng để sau tai nạn phải thốt lên "hồi chuông cảnh báo"
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đọc tin tức trên báo chí về vụ việc N.T.K tử vong, ông cũng đã không thể kìm nén những giọt nước mắt.
"Người hiệu trưởng phải quản lý giảng dạy, có trách nhiệm về mọi mặt trong trường nên khó quán xuyến được hết mọi việc. Tuy nhiên, hiệu trưởng phải biết phân công từng người, từng nhóm người là giáo viên, nhân viên trong trường thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất để kịp thời phát hiện những mối nguy có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc", ông Ngai nói.
Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT một tỉnh lân cận TP.HCM, cho rằng ngành giáo dục cần phải thẳng thắng thừa nhận môi trường học đường đang tiềm ẩn những bất an. Vị này dẫn chứng năm 2019, vụ chập điện cháy ở một trường mầm non ở P.Phú Lương (Q.Hà Đông, Hà Nội) khiến cô hoảng loạn ôm trò bỏ chạy.
Ông cũng nhắc lại cách đây không lâu, nhiều phòng học ở H.Núi Thành (Quảng Nam) xập xệ, mái ngói bị mục nát rơi vãi xuống nền nhà, cửa kính nhiều phòng bị vỡ...
"Ngay lúc này, ngay bây giờ, chứ không phải lúc nào khác, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT các tỉnh thành phải rà soát lại cơ sở vật chất tất cả các trường học trên cả nước. Đồng thời phải tăng cường hướng dẫn những quy định an toàn cho học sinh, giáo viên. Có như vậy, ngành giáo dục mới có sự chủ động để sẵn sàng giải quyết những tình huống, sự cố về mất an toàn bất ngờ xảy ra ngay trong trường học. Chứ đừng để sau mỗi vụ tai nạn thì lại thốt lên điệp khúc 'đây là hồi chuông cảnh báo...'", vị này chia sẻ.
Giáo viên phải có nhiều kỹ năng
Ngay trong chiều 26.5, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) đã cùng giáo viên trong trường đi quanh khuôn viên trường, nhìn khắp các tường, cống, ổ điện, dây điện trong phòng học...
Ông Phú cho biết bài học đau lòng vừa xảy ra ở Trường THCS Bạch Đằng khiến ban giám hiệu nhà trường phải rà soát lại cơ sở vật chất nhà trường.
Cách đây mấy ngày, khi TP.HCM bắt đầu mùa mưa, vị hiệu trưởng này đã yêu cầu đốn đi 2 cây bò cạp vàng trong sân trường. Lý do vì thân cây này to lại dòn, dễ gãy. Trái của cây này nặng, rơi dễ "bể đầu". Nếu để cây tồn tại trong trường, rất dễ gây tai nạn đáng tiếc cho học sinh, giáo viên.
Ông Phú cũng yêu cầu đội bảo trì của trường dựng thêm nhiều trụ đỡ mái vòm trong sân trường. "Mái vòm dù mới làm, nhưng nếu có nhánh cây đổ xuống, có thể làm xiêu vẹo, đổ đè học sinh", ông Phú cho biết.
Kể những câu chuyện ấy, ông Phú cho rằng không chỉ hiệu trưởng, mà giáo viên, nhân viên trong trường học đều phải có những kỹ năng.
Đó là kỹ năng nhìn nhận, đánh giá và dự báo sự việc. Nếu nhìn cây có nguy cơ bị bật gốc, có thể ngã đổ, cần phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Nếu thấy cơ sở vật chất hư hỏng, hệ thống điện chập chờn, có vấn đề, phải lập tức sửa chữa. Nếu thấy hệ thống thoát nước ở trường ùn ứ, có thể gây muỗi đốt học sinh, cần nhanh chóng nạo vét...
"Những kỹ năng 'bảo trì' này cần được hướng dẫn bài bản với giáo viên, nhân viên trong trường. Có như vậy, thì mới ngăn chặn được những tình huống xấu có thể xảy ra", ông Phú chia sẻ.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, trường cần thường xuyên dạy kỹ năng sống cho học sinh.
"Việc dạy kỹ năng ứng phó trước những tình huống nguy cấp, kỹ năng phản kháng trước những hiện tượng bất thường, sẽ giúp học sinh tránh được những câu chuyện đau lòng trong trường học. Ví dụ, cần dạy học sinh khi trời mưa gió không được ra ngoài, không được chạy nhảy ngoài sân trường. Khi bị người lạ xông vào trường uy hiếp, phải biết kêu cứu tìm sự trợ giúp. Khi thấy trời sấm chớp hay cây ngã không được tò mò ra hiện trường mà phải tập trung trong lớp học. Khi thấy những điều bất thường trong lớp học, trong trường học, thấy có người lạ lảng vảng trong khuôn viên trường, thấy hệ thống điện chập chờn, thấy ngói trường có nguy cơ bị rớt... phải báo với giáo viên, ban giám hiệu...", ông Phú chia sẻ.
"Cần chú trọng những kênh thông tin từ phụ huynh và học sinh có nói về an toàn trong trường học. Những phản ảnh (nếu có) của học sinh, phụ huynh về cơ sở vật chất của trường, về những tình huống bạo lực học đường... sẽ giúp nhà trường dễ dàng hơn trong việc quản lý, kiểm soát, nhằm tránh những câu chuyện tai nạn khó lường có thể xảy ra", ông Phú nói thêm.